16/07/2025 16:33

Dòng tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đang dồn về bất động sản?

Theo chuyên gia Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup, trong bối cảnh tiêu dùng yếu và tín dụng sản xuất gần như đi ngang, tín dụng toàn hệ thống tăng mạnh nhờ dòng tiền chảy chủ yếu vào bất động sản, lĩnh vực ghi nhận mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua.

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2025 đã ghi nhận con số "bùng nổ" và đưa một lượng vốn lớn ra nền kinh tế. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ 2022 đến nay.

Đánh giá về con số tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ NHNN, cho rằng đây là một mức tăng trưởng cao, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là nữa là tăng trưởng tín dụng cao như vậy thì dòng tiền đi về đâu?

Chia sẻ tại Data Talk | Macro Insight: Kinh tế nửa đầu năm 2025 và câu hỏi tiền đang đi về đâu? do VietnamBiz tổ chức ngày 15/7, ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup, cho hay tín dụng trong nền kinh tế được phân ra thành nhiều nhánh, nhánh vào sản xuất, nhánh vào tiêu dùng, nhánh vào bất động sản và xây dựng. 

Ông cho biết trong vòng từ đầu năm 2024 đến nay, tốc độ tăng trưởng của tín dụng đổ vào khu vực sản xuất gần như là đang chững lại trong khi tăng trưởng tín dụng vào khu vực thương mại, vận tải và viễn thông đi ngang trong khoảng 18 - 19%. 

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup (Ảnh: Minh Nguyệt)

"Tín dụng đẩy vào khu vực khác, chủ yếu là tiêu dùng và bất động sản, tăng trưởng rất mạnh, chạm mốc kỷ lục trong nhiều năm qua. Có thể thấy tiêu dùng trong bối cảnh hiện tại đang khó khăn, suy ra tín dụng tiêu dùng không thể tăng trưởng mạnh và thậm chí có thể tăng trưởng rất yếu nhưng dòng chảy tín dụng chung vẫn tăng rất mạnh, chứng tỏ đến từ tín dụng bất động sản", ông phân tích. 

 (Nguồn: WiGroup)

Theo ông Báu, tín dụng tăng trưởng mạnh trong gần hai năm vừa qua, đặc biệt trong 6 tháng vừa qua, gần như toàn bộ đều được dẫn dắt bởi khu vực bất động sản và xây dựng. Những khu vực công nghiệp và những khu vực khác nhìn chung tăng trưởng khá chậm.

"Thậm chí khu vực công nghiệp đã giữ tốc độ tăng trưởng chậm trong vòng cả năm vừa qua. Đó là điều chúng ta cần nhìn nhận về sự lệch pha giữa dòng tín dụng đang chảy vào các kênh", ông nhấn mạnh. 

Đối với những khu vực công nghiệp và những khu vực khác nhìn chung khá là chậm, thậm chí khu vực công nghiệp tốc độ tăng trưởng đã chậm trong vòng cả năm vừa qua.

"Rõ ràng những lo ngại về việc tín dụng chảy vào bất động sản trong 6 tháng và một năm vừa qua sẽ gây ra rủi ro về giá bất động sản và rủi ro về hệ thống ngân hàng trong tương lai. Đó là những lo ngại của thị trường, còn những nhà làm chính sách hoặc những nhà quản lý đôi khi lại có chiến lược khác", ông nhấn mạnh. 

Về bản chất của tín dụng, có thể thấy cấu trúc nguồn vốn vay nợ của các công ty bất động sản tổng hợp trên sàn chứng khoán Việt Nam ngày trước 60% đến từ huy động trái phiếu nhưng hiện giờ chỉ còn chiếm khoảng 30 - 40%.

Xét về giá trị tuyệt đối, tổng giá trị trái phiếu lưu hành của ngành bất động sản đã giảm từ khoảng gần 600.000 tỷ xuống còn khoảng hơn 100.000 tỷ. Vậy thì khi họ giảm bớt vay trái phiếu đồng nghĩa với việc họ phải vay ngân hàng để đảo lại phần đó.

"Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong vòng hơn một năm vừa qua tập trung đổ vào ngành bất động sản, nhu cầu lớn trong đó là dùng để đảo nợ trái phiếu, cấu trúc lại nguồn vốn thay vì tập trung vào trái phiếu thì tập trung vào nguồn vốn vay của ngân hàng", vị chuyên gia cho hay.

Vị chuyên gia nhận định trong thời gian tới, xu hướng này sẽ có tiếp tục diễn ra vì khi nhìn vào biểu đồ về đáo hạn trái phiếu bất động sản trong giai đoạn tới, có thể thấy rằng mỗi quý sẽ có áp lực khoảng chừng 40.000 - 50.000 tỷ đồng, tầm 35.000 - 40.000 tỷ đồng tiếp tục đáo hạn mỗi quý trong vòng hai năm tới. Do đó tín dụng sẽ tự động chảy vào bất động sản vì nhu cầu này là hiện hữu nhất trong nền kinh tế.

Theo ông Báu, đối với khu vực sản xuất, hiện tại tiêu dùng yếu, sản xuất chỉ có thể phục vụ xuất khẩu còn trong nước thì tương đối khó. Vì vậy rõ ràng tín dụng kể cả ở đầu cung và đầu cầu đều dồn khá nhiều cho bất động sản.

Về diễn biến trên thị trường chứng khoán, ông Báu cho biết đà tăng của thị trường trong 2–3 tháng gần đây chủ yếu được kích hoạt bởi dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và các hệ sinh thái bất động sản.

Trong khi đó, các nhóm ngành còn lại ghi nhận mức tăng rất chậm, sức mạnh giá nhìn chung khá yếu. Chỉ có hai nhóm ngành lọt vào danh sách dẫn dắt thị trường là thép và phần mềm. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, dòng tiền vào hai ngành này cũng chỉ tập trung vào một vài mã cụ thể như Hòa Phát (thép) hay VNZ của VNG (phần mềm), chứ không phải toàn ngành.

Ngược lại, các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng và bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong những hệ sinh thái lớn, ghi nhận mức tăng lan tỏa rõ rệt và mạnh mẽ.

"Sóng tăng vừa qua không dành cho tất cả, mà chỉ dành cho một số ngân hàng và công ty bất động sản nhất định. Dường như dòng tiền thông minh đã nhìn ra điều này từ cách đây 2–3 tháng và đón đầu xu hướng", ông Báu nhận định. 

  (Nguồn: WiGroup)

Minh Nguyệt