Kinh tế Quốc tế 25/04/2024 15:42

Fed giữ lãi suất ở mức cao chưa hẳn là chuyện xấu

Thị trường tài chính lẫn nền kinh tế Mỹ đều từng trải qua những cung bậc khác nhau khi Fed trở nên diều hâu. Lãi suất cao hơn thường là chuyện tốt, miễn là nền kinh tế vẫn tăng trưởng.

 

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Với một nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định và thị trường chứng khoán mạnh mẽ (bất chấp một số biến động gần đây), các chuyên gia khó có thể tin rằng lãi suất cao đang tác động tiêu cực đến Mỹ.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian lâu hơn, hoặc thậm chí không hạ chi phí đi vay trong năm 2024? Đây là câu hỏi đang khiến Phố Wall và Phố Main bất an.

Bà Quincy Krosby, chiến lược gia cấp cao tại LPL Financial, nhận định: “Khi lãi suất bắt đầu tăng cao hơn, [hệ thống tài chính] cần phải có sự điều chỉnh. Tình hình đã thay đổi. Vậy thì, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có gặp rắc rối nếu lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn hay không?”

Khả năng Fed giữ nguyên lãi suất không phải là điều mà các nhà đầu tư mong đợi vào đầu năm 2024, nhưng bây giờ họ phải làm quen vì lạm phát đang dai dẳng hơn dự kiến và vẫn nằm trên mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.

Những tuyên bố gần đây của Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp đã củng cố nhận định Fed sẽ không giảm lãi suất trong vài tháng tới.

Trên thực tế, thị trường còn đang đồn đoán về một hoặc hai đợt tăng lãi suất nếu lạm phát không tiếp tục hạ nhiệt, theo ghi nhận của tờ CNBC.

Trong bối cảnh mới này, các nhà đầu tư sẽ quan tâm tới thời điểm Fed nới lỏng chính sách tiền tệ và tác động của việc giữ nguyên lãi suất ở mức cao tới thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ nói chung.

Krosby cho biết một số câu hỏi sẽ sớm có đáp án khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh hiện tại nóng lên. Doanh nghiệp sẽ tiết lộ những thông tin quan trọng bên cạnh số liệu doanh thu và lợi nhuận, bao gồm cả tác động của lãi suất đối với biên lợi nhuận và hành vi của người tiêu dùng.

Vị chiến lược gia nói: “Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy doanh nghiệp phải bắt đầu cắt giảm chi phí, khiến thị trường lao động gặp rắc rối, thì đây có thể là một tác động đáng ngại khi lãi suất được giữ ở mức cao”.

Tuy nhiên, bất chấp đợt bán tháo gần đây khiến S&P 500 giảm 5,5%, thị trường tài chính vẫn đứng vững. Chỉ số S&P 500 vẫn tăng 6,3% từ đầu năm đến nay và đi lên 23% so với mức thấp vào cuối tháng 10/2023.

 

Lãi suất cao có thể là một dấu hiệu tốt

Thị trường tài chính lẫn nền kinh tế lớn nhất thế giới đều từng trải qua những cung bậc khác nhau khi Fed trở nên diều hâu. Lãi suất cao hơn thường là chuyện tốt, miễn là nền kinh tế vẫn tăng trưởng.

Lần gần nhất câu chuyện này không diễn ra đúng hướng là khi cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker phải khống chế lạm phát bằng nhiều đợt tăng lãi suất mạnh tay và cuối cùng đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Trong quá khứ, rất ít khi Fed hạ chi phí đi vay khi tăng trưởng GDP mạnh mẽ như hiện tại. Nền kinh tế số một thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong quý I/2024 (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm).

Nếu kết quả đúng như dự báo, đây sẽ là quý thứ 7 liên tiếp GDP tăng trên 2%. Số liệu GDP quý I sẽ được công bố vào tối ngày 25/4 (theo giờ Việt Nam).

