Kinh tế Quốc tế 08/10/2024 06:55

Dow Jones bay gần 400 điểm khi lợi suất trái phiếu và giá dầu vọt tăng

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm 1% trong phiên giao dịch đầu tuần khi lợi suất trái phiếu chính phủ và giá dầu đều tăng nhanh do báo cáo việc làm nóng hơn dự kiến và căng thẳng tại Trung Đông.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 7/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 399 điểm, tương đương 0,94% và đóng cửa với 41.954 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,96% xuống 5.696 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng tụt 1,18% và chốt phiên ở mức 17.924 điểm. 

 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng hơn 4 điểm cơ bản (bps) lên 4,02%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8, lợi suất trái phiếu vượt ngưỡng 4%. Lợi suất trái phiếu tăng khi triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay hạ lãi suất trong cuộc họp sắp tới vơi bớt sau báo cáo việc làm nóng hơn kỳ vọng. 

Hiện thị trường tương lai đánh giá Fed sẽ cắt giảm 25 bps với xác suất 86%, giữ nguyên lãi suất với xác suất 14%. Một tuần trước đó, thị trường từng chắc chắn rằng Fed sẽ hạ lãi suất từ 25 đến 50 bps.

 

Đồng thời, giá dầu cũng đi lên khi căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiếp tục nóng. Giá dầu WTI đã tăng gần 5% và giao dịch ở mức gần 77 USD/thùng.

Trong phiên 7/10, cổ phiếu năng lượng tăng khoảng 0,4% và là lĩnh vực duy nhất trong S&P 500 đóng cửa ở mức tích cực. Ở chiều ngược lại, hai lĩnh vực tiện ích là viễn thông và tiêu dùng không thiết yếu đều giảm khoảng 2%. 

Giá dầu tiếp tục tăng nhanh trong bối cảnh chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng. 

Theo ông Art Hogan, chiến lược gia thị trường trưởng tại B. Riley Wealth, vào tuần trước chứng khoán Mỹ đã được cứu vãn bởi báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến. S&P 500 tăng 0,2% vào tuần trước, trong khi Nasdaq Composite và Dow Jones cùng nhích thêm 0,1%. 

Tuy nhiên sang đến tuần này, “hai yếu tố được các nhà đầu tư theo dõi kỹ lưỡng là lợi suất trái phiếu và giá năng lượng đang tăng cao hơn”. 

Trong khi đó, JPMorgan tin rằng cổ phiếu đang được định giá cao sau đợt tăng gần đây và có thể làm gia tăng rủi ro tập trung cũng như nguy cơ giảm giá. 

“Nếu thị trường suy yếu, Mỹ thường trụ vững tốt hơn những khu vực khác trong giai đoạn không có rủi ro. Nhưng điều đáng lo ngại là chứng khoán Mỹ đang giao dịch với P/E và EPS tương đối cao, có thể hạn chế đà tăng”, JPMorgan nhận định. 

 

Trong tuần này, thị trường sẽ theo dõi biên bản cuộc họp của Fed vào ngày 9/10 và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 10/10. 

Ngoài ra, mùa báo cáo kết quả kinh doanh cũng bắt đầu nóng lên khi Delta Air Lines và JPMorgan sẽ công bố báo cáo tài chính trong hai ngày 10 và 11/10. 

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 08/10/2024 07:45
Chẳng có lý do gì để Fed giảm lãi suất thêm 50 bps

Các chiến lược gia cho rằng Fed đã hành động quá vội vàng mà không tính toán kỹ lưỡng. Vì lẽ đó, các nhà hoạch định chính sách không có lý do gì để hạ lãi suất mạnh tay vào các tháng tới.

Kinh tế Quốc tế 07/10/2024 20:07
Ông Trump dọa áp thuế 200% với ô tô nhập khẩu từ Mexico

Nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump nói sẽ áp thuế mạnh tay với xe nhập khẩu.

Kinh tế Quốc tế 07/10/2024 16:18
Trong giai đoạn 5 năm, mua vàng hay đầu tư chứng khoán sinh lời hơn?

Giữa vàng và cổ phiếu, đâu là tài sản mang nhiều tiền về cho nhà đầu tư hơn trong 5 năm qua?

Kinh tế Quốc tế 07/10/2024 15:23
Đồng yen của Nhật Bản chạm mức thấp nhất trong gần hai tháng

Đồng yen giảm nhẹ xuống mức 149,10 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 16/8, trong bối cảnh đồng USD kéo dài đà tăng nhờ số liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ và xung đột ở Trung Đông leo thang.