Kinh tế Quốc tế 26/04/2024 07:10

Dow Jones giảm gần 400 điểm khi tăng trưởng GDP Mỹ thấp hơn dự báo

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều dứt chuỗi phục hồi sau khi báo cáo GDP và lạm phát làm dấy lên lo ngại về xu hướng thiểu phát.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 25/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 375 điểm xuống còn 38.086 do bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của cổ phiếu Caterpillar và IBM. 

Chỉ số S&P 500 giảm 0,46% và chốt phiên ở mức 5.048 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,64%, đóng cửa với 15.612 điểm. 

 

Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA) cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 1,6% trong quý đầu tiên, tốc độ đã chuẩn hoá theo năm. Trong khi đó, các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò từng dự báo tăng trưởng GDP là 2,4%. 

Cùng với tốc độ tăng trưởng chậm lại, báo cáo cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) đã tăng 3,4% trong quý I, cao hơn nhiều so với tốc độ 1,8% của quý liền trước. 

Những dữ liệu này làm dấy lên lo ngại về lạm phát dai dẳng và đặt ra câu hỏi rằng liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có sớm cắt giảm lãi suất hay không. 

Tăng trưởng GDP quý IV/2023 đã được điều chỉnh lên 3,4%. 

Theo CNBC, các số liệu kinh tế trên cho thấy một môi trường lạm phát đình trệ: nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, tạo ra trở ngại cho các nhà hoạch định chính sách. 

Ông Chris Larkin, Giám đốc quản lý mảng giao dịch và đầu tư tại E*Trade, nhận định: “Trong ngắn hạn, những con số này có vẻ sẽ không thúc đẩy cả phe bò lẫn phe gấu… Nhưng tình trạng không chắc chắn khó có thể làm giảm áp lực trong một thị trường vừa trải qua đợt giảm giá sâu nhất từ năm ngoái”. 

Sau dữ liệu GDP, các nhà giao dịch đã thay đổi nhận định về việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo công cụ FedWatch của CME Group, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ còn một đợt hạ lãi suất trong năm 2024. 

Thị trường đang đặt cược rằng Fed sẽ hạ lãi suất duy nhất một lần trong năm 2024. 

Cổ phiếu Meta (Facebook) giảm 10,5% sau khi gã khổng lồ truyền thông xã hội đưa ra dự báo doanh thu quý II thấp hơn kỳ vọng. Cổ phiếu của International Business Machines (IBM) cũng giảm 8,3% sau khi công ty không đạt được ước tính về doanh thu trong quý đầu tiên. 

“Với tất cả sự chú ý dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) trong 9 tháng qua, việc Meta không đạt dự báo tăng trưởng doanh thu quý I khiến thị trường tự hỏi liệu kiếm tiền từ công nghệ này có dễ dàng hay không”, ông Thierry Wizman, chiến lược gia tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại Macquarie, cho biết.

Mức giảm hơn 10% của cổ phiếu Meta đã khiến nhóm viễn thông mất hơn 4%. 

Báo cáo của Meta cũng làm dấy lên lo ngại về kết quả kinh doanh của những ông lớn công nghệ khác như Alphabet (Google) hay Microsoft.

Tuy nhiên, cổ phiếu của Alphabet đã tăng 14% trong phiên giao dịch kéo dài khi gã khổng lồ này ghi nhận lợi nhuận và doanh thu vượt kỳ vọng. Đồng thời, công ty cũng công bố kế hoạch chia cổ tức lần đầu trong lịch sử và kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 70 tỷ USD. 

Cổ phiếu Microsoft cũng đi lên 5% trong phiên giao dịch ngoài giờ khi kết quả kinh doanh quý tài chính thứ ba vượt dự báo về cả doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, công ty đã đưa ra dự báo doanh thu quý IV (quý tài chính) thấp hơn dự báo.

Minh Quang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 05/05/2024 20:21
Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ thay đổi ra sao khi chuyển sang giao dịch 'T+1'?

Giao dịch "T+1" sẽ giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ, giảm chi phí ký quỹ nhưng đồng thời có thể làm đảo lộn cách thức giao dịch thông thường và làm nảy sinh một số rủi ro.

Kinh tế Quốc tế 05/05/2024 16:10
Tỷ phú Warren Buffett: Tăng thuế có thể bù đắp thâm hụt ngày càng tăng của Mỹ

Tỷ phú Warren Buffett cho biết ông hy vọng chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế, thay vì giảm chi tiêu, để giải quyết tình trạng thâm hụt tài chính ngày càng gia tăng.

Kinh tế Quốc tế 05/05/2024 08:25
Sau chuỗi ngày sụt giá kỷ lục, đồng yen có xu hướng đảo chiều đi lên

Sự tăng vọt trong thời gian ngắn không làm giảm bớt những lo lắng của các thị trường về sự yếu kém dai dẳng của đồng yen, ngay cả khi nhiều đồn đoán cho rằng đã có sự can thiệp từ Chính phủ Nhật Bản.

Kinh tế Quốc tế 05/05/2024 07:43
Những điểm đáng chú ý từ báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương

IMF vừa công bố báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2024, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế của khu vực đang ổn định và tiềm năng phát triển rất đa dạng.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO