Giá vàng vượt mốc 3.200 USD/ounce

Giá vàng lần đầu vượt mốc 3.200 USD/ounce do USD suy yếu và căng thẳng thương mại leo thang.

 

 

Giá vàng giao ngay đã lần đầu tiên vượt mốc quan trọng 3.200 USD/ounce và thiết lập đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và căng thẳng thương mại leo thang, khiến nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn.

 Diễn biến giá vàng giao ngay trong một năm qua (Nguồn: tradingeconomics, đơn vị: USD/ounce) 

Theo đó, trong phiên giao dịch sáng nay, giá vàng giao ngay tăng 1,3%, đạt 3.216 USD/ounce. Trước đó trong phiên, kim loại quý này đã đạt mức cao kỷ lục 3.219 USD/ounce, qua đó tăng hơn 5% trong cả tuần.

Giá vàng kỳ hạn cũng tăng 1,9%, lên 3.236 USD.

“Đồng USD suy yếu nhanh chóng dường như là động lực chính thúc đẩy đợt phục hồi của vàng hiện tại. Điều này cho thấy một làn sóng rút vốn khỏi các tài sản định giá bằng USD, giữa lúc thị trường cổ phiếu và trái phiếu lao dốc do bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan,” ông Ilya Spivak, trưởng bộ phận phân tích vĩ mô toàn cầu tại Tastylive, nhận định.

Chỉ số đồng USD (DXY) giảm, khiến giá vàng – vốn được định giá bằng USD – trở nên rẻ hơn đối với người mua nước ngoài.

 Nguồn: Investing

Các chỉ số chứng khoán lớn cũng đồng loạt giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, đồng thời tạm hoãn trong 90 ngày việc áp thuế lên hàng chục quốc gia khác theo kế hoạch ban đầu.

Trung Quốc tiếp tục đáp trả bằng cách nâng thuế lên hàng hóa Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đẩy mức thuế lên cao hơn mức hiện tại là 84%.

“Mốc 3.500 USD/ounce sẽ là con số tròn tiếp theo mà thị trường hướng đến. Tôi nghi ngờ rằng chúng ta sẽ không chạm tới đó ngay lập tức hay suôn sẻ,” chuyên gia phân tích thị trường tài chính Kyle Rodda từ Capital.com bình luận.

Bên cạnh yếu tố thuế quan, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, bất ổn địa chính trị tại Trung Đông và châu Âu, cùng dòng tiền gia tăng vào các quỹ ETF bảo chứng bằng vàng cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của kim loại quý trong năm nay.

Dữ liệu mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng Mỹ bất ngờ giảm trong tháng Ba, tuy nhiên rủi ro lạm phát vẫn đang nghiêng về phía tăng.

Giới giao dịch hiện dự đoán Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6 và có thể giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm trước khi năm 2025 kết thúc.

Ở các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,2% xuống còn 31,13 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,4% còn 934,2 USD. Giá palladium tăng 0,7%, lên 914,7 USD.

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vùng đặc quyền kinh tế có tiềm năng điện gió hơn 1.000 GW

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Khí tượng Thủy văn xác định vùng EEZ có tiềm năng điện gió 1.068 GW, cao hơn báo cáo trước đây gần 470 GW.

Phó Thủ tướng: Không để xảy ra hành vi thao túng, đầu cơ vàng

Ngày 18/4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước, theo Báo Chính phủ.

USDA: Sản lượng gạo toàn cầu đạt kỷ lục nhờ vụ mùa lớn hơn tại Ấn Độ

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 lên mức kỷ lục 535,8 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng tăng mạnh tại Ấn Độ. Cùng với đó, cán cân cung – cầu gạo thế giới sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư 3,7 triệu tấn.

Giá vàng trong nước nới rộng khoảng cách với vàng thế giới

Giá vàng trong nước tăng lên 120 triệu đồng/lượng đã nới rộng mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới từ khoảng 3-5 triệu đồng lên 16 triệu đồng mỗi lượng, tương đương với ngưỡng trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp.