Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 09:55

Fed sắp giảm thêm lãi suất, nhưng điều quan trọng hơn là 4 câu hỏi dưới đây

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ sẽ khiến các nhà đầu tư chú ý tới câu hỏi "những yếu tố nào có thể ngăn Fed tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 12".

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Al Majalla). 

Khó nói trước

Đông đảo các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp kết thúc vào ngày 7/11.

Câu hỏi quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất bao nhiêu lần nữa để bảo toàn thị trường lao động mạnh mẽ và bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát. Gần như chắc chắn các quan chức sẽ không cung cấp câu trả lời rõ ràng mà chỉ đáp rằng “còn tùy thuộc vào dữ liệu”.

Khác với cuộc họp gần nhất của Fed, lần này thị trường đã chắc chắn về quy mô đợt cắt giảm lãi suất. Điều đó đồng nghĩa với việc tâm điểm của thị trường sẽ là cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Nhiều khả năng ông Powell sẽ cố tránh sức nóng của cuộc bầu cử tổng thống và né những câu hỏi về các vấn đề chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngân hàng trung ương Mỹ luôn cố gắng duy trì sự độc lập với chính trường.

Trong cuộc họp tháng 9, Fed gây bất ngờ với quyết định giảm lãi suất 50 bps. Các quan chức dự họp chia rẽ 50 - 50 về việc nên giảm lãi suất thêm một hoặc hai lần trong năm nay.

Theo, Wall Street Journal, 9 trong số 19 quan chức dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm một lần hoặc ít hơn, 10 người còn lại cho rằng Fed cần tung ra hai đợt cắt giảm. Fed sẽ nhóm họp lần nữa vào tháng 12.

Các nhà đầu tư sẽ chú ý sát sao để tìm kiếm manh mối về ý định của Fed cho cuộc họp cuối năm. Ông Richard Clarida, Phó Chủ tịch Fed giai đoạn 2018 - 2022, nhận định có khả năng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 12, nhưng xác suất này không phải 100%. Triển vọng của năm 2025 đặc biệt khó đoán định.

Dưới đây là 4 câu hỏi quan trọng cho thấy vì sao Fed khó có thể định hướng cho thị trường về dự định của họ trong tương lai.

4 câu hỏi lớn

Câu hỏi thứ nhất là liệu kết quả bầu cử có dẫn tới những thay đổi lớn đối với triển vọng kinh tế và lạm phát, từ đó buộc Fed phải theo đuổi lộ trình chính sách mới hay không?

Theo tờ WSJ, các quan chức Fed sẽ không thay đổi cách tiếp cận chính sách tiền tệ cho đến khi họ thấy được ông Trump sẽ làm gì với các đề xuất thuế quan, thuế thu nhập doanh nghiệp và nhập cư.

Song, nếu Đảng Cộng hòa giành được cả Hạ viện lẫn Thượng viện, các nhà kinh tế nội bộ Fed có thể sẽ bắt đầu điều chỉnh một số giả định cơ bản của họ tại cuộc họp tháng 12.

Biên bản các cuộc họp nội bộ tháng 12/2016 của Fed cho thấy các quan chức và chuyên gia kinh tế Fed đã tranh luận quyết liệt với nhau về cách lập mô hình với các đợt cắt giảm thuế tiềm năng. Khi đó, ông Trump vừa đắc cử và Đảng Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội.

 

Câu hỏi thứ hai là phải chăng những lo ngại về thị trường lao động đã bị thổi phồng?

Khi Fed hạ lãi suất vào tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 3,7% hồi đầu năm lên 4,3% trong tháng 7. Tốc độ tăng trưởng việc làm cũng sụt giảm. Một số nhà kinh tế sợ rằng Fed đã duy trì lãi suất quá cao trong thời gian quá lâu, gây ra tổn thương không cần thiết cho thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh.

Kể từ đó đến nay, nỗi sợ trên đã vơi bớt nhưng chưa hề bị dập tắt. Tốc độ tăng trưởng việc làm phục hồi trong tháng 9 nhưng giảm mạnh trong tháng 10, có thể là do tác động của bão tố và các đợt đình công. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 4,1% trong tháng 9 và tháng 10.

Fed khó có thể trình bày rõ ràng về các động thái tiếp theo do ảnh hưởng của thời tiết, các cuộc đình công và bầu cử khiến bức tranh kinh tế trở nên khó đoán định.

 

Thứ ba là lạm phát sẽ đi về đâu? Thước đo ưa thích của Fed cho thấy lạm phát đang giảm tốc, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 9 chỉ tăng 2,1% so với một năm trước. Còn sau khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi đi lên 2,7%.

Lạm phát lõi đã hạ nhiệt đáng kể so với năm 2023. Tuy nhiên, một số quan chức Fed có thể muốn hạ tốc độ giảm lãi suất nếu tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát có vẻ chững lại và nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt.

 

Câu hỏi thứ tư là lãi suất nên giảm còn bao nhiêu? Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều chuyên gia nghĩ mức lãi suất “trung lập” không cản trở hay kìm hãm nền kinh tế vào khoảng 4%. Lãi suất quỹ liên bang hiện nay nằm trong khoảng 4,75% - 5%.

Nhưng sau cuộc khủng hoảng và giai đoạn phục hồi cực kỳ chậm chạp, nhiều người kết luận mức lãi suất trung lập dao động quanh ngưỡng 2%.

Tại cuộc họp báo tháng 9, Chủ tịch Powell cho biết ông không nghĩ Mỹ sẽ quay trở lại mức lãi suất trung lập thấp đến thế. Ông phát biểu: “Chúng tôi sẽ tìm ra câu trả lời. Cá nhân tôi cảm thấy lãi suất trung lập ngày nay có lẽ cao hơn đáng kể so với trước đây”.

Câu hỏi trên sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi Fed tiếp tục giảm lãi suất. Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động tốt, những quan chức nghĩ rằng mức lãi suất trung lập đã đi lên có thể sẽ muốn giảm tốc độ cắt giảm để tránh nới lỏng chính sách tiền tệ quá đà.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 08:55
Tài chính xanh: Tiềm năng tại các thị trường mới nổi và thách thức từ khung pháp lý

Mặc dù được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hai con số trong vòng 10 năm tới, lĩnh vực tài chính xanh vẫn đối mặt với một loạt thách thức về pháp lý, rủi ro về tẩy xanh hay lợi nhuận thấp.

Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 07:04
Chứng khoán Mỹ bốc đầu, Dow Jones tăng 1.500 điểm sau chiến thắng của ông Trump

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều vọt tăng sau khi ông Trump được xác nhận sẽ trở lại Nhà Trắng. Thị trường kỳ vọng các chính sách dưới thời ông Trump sẽ giúp nền kinh tế Mỹ mạnh hơn, nhưng kèm theo đó là lạm phát cao hơn.

Kinh tế Quốc tế 07/11/2024 06:41
Cuộc đua vào Nhà Trắng tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ

Theo truyền thông Anh, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là bà Kamala Harris và ông Donald Trump đã chi tổng cộng 3,5 tỷ USD trong cuộc bầu cử tổng thống được cho là tốn kém nhất trong lịch sử của nước này.

Kinh tế Quốc tế 06/11/2024 20:18
'Sự trở lại vĩ đại': Lãnh đạo trên khắp thế giới chúc mừng chiến thắng của ông Trump

Một loạt lãnh đạo thế giới từ khắp các châu lục đã nhanh chóng chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho đến nay chưa có phát biểu về kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ.