Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp đang hứng chỉ trích từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh minh hoạ: CNN/Getty Images).
Hôm 17/4, không lâu trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất lần thứ 7 liên tiếp trong một năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích gay gắt Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell.
Trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, ông Trump viết: “ECB dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ 7, nhưng Jerome Powell ‘Muộn màng’ của Fed, kẻ luôn chậm trễ và sai lầm, hôm qua đã đưa ra một cảnh báo ‘hỗn độn’ khác!
Giá dầu đang giảm, hàng tạp hoá cũng thế (thậm chí cả trứng!) và nước Mỹ đang trở nên giàu có hơn nhờ thuế quan. Powell ‘Muộn màng’ đáng lẽ phải hạ lãi suất, giống như ECB, từ lâu rồi. Chắc chắn ông ta nên hạ lãi suất ngay bây giờ. Cần phải sa thải Powell thật nhanh!”
Vị tổng thống đả kích người đứng đầu Fed sau khi ông Powell phát biểu tại một sự kiện ở Chicago rằng Nhà Trắng đang tạo ra “những thay đổi chính sách rất lớn”, bao gồm cả các mức thuế quan “mạnh tay hơn nhiều so với dự đoán”.
Tại sự kiện đó, ông Powell cảnh báo những thay đổi này không giống bất kỳ điều gì từng xảy ra trong lịch sử hiện đại và Fed đang bị đẩy vào một tình huống mà cơ quan này chưa từng thấy trong hàng chục năm qua.
“Chúng tôi có thể rơi vào kịch bản thách thức là hai đầu của nhiệm vụ kép trở nên mâu thuẫn với nhau. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ xem xét nền kinh tế đang cách xa từng mục tiêu bao xa và ước tính thời gian cần thiết để thu hẹp khoảng cách đó”, ông Powell nhấn mạnh trước Câu lạc bộ kinh tế Chicago hôm 16/4.
Dù Tổng thống Trump có chỉ trích Chủ tịch Fed bao nhiêu lần nữa hoặc thậm chí tìm cách sa thải ông Powell (như những gì cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett chia sẻ), các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ cũng sẽ không lung lay.
Ngay cả khi thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ - nơi trú ẩn an toàn nhất mà các nhà đầu tư có thể tìm đến - rung chuyển trong tuần ông Trump công bố thuế quan đối ứng và nhiều người hoảng loạn thúc giục Fed hạ lãi suất khẩn cấp, các nhà hoạch định chính sách vẫn vững tâm.
Cuộc họp chính sách kế tiếp của Fed diễn ra vào ngày 6 - 7/5 và nhìn chung các nhà đầu tư dự đoán giới chức ngân hàng trung ương Mỹ sẽ “án binh bất động”, tức là tiếp tục giữ lãi suất trong phạm vi 4,25 - 4,5%.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group tính đến ngày 20/4, các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng 4 lần trong năm 2025, mỗi lần 25 điểm cơ bản và bắt đầu từ tháng 6.
Nhận định của các nhà đầu tư dường như đang quá lạc quan, bởi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Fed) cũng chỉ kỳ vọng nhiều nhất hai đợt giảm lãi suất cho năm 2025, dựa theo tài liệu mà họ công bố tại cuộc họp tháng 3.
Các quan chức Fed sẵn sàng giữ lãi suất chính sách ổn định để giảm thiểu rủi ro thuế quan của Tổng thống Trump khiến lạm phát tăng cao dai dẳng, ngay cả khi thị trường lao động có thể tiếp tục yếu đi.
Trong các bình luận và phỏng vấn công khai, một loạt quan chức Fed đã phát tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ không cắt giảm lãi suất như một động thái phòng ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế do thuế quan gây ra.
Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 17/4, ông John Williams - Chủ tịch Fed chi nhánh New York kiêm Phó Chủ tịch FOMC - nhấn mạnh: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi tạm thời nào về giá cả đều sẽ không chuyển thành lạm phát cao hơn, dai dẳng hơn”.
Khoảng một tuần trước, vào ngày 9/4, người đồng nghiệp Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, thậm chí còn đưa ra tuyên bố diều hâu hơn trong một bài bình luận do ông chắp bút.
“Vì chúng tôi buộc phải giữ kỳ vọng lạm phát dài hạn ở mức phù hợp và vì lạm phát có khả năng sẽ đi lên trong ngắn hạn do thuế quan, rào cản đối với việc cắt giảm lãi suất ngay cả khi nền kinh tế suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã cao hơn”, ông Kashkari giải thích.
Quả thực, nếu một người bỏ ngoài tai bình luận của các quan chức Fed, thì họ có thể nhìn vào bức tranh kinh tế hiện tại để từ bỏ suy nghĩ ngân hàng trung ương này cần phải hạ lãi suất, ít nhất là trong một đến hai quý tới.
