04/07/2024 09:45

Giá sầu riêng ngày 4/7, tăng đến 10.000 đồng/kg

Ghi nhận ngày 4/7, giá sầu riêng Ri6 và sầu Thái đổi chiều đi lên. Dự kiến diện tích trồng sầu riêng toàn quốc trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 151.000 ha, với sản lượng ước tính khoảng 1,5 triệu tấn. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích trồng sầu riêng dự kiến dao động từ 34.000 ha đến 35.000 ha.

Cập nhật giá sầu riêng hôm nay 4/7/2024

Qua khảo sát, giá sầu riêng hôm nay tại Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tăng từ 2.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg.

Theo đó, giá sầu riêng tại khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ tiếp tục được thu mua ngang nhau. 

Tại hai khu vực này, giá sầu Thái đẹp và sầu Thái mua xô cùng tăng 8.000 đồng/kg, lần lượt được nâng lên mức 92.000 – 95.000 đồng/kg và 72.000 – 75.000 đồng/kg. Cùng lúc, giá sầu Ri6 mua xô cũng tăng 2.000 đồng/kg, lên mức 50.000 – 52.000 đồng/kg. Riêng giá sầu Ri6 lựa đẹp đi ngang ở 60.000 – 62.000 đồng/kg.

Tại khu vực Tây Nguyên, giá sầu riêng Thái cũng ghi nhận tăng 10.000 đồng/kg. Sau điều chỉnh, sầu Thái lựa đẹp đang được bán với giá khoảng 90.000 – 92.000 đồng/kg, còn sầu Thái mua xô có giá khoảng 70.000 – 72.000 đồng/kg. Cùng đà đi lên, giá sầu Ri6 mua xô cũng được nâng lên mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm trước. Riêng giá sầu Ri6 lựa đẹp ổn định trong khoảng 58.000 – 60.000 đồng/kg.

*(Đơn vị tính: đồng/kg)

Tên loại Sầu Riêng

Ngày 3/7/2024

Ngày 4/7/2024

Thay đổi

KHU VỰC MIỀN TÂY NAM BỘ

RI6 Đẹp Lựa

60.000 – 62.000

60.000 – 62.000

-

RI6 Xô

48.000 – 50.000

50.000 – 52.000

+2.000

Sầu Riêng Thái Đẹp Lựa

84.000 – 87.000

92.000 – 95.000

+8.000

Sầu Riêng Thái Mua Xô

64.000 – 67.000

72.000 – 75.000

+8.000

KHU VỰC MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

RI6 Đẹp Lựa

60.000 – 62.000

60.000 – 62.000

-

RI6 Xô

48.000 – 50.000

50.000 – 52.000

+2.000

Sầu Riêng Thái Đẹp Lựa

84.000 – 87.000

92.000 – 95.000

+8.000

Sầu Riêng Thái Mua Xô

64.000 – 67.000

72.000 – 75.000

+8.000

KHU VỰC TÂY NGUYÊN

RI6 Đẹp Lựa

58.000 – 60.000

58.000 – 60.000

-

RI6 Xô

45.000 – 48.000

48.000 – 50.000

+2.000 - 3.000

Sầu Riêng Thái Đẹp Lựa

80.000 – 82.000

90.000 – 92.000

+10.000

Sầu Riêng Thái Mua Xô

60.000 – 62.000

70.000 – 72.000

+10.000

Số liệu: Chogia.vn

*Trên đây là bảng giá sầu riêng tham khảo được thương lái thu mua tại vườn ở các khu vực Miền Tây Nam Bộ, Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Tùy theo đoạn đường hay khu vực vận chuyển mà giá cả sẽ có sự chênh lệch ít nhiều.

 

Niên vụ sầu riêng 2024 dự báo nhiều thách thức

Ngày 2/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai ngành hàng sầu riêng niên vụ năm 2024. Tham dự hội nghị có ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó là các lãnh đạo Sở, ngành, UBND các huyện và đại diện từ các doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh xuất khẩu sầu riêng, theo VTV.

Theo hội nghị, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất khu vực Tây Nguyên và cả nước, có tiềm năng phát triển rất lớn. Theo số liệu thống kê, năm 2023, diện tích trồng sầu riêng tại Đắk Lắk là 32.785 ha, tăng thêm 10.326,4 ha so với năm 2022. Sản lượng sầu riêng đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm trước. Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 2.521 ha đã được cấp mã số từ phía Trung Quốc để phục vụ cho việc xuất khẩu.

Tỉnh Đắk Lắk đã cấp 266 mã số vùng trồng cho tổng diện tích 7.292 ha, chiếm 79,8% diện tích trồng thuần và 46% so với diện tích sản xuất hiện có. Về cơ sở sơ chế và chế biến, tỉnh hiện có 251 cơ sở thu mua, tập trung chủ yếu ở các huyện như Krông Pắc (101 cơ sở), Cư M’gar (64 cơ sở), Krông Búk (11 cơ sở) và Buôn Hồ (10 cơ sở).

Về việc xây dựng nhãn hiệu sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk có hai nhãn hiệu đã được cấp chứng nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ là "Sầu riêng Krông Pắc" và "Sầu riêng Cư M’gar". Hiện tại, hai huyện Krông Búk và Ea H’Leo cũng đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sầu riêng của mình.

Công tác giám sát cho thấy, các vùng trồng và cơ sở đóng gói của tỉnh cơ bản tuân thủ tốt các yêu cầu quy trình sản xuất và quản lý dịch hại mà phía Trung Quốc quan tâm. Sau khi UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, các địa phương đã tích cực và chủ động hơn trong việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, giúp hồ sơ thiết lập vùng trồng được triển khai nhanh chóng và diện tích vùng trồng được cấp mã số trở nên đa dạng hơn. Các địa phương như Krông Búk, Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Pắc, Krông Năng, TP Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ đều đã tham gia vào quá trình này. Các Sở, ngành và địa phương cũng tích cực tuyên truyền và khuyến khích thành lập các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) để liên kết nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cảnh báo rằng sự gia tăng nhanh chóng về diện tích và sản lượng sầu riêng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thị trường biến động. Ngành hàng sầu riêng hiện còn gặp nhiều khó khăn về liên kết giữa các vùng trồng, tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Nhiều vùng sản xuất vẫn còn phân tán và quy mô nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, một số huyện vẫn có tình trạng trồng sầu riêng trên những vùng đất không phù hợp, thiếu nước tưới và chưa tuân thủ tốt quy trình sản xuất, cũng như chưa kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm, như rệp sáp và ruồi đục quả.

Minh Thư