Trong nhiều thập kỷ qua, lãi suất tăng cao thường không liên quan đến suy thoái kinh tế. Trái lại, các chủ tịch Fed thường bị chỉ trích vì giữ lãi suất ở mức quá thấp trong thời gian dài.

Chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Fed đã dẫn đến bong bóng dot-com vào đầu những năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - nguyên nhân gây ra hai cuộc suy thoái trong tế 21.

Ở cuộc suy thoái gần đây nhất, lãi suất chuẩn tại Mỹ mấp mé mức 0%. Khi đó, ngân hàng trung ương buộc phải đẩy lãi suất xuống thấp để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch.

Trên thực tế, một số chuyên gia cho rằng thị trường đã đánh giá quá cao tác động từ chính sách tiền tệ của Fed đối với nền kinh tế Mỹ có quy mô 27.400 tỷ USD.

Ông David Kelly, chiến lược gia cấp cao tại J.P. Morgan Asset Management, cho hay: “Tôi không nghĩ chính sách tiền tệ thực sự tác động nhiều đến nền kinh tế như những gì Fed nghĩ”.

Vị chiến lược gia lưu ý rằng trong 11 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đến đại dịch COVID-19, Fed đã cố gắng kéo lạm phát lên mức 2% bằng chính sách tiền tệ và hầu như đều thất bại.

Trong năm qua, tỷ lệ lạm phát đã đi xuống trùng hợp với khi Fed thắt chặt chính sách. Song, ông Kelly nghi ngờ rằng Fed có phải là động lực đưa lạm phát xuống thấp hay không.

Các nhà kinh tế khác còn đưa ra một trường hợp tương tự. Nhu cầu - một yếu tố được cho là chịu nhiều ảnh hưởng của chính sách tiền tệ - vẫn mạnh mẽ. Trong khi đó, các vấn đề nguồn cung - vốn nằm ngoài tầm với của lãi suất - lại là nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm nhiệt.

Ông Kelly cho biết nơi lãi suất đóng vai trò quan trọng là thị trường tài chính, vì môi trường tài chính có thể ảnh hưởng đến các điều kiện kinh tế.

“Lãi suất quá cao hoặc quá thấp làm biến dạng thị trường tài chính. Điều này sẽ làm suy yếu năng lực sản xuất của nền kinh tế trong thời gian dài và có thể dẫn đến bong bóng, từ đó gây bất ổn cho nền kinh tế”, ông lập luận.

“Tôi cho rằng lãi suất đang quá cao đối với thị trường tài chính và Fed phải cố gắng bình thường hoá chính sách, đưa lãi suất về mức bình thường và giữ ở đó”, ông Kelly tiếp lời.

 

Lãi suất trung lập cao hơn

Ông Kelly dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm nay và năm tới, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Từ đó, lãi suất quỹ liên bang sẽ hạ xuống còn 3,75 - 4%, gần với con số 3,9% vào cuối năm 2025 mà các quan chức Fed dự kiến.

Trong khi đó, thị trường tương lai kỳ vọng lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm xuống còn 4,32% vào cuối năm 2025.

Mặc dù vị chiến lược gia của J. P. Morgan Asset Managment ủng hộ việc “bình thường hoá chính sách một cách từ từ”, ông thực sự nghĩ nền kinh tế và thị trường có thể chịu được mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài.

Fed ước tính mức lãi suất “trung lập” - không kích thích hay hạn chế tăng trưởng - vào khoảng 2,6%. Tuy nhiên, ông Kelly nói con số này là không thực tế và nhận định này đang thu hút sự chú ý trên Phố Wall.

Goldman Sachs gần đây cho biết lãi suất trung lập có thể lên tới 3,5%. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland là bà Loretta Mester cũng lưu ý rằng lãi suất trung lập trong dài hạn có thể cao hơn.

