Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 3/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 344 điểm, tương đương 0,77% và đóng cửa ở mức 44.829 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,83%, chốt phiên với 6.279 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite nhích 1,02% lên 20.601 điểm.
Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều tiếp tục chốt phiên ở mức kỷ lục mới.
Dow Jones cũng đang tiến gần mốc kỷ lục từng xác lập vào cuối năm ngoái.
Kết thúc tuần giao dịch ngắn, cả ba chỉ số trung bình chính đều ghi nhận kết quả tích cực. S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt đi lên 1,7%, 1,6% và 2,3% trong cả tuần.
Báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế số một thế giới đã tạo thêm 147.000 việc làm trong tháng 6, cao hơn mức dự báo 110.000 và kết quả đã điều chỉnh trong tháng 5 là 144.000 việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 2 và trái ngược với dự báo tăng nhẹ lên 4,3%.
Thị trường lao động Mỹ đạt kết quả tốt hơn kỳ vọng trong tháng 6.
Báo cáo việc làm mạnh mẽ thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đột biến, đồng thời làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong tháng 7.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đang đặt cược với xác suất 95% rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ duy trì lãi suất trong cuộc họp cuối tháng này.
“Tác động lớn nhất từ báo cáo việc làm có thể là Fed sẽ không hạ lãi suất vào tháng 7 và đặt ra câu hỏi về khả năng cắt giảm trong năm nay”, ông Jed Ellerbroek, Giám đốc danh mục đầu tư tại Argent Capital Management, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.
Trước đó một ngày, báo cáo từ ADP cho thấy việc làm trong khu vực tư nhân giảm 33.000 so với tháng trước, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế đã bắt đầu chao đảo trước sức nặng của chính sách thuế quan. Dữ liệu chính thức của chính phủ hôm 3/7 đã bác bỏ mối lo ngại này.
Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam hôm 2/7, các nhà đầu tư cũng háo hức chờ đợi các thỏa thuận tiếp theo khi hạn chót hoãn áp thuế đối ứng tới gần.
Ông Ellerbroek cho rằng thị trường có thể đi xuống trong kịch bản Tổng thống Trump “thực sự cứng rắn” trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, vị chuyên gia tin rằng cuối cùng, thị trường sẽ có cái nhìn lạc quan hơn.
"Chúng ta sẽ thấy tác động thực sự của thuế quan đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng thị trường sẽ vượt qua mà không gặp quá nhiều khó khăn", ông nhận định.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi tiến trình của dự luật thuế của ông Trump. Hiện tại, dự luật đã được Hạ viện thông qua và đang trên đường đến bàn làm việc của ông Trump. Vị tổng thống mong muốn ký ban hành luật trước ngày quốc khánh 4/7.
Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) và Nasdaq Composite đã đóng cửa sớm vào ngày 3/7 và sẽ tiếp tục đóng cửa vào ngày 4/7 để mừng quốc khánh.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều căng thẳng, quy tắc xuất xứ đang trở thành khái niệm được nhiều người chú ý đến. Từ mức thuế ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do cho đến biện pháp phòng vệ như chống bán phá giá, xuất xứ là yếu tố quyết định liệu hàng hóa sẽ được hưởng ưu đãi hay phải chịu thêm gánh nặng thuế quan.
Theo chính sách thuế quan đối ứng mà ông Trump công bố vào đầu tháng 4, mức thuế cao nhất vào khoảng 50%.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bộ Thương mại Mỹ đang liên lạc các CEO doanh nghiệp để tìm hiểu xem họ có quan tâm việc tháp tùng Tổng thống Donald Trump trong một chuyến đi tới Trung Quốc trong năm nay hay không.
Theo tờ New York Times, đồng tiền của Mỹ đã giảm hơn 10% trong 6 tháng qua, khi so sánh với những đồng tiền của các đối tác thương mại lớn trong rổ tiền tệ quốc tế.