Vĩ Mô 08/09/2024 07:55

Duy trì đà tăng trưởng tích cực, Tổng cục Thống kê dự báo GDP quý III có thể đạt 6,7%

Trên cơ sở kết quả 8 tháng, Tổng cục thống kê dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III có thể đạt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ (6,2-6,7%) và theo đó tăng trưởng cả năm có khả năng đạt được kịch bản phấn đấu của Chính phủ đề ra (6,5-7%).

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê .

Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô, bà Ngọc cho biết sau 2/3 quãng đường của quý III, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tháng 7, tháng 8 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. 

Cụ thể, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục kiểm soát lạm phát tốt là điều kiện thuận lợi để bám sát mục tiêu và thực hiện quyết liệt các giải pháp triển khai sản xuất kinh doanh đã được đề ra trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, sự phục hồi của ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tiếp tục là động lực và tiền đề cho hai tháng vừa qua và dự kiến tiếp tục tăng trưởng những tháng còn lại của năm 2024.

Theo đó, trong tháng 7 và tháng 8, sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt 11,1% và 9,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 13,8% và 10,6%; sản xuất và phân phối điện ước đạt 7,6% và 8,9%.

"Với chỉ số sản xuất công nghiệp này, tăng trưởng của khu vực công nghiệp có thể sẽ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý III”, bà Ngọc nhìn nhận.

Tốc độ tăng giảm IIP  8 tháng đầu năm nay so với các năm trước. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ TCTK). 

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, vận tải, lưu trú ăn uống, du lịch duy trì mức tăng cao. Nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh nhằm tăng cường thu hút khách du lịch.

Tính chung 8 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 11,4 triệu lượt khách, là mức cao nhất của cùng kỳ các năm 2018 - 2024, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.

Xuất nhập khẩu tháng 7, tháng 8 vẫn tăng trưởng tốt; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 52,4 điểm trong tháng 8, giảm so mức 54,7 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm giữa quý III, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể.

“Các chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng”, bà Ngọc nêu rõ.

Trên cơ sở kết quả 8 tháng, Tổng cục thống kê dự báo GDP quý III đạt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ (6,2-6,7%) và theo đó tăng trưởng năm 2024 có khả năng đạt được kịch bản phấn đấu của Chính phủ đề ra (6,5-7%). 

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Nhiều yếu tố rủi ro ngoài khả năng dự báo 

Tuy vậy, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều yếu tố rủi ro, diễn biến mới phát sinh vượt ngoài khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế. Căng thẳng địa chính trị leo thang, chiến tranh thương mại, diễn biến khí hậu cực đoan ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu...

Kinh tế thế giới phục hồi chậm và thiếu vững chắc; một số tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn thấp hơn hoặc tương đương so với năm 2023. Mỹ và nhiều nước lớn duy trì lãi suất ở mức cao và chỉ bắt đầu xem xét lộ trình cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng từ nửa cuối năm 2024.

Thị trường tài chính, tiền tệ, giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới biến động mạnh...; đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh so với đồng USD, tạo áp lực lớn lên điều hành chính sách tiền tệ của các nước để ổn định tỷ giá, nhất là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo bà Ngọc, với quy mô kinh tế nhỏ, độ mở lớn nên nền kinh tế Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ những khó khăn, thách thức của bối cảnh thế giới, đòi hỏi Chính phủ, Bộ, ngành phải có những giải pháp, chính sách thận trọng, linh hoạt để thích ứng với bối cảnh thế giới một cách phù hợp và hiệu quả.

“Để đạt mục tiêu 6,5 - 7%, nền kinh tế cần được hỗ trợ hơn nữa từ các động lực chính đó là cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư đặc biệt là động lực đầu tư công. Do đó cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy “cỗ xe tam mã” gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu”, bà Ngọc nêu rõ.

Còn bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, dù hồi phục nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch. Trong đó, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn dừng ở mức thấp hơn so với trước đại dịch.

Thể hiện, doanh số bán lẻ tăng 8,8% trong nửa đầu năm 2024, nhờ doanh số bán hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định kể từ cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn bình quân ghi nhận trước đại dịch (11,6%). 

Trong khi tăng trưởng thu nhập thực vẫn yếu ở mức 2,5% so cùng kỳ năm trước vào tháng 6, tương đương với tốc độ tăng bình quân hàng năm ở mức 2,7% kể từ năm 2022 - nhưng thấp hơn xu hưởng trước đại dịch (8,4%). 

"Do đó, nhu cầu đối với các dịch vụ và mặt hàng không thiết yếu, như xe hơi, thiết bị gia dụng, du lịch hay nâng cấp nhà ở văn ở mức thấp, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vẫn duy trì ở mức thấp",  bà Dorsati Madani đánh giá. 

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).  

Ngoài ra, tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân có cái thiện nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19. Cụ thể, tổng vốn đầu tư tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2024, từ mức 4,1% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023, nhưng thấp hơn so với bình quân trước đại dịch COVID là 7,1%.

Tương tự, đầu tư của khu vực tư nhân trong nước - đóng góp gần 60% cho tổng vốn đầu tư - đóng góp 3,9% cho tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024, thấp hơn mức bình quân hàng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017 - 2019. Trong khi đó, mức tăng của đầu tư công chững lại còn 4% trong nửa đầu năm 2024, so với mức 20,5% trong nửa đầu năm 2023.

Do đó, để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo, cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng - đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, logistics - vốn đang là những nút thắt cản trở tăng trưởng. Bên cạnh đó cần theo dõi sát chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng.

"Các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính",  chuyên gia kinh tế cao cấp của WB khuyến nghị. 

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 16/09/2024 22:55
Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo đề án trung tâm tài chính

Theo Quyết định ngày 15/9 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Phó trưởng ban là Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Vĩ Mô 16/09/2024 21:18
Mặt trận Tổ quốc phân bổ hơn 1.000 tỷ đồng đến các địa phương

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông báo phân bổ 1.035 tỷ đồng tiếp nhận từ Ban Vận động cứu trợ Trung ương đến 26 tỉnh thành chịu thiệt hại do bão Yagi.

Vĩ Mô 16/09/2024 21:02
Khắc phục thiệt hại bão số 3: Đồng loạt giảm lãi suất cho vay

Trước những tác động nghiêm trọng do bão số 3, ngành ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất, giãn hoãn nợ... nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất, kinh doanh.

Vĩ Mô 16/09/2024 20:01
Bộ Công an đề xuất lập Sàn giao dịch dữ liệu

Dự thảo Luật Dữ liệu đề xuất thành lập Sàn giao dịch dữ liệu dưới sự quản lý của Bộ Công an, cung cấp dịch vụ mua bán, trao đổi hợp pháp và an toàn.