Điều đó khiến các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ giảm chi phí đi vay nhưng sẽ không đưa lãi suất về gần mức 0. Trên thực tế, xét trong thời gian dài, lãi suất quỹ liên bang trung bình từ năm 1954 đến nay là 4,6%.

Vấn đề chi tiêu của chính phủ

một điểm đã thay đổi đáng kể trong nhiều thập kỷ qua là tình trạng tài chính công của Mỹ.

Khối nợ của chính phủ đã phình to kể từ đại dịch, tăng gần 50% lên mức 34.600 tỷ USD. Washington có thể sẽ thâm hụt ngân sách 2.000 tỷ USD trong năm tài khoá 2024 và các khoản thanh toán lãi vay có thể vượt 800 tỷ USD.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP vào năm 2023 là 6,2%. Để so sánh, Liên minh châu Âu chỉ cho phép các nước thành viên chạm tới con số 3%.

Chuyên gia Troy Ludtka của SMBC Nikkeo Securities America cho biết các chương trình chi tiêu khổng lồ của chính phủ giúp thúc đẩy nền kinh tế, khiến công chúng ít chú ý đến việc lãi suất tăng cao hơn. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong tương lai gần nếu lãi suất chuẩn vẫn được giữ ở mức cao.

“Một trong những lý do khiến chúng ta không để tâm tới chu kỳ thắt chặt tiền tệ này là chính phủ đang chi tiêu tài khoá vô trách nhiệm... Chúng ta đang phải chịu mức thâm hụt ngân sách lớn trong một nền kinh tế toàn dụng lao động và đó là nguyên nhân giúp nền kinh tế đứng vững”, ông nói.

Song, lãi suất cao đã bắt đầu gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ngay cả khi doanh số bán lẻ vẫn ổn định.

Theo dữ liệu của Fed, tỷ lệ nợ quá hạn đối với thẻ tín dụng đã tăng lên mức 3,1% vào cuối năm 2023, cao nhất trong 12 năm. Ông Ludtka cảnh báo lãi suất cao có thể khiến sức mạnh của người tiêu dùng suy yếu, cuối cùng Fed phải nhượng bộ và hạ lãi suất.

“Vì vậy, tôi không nghĩ Fed sẽ giảm lãi suất trong tương lai gần. Nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ phải làm vậy vì lãi suất đang đè nặng lên những người Mỹ có thu nhập thấp, nhóm chiếm tỷ trọng khá cao trong quy mô dân số”, vị chuyên gia bày tỏ.

 

Yên Khê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 04/05/2024 20:34
Tập đoàn của Warren Buffett tiếp tục giảm vị thế trong Apple, tiền mặt lập kỷ lục mới 189 tỷ USD

Cuộc họp cổ đông mà nhiều nhà đầu tư mong chờ cuối cùng cũng đã đến. Huyền thoại Warren Buffett sẽ sớm xuất hiện trên sâu khấu để phát biểu trước hàng nghìn cổ đông của Berkshire Hathaway.

Kinh tế Quốc tế 04/05/2024 15:47
Apple là khoản đầu tư lớn nhất của Warren Buffett và giờ còn là ván cược rủi ro nhất

Apple là khoản đầu tư lớn nhất của Warren Buffett. Và gần đây, nó đã trở thành một trong những khoản đầu tư rủi ro nhất.

Kinh tế Quốc tế 04/05/2024 14:32
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Bước can thiệp với quy mô hàng chục tỷ USD của Nhật Bản sẽ không mang hiệu quả về tỷ giá

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho rằng các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ không mang lại hiệu quả với tỷ giá hối đoái, ngay cả ở quy mô mà Nhật Bản được cho là đã triển khai gần đây.

Kinh tế Quốc tế 04/05/2024 07:15
Mặt trái của trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo đang thâm nhập và tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu, tạo ra sự thay đổi và tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, AI cũng ẩn chứa "mặt trái" cần lưu ý.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO