Vĩ Mô 06/10/2024 14:40

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?

Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ 350km/h.

Theo tính toán sơ bộ thì tổng kinh phí đầu tư dự án là khoảng hơn 67 tỷ USD. Giá vé dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông.

Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD. Như vậy, chặng Hà Nội - TP HCM dài 1.541 km, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu đồng; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.

Không có sự khác biệt lớn với các nước

Theo dự thảo tờ trình, giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn với các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam. Cụ thể, tại Trung Quốc, Bắc Kinh - Thượng Hải với độ dài 1.318 km là một trong những tuyến bận rộn và quan trọng nhất, khi kết nối hai khu vực kinh tế chính của nước này.

Tuyến này có 2 loại tàu cùng vận hành, với tốc độ tối đa 350 km mỗi giờ, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố xuống dưới 5 giờ. Giá vé tại cũng chia làm nhiều hạng và tùy loại tàu.

Hạng 2 có giá 570 - 660 nhân dân tệ (81-94 USD), hạng nhất là 960 - 1.000 nhân dân tệ và hạng thương gia 1.800 - 2.300 nhân dân tệ. Bình quân mỗi km, vé hạng thương gia có giá 0,2 USD, hạng nhất là 0,1 USD và hạng 3 là 0,06 USD. Như vậy, giá vé áp dụng tại Trung Quốc tương đương với mức đề xuất tại Việt Nam.

Trong khi đó, giá ở một số quốc gia châu Á khác lại cao hơn. Điển hình, Nhật Bản là nước có tuyến đường sắt cao tốc thương mại đầu tiên trên thế giới - Tokaido Shinkansen - nối hai trung tâm kinh tế lớn của nước này là Tokyo và Osaka. Trong đó, tuyến dài nhất tại đây là Tohoku Shinkansen, nối Tokyo với thành phố Aomori, với tổng chiều dài tuyến là 674 km.

Giá vé cho tuyến này chia làm 3 hạng: Thấp nhất là 17.470 yen, ghế hạng nhất là 23.540 yen và ghế Gran Class là 28.780 yen. Như vậy, giá vé đường sắt cao tốc tại Nhật Bản bình quân 0,18 USD, 0,24 USD và 0,3 USD, tương ứng với từng hạng ghế.

Còn Indonesia, với một tuyến duy nhất có tên Whoosh nối hai thành phố hàng đầu nước này là Jakarta và Bandung có tốc độ thiết kế 350 km/h. Giá vé hiện tại là 225.000 rupiah cho hạng phổ thông, 450.000 rupiah hạng thương gia và 600.000 rupiah hạng nhất. Tính trung bình, giá vé mỗi km lần lượt là 0,11 USD, 0,2 USD và 0,28 USD.

Người dân có thể chấp nhận giá vé cao hơn

Theo TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản tại Hà Nội, với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, đây là dự án có quy mô rất lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.

Vì vậy, khi triển khai xây dựng dự án, không chỉ tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm cho người lao động mà còn huy động một nguồn lực lớn từ các ngành sản xuất về vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép và thiết bị, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về lâu dài, khi hoàn thành, dự án sẽ “rút ngắn” khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP HCM.

Cùng với đó, các điểm đến du lịch nổi tiếng hoặc tiềm năng sẽ có cơ hội đón tiếp thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, tạo động lực cho các ngành dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, và bán lẻ phát triển.

“Từ Hà Nội đến Thanh Hóa, Nghệ An đi ô tô mất 3 - 4 giờ, nhưng nếu đi bằng đường sắt cao tốc rút ngắn đáng kể chỉ còn 1,5 - 2 giờ. Điều này giúp người dân không nhất thiết phải ở sống tại Hà Nội và TP HCM mà vẫn có thể làm việc tại hai thành phố này và cũng sẽ khiến nhu cầu du lịch tăng lên”, ông Bình lấy ví dụ.

Với những lợi ích mang lại, ông Bình cho rằng, trong nhiều trường hợp, người dân có thể chấp nhận vé của đường sắt cao tốc đắt hơn máy bay. Bởi họ không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ cần ngồi vào tàu điện vẫn làm việc bình thường nhờ có kết nối internet.

“Đây là lợi ích đường sắt cao tốc đem lại. Vì vậy, không nhất thiết vé đường sắt cao tốc phải rẻ hơn giá máy bay”, ông Bình nêu rõ.

TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản tại Hà Nội. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Nhà nước cần có trợ giá 

Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XIII, XIV, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đã được trình Quốc hội từ năm 2010, đến giờ chúng ta mới trình lại là chậm. Vì vậy, không thể để chậm hơn nữa, việc triển khai là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trước đây, do còn ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế tại thời điểm năm 2010 còn thấp (GDP là 147 tỷ USD; tại thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án khoảng 55,8 tỷ USD, tương đương 38% GDP), nợ công ở mức cao (56,6% GDP) nên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.

Hiện nay, với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn. 

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XIII, XIV. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Theo ông Kiên, với việc đầu tư nguồn kinh phí hơn 67 tỷ USD bố trí vốn cho dự án trong khoảng 12 năm. Bình quân mỗi năm sẽ cần đầu tư khoảng 5,6 tỷ USD (từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc) tương đương với 1% GDP...  Đây là mức nền kinh tế chấp nhận được. 

"Trong khi đây là một cơ hội dùng đầu tư công để kêu gọi thu hút đầu tư tư nhân cùng với mục đích phát triển kinh tế xã hội nhanh, ổn định, hạ giá thành vận tải, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", ông Kiên nhìn nhận.

Song, ông Kiên cũng lưu ý, theo kinh nghiệm quốc tế, kinh doanh vận tải hành khách công cộng bao giờ cũng lỗ do Nhà nước luôn có chính sách trợ giá về vé nhằm vận động và khuyến khích người dân người dân sử dụng, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. 

"Nhà nước muốn vận động người dân tham gia đường sắt cao tốc thì chắc chắn cần phải có trợ giá về giá vé", ông Kiên nêu rõ. 

Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đều thu hút người dân sử dụng tàu cao tốc với chiến lược giá rẻ như Italy, hãng đường sắt Italo đã chạy hàng chục chuyến tàu giữa 2 thành phố với giá vé khứ hồi chỉ 40 euro (hơn 1 triệu đồng), trong khi đó vé máy bay khứ hồi rẻ nhất là 79 euro (hơn 2 triệu đồng).  

Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), trẻ em, người khuyết tật và cao tuổi sẽ được giảm 50% giá vé. Hành khách đi theo nhóm cũng được giảm giá, nhưng không nhiều.

Hay Nhật Bản cũng miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm nửa tiền vé cho trẻ 6 - 12 tuổi.

Ngọc Bảo
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 06/10/2024 15:25
Lộ diện 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm

Điện tử, máy tính và linh kiện; Điện thoại và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Dệt, may; Giày dép; Gỗ và sản phẩm gỗ; và Phương tiện vận tải và phụ tùng là 7 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Vĩ Mô 06/10/2024 15:06
9 tháng đầu năm có 183.000 DN mới và hơn 163.000 DN rút lui khỏi thị trường

Trong 9 tháng đầu năm, có 183.000 doanh nghiệp thành lập mới và 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng có 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Vĩ Mô 06/10/2024 14:55
IIP tăng gần 10% trong quý III, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng hai con số, cao nhất 6 năm

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,34% trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, IIP quý III tăng 9,59%, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm 2023.

Vĩ Mô 06/10/2024 14:40
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt khách trong 9 tháng đầu năm

Nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm.