Theo số liệu từ Cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong quý I tiếp tục tăng trưởng về lượng nhưng giá xuất khẩu lại lao dốc. Trong quý I, Việt Nam xuất khẩu được 2,3 triệu tấn gạo, tăng 5,6% so với mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân khoảng 492 USD, giảm 21% so với cuối năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2023.
Nguồn: Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Thực tế cho thấy xu hướng giá gạo giảm vẫn chưa dừng lại khi tính đến ngày 16/4, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức chỉ còn 399 USD. Các thị trường lân cận như Thái Lan, Ấn Độ cũng ghi nhận mức giá thấp nhất 3 năm lần lượt 393 USD và 374 USD/tấn.
Giá gạo bắt đầu giảm mạnh sau khi Ấn Độ xoá bỏ các quy định về việc cấm xuất khẩu gạo. Đây cũng là yếu tố chính khiến “dòng chảy” gạo Việt Nam sang các thị trường có sự thay đổi lớn, đặc biệt là Indonesia.
Trong nhiều năm, Indonesia đóng vai trò là thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam. Năm ngoái, nước này đứng thứ hai trong số các thị trường nhập khẩu nhiều gạo nhất từ Việt Nam (sau Philippines) với gần 1,3 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2023.
Tuy nhiên, quý I năm nay có sự đảo chiều mạnh khi lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia giảm đột ngột tới 97% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 14.373 tấn. Với kết quả này, Indonesia tụt xuống vị trí số 10 các thị trường nhập khẩu nhiều gạo Việt Nam nhất.
Thay vào đó, “dòng chảy” gạo chuyển hướng sang các thị trường Châu Phi như Bờ Biển Ngà (gấp 3 lần), Ghana (gấp 7 lần). Hai thị trường này chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 và thứ 4 về xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I.
Nguồn: Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Lý giải cho sự thay đổi trong dòng chảy gạo xuất khẩu này, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết các nước Châu Phi đang có xu hướng tăng cường mua gạo Việt vì chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.
Hiện tại giá gạo Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong số các nước xuất khẩu. Bên cạnh đó, chi phí cước vận chuyển từ Việt Nam sang Châu Phi khá tốt, trong khi chất lượng gạo của Việt Nam tốt hơn Ấn Độ.
“Giá gạo thơm của Việt Nam hiện tại thấp nhất trong số các nước xuất khẩu. Do vậy, mặc dù cước xuất khẩu từ Ấn Độ rẻ hơn 10 - 15 USD/tấn, nhưng khách hàng ở Châu Phi sẵn sàng chọn gạo Việt để đổi lại chất lượng tốt hơn", ông Có nói.
Trong khi đó, với một số doanh nghiệp khác, Châu Phi không phải là mối ưu tiên hàng đầu mà họ tập trung vào các thị trường có giá bán cao hơn như Nhật Bản.
Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN đồng thời là chủ tịch HĐQT của Vinaseed, cho biết PAN đang tập trung chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính để được giá bán gạo cao hơn, dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 USD/tấn.
Công ty của bà cũng đang lên kế hoạch dồn nhân lực để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản thông qua các hệ thống siêu thị, cửa hàng đã phân phối các sản phẩm trong hệ sinh thái như cá tra, tôm.
“Tôi cho rằng nếu Vinaseed đi đúng hướng là tập trung vào phân khúc gạo cao cấp, phát triển bền vững thì dù thị trường chung có biến động như thế nào đi nữa thì công ty cũng không bị ảnh hưởng nhiều", bà My cho biết.
Ngoài ra, bà nói thêm, công ty đang có lợi thế hơn so với đối thủ là hoạt động sản xuất trải dài từ Bắc xuống Nam, giúp việc tích trữ gạo thuận tiện hơn, qua đó giảm giá thành.
"Nếu giá có đi xuống thì chúng tôi cũng là người ảnh hưởng sau cùng vì biên lợi nhuận gạo của chúng tôi cao nhất thị trường […] Càng khủng hoảng thì đây càng là cơ hội để chúng tôi bứt phá đi lên”, bà My chia sẻ bên lề đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinaseed diễn ra sáng ngày 16/4, đồng thời tự tin về mứctăng trưởng doanh thu 30-40%/năm và sớm đạt mốc 1.000 tỷ đồng.
Trong số các thị trường khó tính, tiêu thụ gạo chất lượng cao thì Nhật Bản hiện đang là "điểm nóng" khi giá gạo tại đây lại tăng mạnh, trái ngược với xu hướng giảm trên thế giới, chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung.
Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản, giá gạo đầu năm nay đã tăng 71% so với cùng thời điểm của năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu so sánh được thu thập từ năm 1971. Điều này đi ngược với xu hướng giá gạo chung của thế giới những tháng gần đây, sau khi Ấn Độ xoá bỏ hoàn toàn các lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Giá gạo tại Nhật Bản đã tăng ở mức hai con số kể từ tháng 6 năm ngoái và tiếp tục leo thang ngay cả trong mùa thu, khi vụ thu hoạch mới bắt đầu được đưa ra thị trường, theo Nikkei Asia.Nhu cầu gạo tăng vọt sau các cảnh báo về động đất quy mô lớn vào tháng 8 khiến các cửa hàng rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao.
Tuy nhiên, khảo sát của Bộ Nội vụ Nhật Bản cho thấy lượng mua gạo trong tháng 10/2024 vẫn tăng 13% so với một năm trước đó, trong khi tháng 11 ghi nhận mức tăng 14% ngay cả khi giá lập đỉnh.
Để bổ sung nguồn cung, năm ngoái Nhật Bản nhập khẩu 754.417 tăng 6,4% so với năm 2023. Đây cũng là mức nhập khẩu cao nhất kể từ năm 2006. Chính phủ Nhật Bản cũng lần đầu tiên trong lịch sử xả 165.000 tấn gạo trong kho dự trữ nhằm kìm chế đà tăng giá gạo hồi tháng 2.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng nhu cầu gạo Nhật Bản tăng cao khi năm ngoái xuất khẩu được 3.226 tấn, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hai tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này đạt 1.100 tấn, gấp 7 lần so với cùng kỳ.
Gạo Việt Nam bán sang Nhật Bản cũng được giá hơn, đạt khoảng 831 USD/tấn, cao hơn 40% so với mặt bằng chung xuất khẩu sang các thị trường.
Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) (H.Mĩ tổng hợp)
Đối với các nhà xuất khẩu gạo, thị trường Nhật Bản như một miếng bánh ngon lúc này. Nhưng miếng bánh đó, không phải dành cho tất cả, nhất là đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh nhưng con số 3.226 tấn vẫn còn quá khiêm tốn so với tổng lượng nhập khẩu của “xứ sở hoa anh đào”, tương đương 0,4% thị phần. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 268 tấn gạo sang thị trường này. Thậm chí có tháng, không có đơn hàng nào được xuất đi.
Nói cách khác, gạo Việt đang khó tận dụng triệt để được thị trường Nhật Bản vì đây là thị trường rất khó tính, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.
Ông Phan Văn Có cho hay trong thời gian qua, nhiều nhà nhập khẩu của Nhật Bản liên hệ đến doanh nghiệp Việt để mua gạo thơm Jasmine hay giống gạo Nhật. Tuy nhiên, chính phủ nước này yêu cầu khắt khe về nồng độ phóng xạ, thuốc trừ sâu nên nhiều đơn hàng vẫn chưa thể thực hiện.
“Đối với vấn đề thuốc trừ sâu, Việt Nam đã xử lý được. Tuy nhiên đối với nồng độ phóng xạ, Nhật Bản cho rằng trước đây Việt Nam chịu tác động bởi chiến tranh trước đó nên nguy cơ cao gạo nhiễm phóng xạ. Do đó, gạo Việt Nam rất khó thâm nhập được vào thị trường này”, ông Phan Văn Có nói.
Nguồn: Cục Hải quan Việt Nam, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) (H.Mĩ tổng hợp)
Giá cà phê hôm nay (19/4) không biến động do hai sàn đóng cửa nghỉ Lễ. Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Safras & Mercado đã nâng dự báo triển vọng sản lượng vụ mùa cà phê 2025-2026 của Brazil.
Các chuyên gia dự báo giá heo hơi có thể tiếp tục lặng sóng tại một số tỉnh miền Trung trong sáng mai do heo hơi tại khu vực này đang tạm chững giá.
Báo cáo mới nhất của Trung tâm Khí tượng Thủy văn xác định vùng EEZ có tiềm năng điện gió 1.068 GW, cao hơn báo cáo trước đây gần 470 GW.
Ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước, theo Báo Chính phủ.