Theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024, một trong những nội dung thay đổi lớn trong luật đó là điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng cho một cá nhân và người liên quan.
Cụ thể, theo Điều 136 Luật Các TCTD 2024, trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng (mỗi năm giảm 1%). Tổng dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15% (mỗi năm giảm 2%).
Nhận định về giới hạn cấp tín dụng mới này, các chuyên gia của Chứng khoán Shinhan (SSV) cho rằng quy định được kỳ vọng giúp cho hoạt động cho vay được phát triển bền vững hơn, trong thời gian dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các ngân hàng cho vay khách hàng liên quan sẽ gặp áp lực cơ cấu lại khoản vay.
Chia sẻ với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng quy định này sẽ có ảnh hưởng tới các ngân hàng nhưng ở mức độ chấp nhận được do đã có lộ trình kéo dài 5 năm.
"Giảm tỷ lệ cấp tín dụng là một trong những công cụ để cơ quan quản lý dễ giám sát. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần đạt được là phải giảm tỷ lệ cho vay một cách thực chất", ông nhấn mạnh.
Ông cho hay vừa qua trong một cuộc họp với NHNN, đại diện Vietcombank có ý kiến cho rằng cần tạo ngoại lệ cho ngân hàng lớn, dự án lớn được cấp tín dụng vượt trần quy định trong luật mới. Tuy nhiên, ông cho rằng việc có những ngoại lệ như đề xuất trên là không cần thiết và sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, cơ chế xin cho.
"Thay vào đó, nếu dự án tốt, an toàn, hiệu quả, cho vay vì mục tiêu phát triển kinh tế thì sao không để cả ngành ngân hàng cùng cho vay, không chỉ mỗi một ngân hàng vượt hạn mức? Cứ chia ra cho mỗi ngân hàng, kể cả ngân hàng bé cũng được lợi ích", ông Đức nói.
Theo ông, chính sách đồng tài trợ đã được NHNN đã khuyến khích từ lâu và các ngân hàng nên tiếp cận theo hướng này, chứ không nên yêu cầu ngoại lệ, ưu tiên.
Dưới cái nhìn tích cực hơn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng quy định mới này là rất phù hợp với thực tiễn hoạt động của các ngân hàng và sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD do đã có lộ trình (trong vòng 5 năm) khá rõ ràng.
Theo ông, thay vì một ngân hàng cho vay thì nhiều ngân hàng có thể đồng tài trợ, điều này có thể giảm thiểu được rủi ro khi một ngân hàng "đầu tư" cho một khách hàng lớn. Điều này phù hợp với nguyên tắc chia sẻ rủi ro trong đầu tư kinh doanh.
"Nếu có lợi thì cùng được hưởng và nếu có rủi ro thì cùng được chia sẻ, vậy tại sao một TCTD cứ phải ôm một mình một dự án. Trong khi đó, nếu một ngân hàng cấp vốn thì khi dự án đó xảy ra vấn đề thì rủi ro và hậu quả sẽ rất lớn", ông nói.
Trong quy định của luật mới, các yêu cầu công bố thông tin với cổ đông nắm trên 1% vốn và hạn chế tỷ lệ sở hữu cũng đã được bổ sung. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đây là tín hiệu tốt, có thể tạo thêm sự minh bạch nếu ngân hàng và cổ đông nghiêm túc thực hiện.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng giới hạn về mặt con số chưa chắc đã giải quyết gốc rễ vấn đề: "Trước kia giới hạn là 5% thì phải công bố nhưng có ai chọn 5% đâu mà đều để 4,99%. Người nắm 4,99% trên thực liệu có nắm 20 - 30% cổ phần ngân hàng không mới là quan trọng".
Chuyên gia của Chứng khoán Shinhan nhận xét rằng yêu cầu công bố thông tin có thể giúp cho nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cơ cấu của sở hữu của ngân hàng. Tuy nhiên, đồng quan điểm với ông Đức, việc giám sát và thực thi của cơ quan nhà nước chính là yếu tố đảm bảo sự hiệu quả của quy định trên.
Điều 63 Luật Các TCTD 2024 đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10%;
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó từ 20% xuống 15%.
Tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân được giữ nguyên là 5%.
Tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngước ngoài do Chính phủ quy định.
Còn về yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu, ông Đức cho rằng quy định này có thể làm khó cho vấn đề quản trị ngân hàng.
"Nếu thực tế giảm được thì sẽ nảy sinh vấn đề là ai cũng nhỏ, không có người cầm trịch. Phải có một người cầm trịch, có vai trò rất lớn, có tiếng nói, không chỉ bằng uy tín mà cả lá phiếu. Còn nếu ngân hàng có tỷ lệ cổ đông nhỏ lẻ cao thì rất khó để tập hợp, rất khó để đồng thuận…", ông nói.
Ngoài ra, ông cho rằng việc cho phép cổ đông ngoại chiến lược nắm cổ phần vượt trần cũng có thể tiềm ẩn rủi ro. Một mặt, cổ đông ngoại có thể mang kinh nghiệm, chiến lược quản trị ngân hàng,... nhưng việc kiểm soát nhóm cổ đông này thậm chí sẽ còn khó khăn hơn. Đồng thời, tình trạng này cũng tạo ra sự phân biệt giữa cổ đông ngoại và cổ đông trong nước.