Trước hết, áp lực giá đã chậm lại đáng kể trong tháng 3, cho thấy sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế lớn nhất thế giới dù trên thực tế lạm phát vẫn đang cao hơn mức mục tiêu 2% của các quan chức Fed.
Dựa theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất, lạm phát toàn phần đã giảm đáng kể từ mức 2,8% trong tháng 2 xuống 2,4% vào tháng 3. Kết quả này thấp hơn hẳn dự báo, khiến giới phân tích ngạc nhiên.
Nếu không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, lạm phát lõi tháng 3 đạt 2,8%. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, thời điểm lạm phát bắt đầu bùng lên.
Ở bất kỳ giai đoạn nào khác, những tin tức tốt như vậy sẽ khơi dậy niềm lạc quan cho người tiêu dùng Mỹ rằng chi phí sinh hoạt của họ không còn tăng nóng. Song, chính sách thuế quan của ông Trump được dự báo là sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy lạm phát.
Tác động chung của thuế quan đến các hộ gia đình sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào thói quen mua sắm của họ. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình - đặc biệt là những người có thu nhập thấp - có khả năng sẽ cảm thấy kiệt quệ hơn.
Theo một phân tích mới từ tổ chức Budget Lab thuộc Đại học Yale, một hộ gia đình trung bình sẽ mất khoảng 3.800 USD sức mua mỗi năm do tất cả các chính sách thuế quan của Nhà Trắng và động thái trả đũa của các nước khác.
May mặc dự kiến là một trong những ngành dễ bị ảnh hưởng nhất bởi cú sốc giá liên quan đến thuế quan. Giá quần áo, giày dép, găng tay, túi xách cùng các sản phẩm len và lụa sẽ tăng từ 10% đến 20% do thuế quan.
Ô tô cũng là một “nạn nhân” khác. Theo Budget Lab, chi phí xe hơi và phụ tùng có thể tăng hơn 8%. Bank of America ước tính giá xe mới có thể nhảy vọt 10.000 USD nếu các nhà sản xuất ô chuyển toàn bộ tác động của thuế quan sang người tiêu dùng.
Mô hình dự đoán của các nhà kinh tế EY-Parthenon cho thấy việc Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng tối thiểu 10% với phần lớn đối tác thương mại và áp thuế đối ứng Trung Quốc 125% sẽ khiến CPI tăng thêm 0,8 điểm % trong năm nay.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York đưa ra dự báo tổng quan và bi quan hơn. Theo đó, ông Williams dự đoán lạm phát (tính theo thước đo ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCEPI) sẽ chạm mức 3,5% đến 4% trong năm nay, cao gần gấp đôi mục tiêu của Fed.
Bên cạnh số liệu lạm phát, một vấn đề đáng ngại khác mà các nhà hoạch định chính sách, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đang đặc biệt quan tâm là kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ.
Kiểm soát kỳ vọng lạm phát là công việc rất quan trọng vì kỳ vọng ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát thực tế và sự ổn định của nền kinh tế.
Nếu kỳ vọng lạm phát được neo giữ ổn định, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tin tưởng vào khả năng kiểm soát giá cả của Fed, dẫn đến lạm phát dễ dự đoán và ít biến động hơn.
Ngược lại, nếu kỳ vọng trở nên không ổn định và tăng nhanh chóng, nó có thể thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu mạnh hơn do lo sợ giá cả sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, từ đó gây ra một vòng xoáy tai hại.
Tại sự kiện của Câu lạc bộ kinh tế Chicago, ông Powell lưu ý các thước đo về lạm phát ngắn hạn dựa trên khảo sát cũng như dự đoán của thị trường đang có xu hướng tăng lên.
Chẳng hạn, cuộc khảo sát được theo dõi sát sao do Đại học Michigan công bố cuối tuần trước cho thấy trong khi tâm lý người tiêu dùng trở nên tồi tệ hơn dự kiến vào tháng 4, kỳ vọng lạm phát đã chạm mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ.
Cụ thể, kỳ vọng lạm phát một năm tới của người tham gia khảo sát đã tăng từ mức 5% trong tháng 3 lên 6,7%, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 11/1981. Trong khoảng thời gian 5 năm, kỳ vọng lạm phát đã leo lên mức 4,4%, tăng 0,3 điểm % so với tháng 3 và là mức cao nhất kể từ tháng 6/1991.
Nhìn qua một góc khác của bức tranh kinh tế, công chúng có thể thấy một thị trường lao động Mỹ có phần hỗn tạp hơn nữa.
Một mặt, tính đến tháng 3, thị trường lao động Mỹ vẫn vững chắc: mức tăng việc làm diễn ra trên diện rộng, tốt hơn kỳ vọng và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng gia tăng. Mặt khác, một số dấu hiệu đáng lo đã xuất hiện.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế số một thế giới đã có thêm 228.000 việc làm trong tháng 3, tăng mạnh so với con số 117.000 vào tháng 2 và cao hơn mức trung bình 12 tháng trước là 158.000.
Báo cáo trên còn đánh dấu một thành tích khác của thị trường lao động: chuỗi 51 tháng liên tiếp nền kinh tế tạo thêm (thay vì mất đi) việc làm, đánh dấu chuỗi dài thứ hai trong lịch sử.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 nhích nhẹ lên 4,2%, một phần do những người mới tham gia thị trường lao động. Hơn nữa, thước đo này vẫn đang duy trì quanh mức thấp trong lịch sử.
Tuy nhiên, liệu chuỗi thành tích của thị trường lao động có thể tiếp tục hay không vẫn còn là một ẩn số.
Các dữ liệu gần đây cho thấy tình trạng bất ổn và sa thải đang gia tăng trong bối cảnh chính quyền ông Trump thực hiện những thay đổi chính sách to lớn như sa thải nhân sự liên bang, cắt giảm tài trợ, trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp và dĩ nhiên, cả thuế quan.
Khảo sát của Đại học Michigan chỉ ra rằng tỷ lệ người tiêu dùng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng trong năm tới đã đi lên trong tháng thứ 5 liên tiếp, hiện cao gấp đôi so với tháng 11/2024 và là mức cao nhất kể từ năm 2009.
Và một báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 16/4 cho thấy một vài tín hiệu xấu khác. Số lượng người thất nghiệp đã vượt quá số lượng việc làm tại 14 tiểu bang vào tháng 2, cao nhất kể từ tháng 4/2021.
Kentucky, New York, Ohio và Rhode Island đã gia nhập hàng ngũ các tiểu bang đáp ứng điều kiện đó. Điều này cho thấy thị trường việc làm đang ngày càng khó khăn, chật chội hơn.
Trong giai đoạn tháng 11/2022 - 4/2023 (khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch), tỷ lệ người thất nghiệp so với số việc làm còn trống là dưới 1 ở tất cả 50 tiểu bang và thủ đô Washington. Về mặt lý thuyết, lúc đó nền kinh tế có đủ việc làm để cung cấp cho tất cả những người thất nghiệp.
Đến tháng 5/2023, những tiểu bang đầu tiên có tỷ lệ vượt quá 1 là California và New Jersey. Sang tháng 2 năm nay (tháng mới nhất có dữ liệu), tỷ lệ này cao nhất ở California, nơi có khoảng 150 người thất nghiệp cho mỗi 100 việc làm còn trống.
Kết hợp cả hai mảng của bức tranh kinh tế, ta có thể thấy một nỗi lo lớn đang bao trùm người tiêu dùng, nhà đầu tư, nhà kinh tế và cả một số quan chức Fed: lạm phát đình trệ - kịch bản nước Mỹ tăng trưởng chậm lại và thị trường lao động suy yếu trong khi lạm phát gia tăng.
Bản thân ông Williams, nhân vật quyền lực thứ hai trong Fed, cũng từng chia sẻ rằng ông dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay, kéo tỷ lệ thất nghiệp lên cao và lạm phát tăng tốc.
Suy cho cùng, nỗi lo là có thật nhưng mỗi góc của bức tranh kinh tế vẫn còn rất nhiều ẩn số chưa biết. Trong vài tháng tới, lạm phát sẽ tăng bao nhiêu, tỷ lệ thất nghiệp có tồi tệ hơn và nền kinh tế có suy thoái hay đình lạm hay không?
Để biết kịch bản nào đang chờ đợi nền kinh tế và con đường nào cho chính sách tiền tệ, điều duy nhất Fed có thể làm bây giờ là kiên nhẫn chờ đợi các dữ liệu kinh tế mới. Và trong lúc đó, khả năng cao là Fed sẽ không hạ lãi suất. Vậy nên, thị trường hay bất kỳ ai đều nên kiềm chế kỳ vọng của bản thân.
Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số nền kinh tế lớn khác tại châu Á đang cố gắng tham gia sâu hơn vào dự án khí đốt khổng lồ tại Alaska để đổi lấy việc Tổng thống Donald Trump hạ bớt thuế quan đối ứng.
Giá máy bay thương mại đã tăng khoảng 30% so với năm 2018 và có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt trong bối cảnh hai "ông lớn" Boeing và Airbus đang phải đối mặt với các chính sách thuế quan.
Hàn Quốc đang chuẩn bị đàm phán với Mỹ về “gói” đề xuất thương mại và xóa bỏ các rào cản phi thuế quan nhằm đạt được thỏa thuận về thuế đối ứng cũng như giảm thiểu gánh nặng thuế quan.
Warren Buffett, Bill Gates, Jeff Bezos hay Mark Cuban là những biểu tượng thành công được đông đảo người ngưỡng mộ. Chính những tỷ phú này cũng thừa nhận may mắn là yếu tố âm thầm nhưng quyết định, giúp họ phát huy biệt tài đúng thời điểm và vươn tới đỉnh cao.