Kinh doanh & Thị trường 07/02/2025 11:34

GIC rót thêm 135 triệu USD vào Nhi Đồng 315: Cuộc đấu với VNVC và Long Châu thêm nóng

Nhi Đồng 315 là một trong ba đơn vị tiêm chủng tư nhân có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC Pte vừa rót thêm 135 triệu USD vào Nhi Đồng 315, chuỗi phòng khám nhi và sản khoa tại Việt Nam, theo DealStreetAsia.

Nhi Đồng 315 ra đời vào tháng 6/2019, thuộc CTCP Y Tế Chấn Văn, chủ yếu hướng đến đối tượng trẻ em. CTCP Y Tế Chấn Văn được thành lập vào tháng 3/2019, với hoạt động kinh doanh chính là phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa nhi, phòng khám chuyên khoa sản, phòng khám chuyên khoa da liễu, và phòng khám nội khoa (trừ lưu trú bệnh nhân).

Trong những năm gần đây, GIC liên tiếp đầu tư vào Nhi Đồng 315. (Ảnh: Nhi Đồng 315).

Tháng 4 năm ngoái, theo hồ sơ được Nhi Đồng 315 nộp lên cơ quan Quản lý Doanh nghiệp và Kế toán Singapore (ACRA) cho thấy doanh nghiệp này cũng đã nhận 28,7 triệu USD đầu tư từ Ardolis Investment - một đơn vị thuộc GIC. Khoản đầu tư được thực hiện thành hai đợt: 14,5 triệu USD vào tháng 12/2023 và 14,2 triệu USD trong tháng 4/2024. 

Năm 2022, GIC cũng rót 30 triệu USD vào một pháp nhân của Nhi Đồng 315 được đăng ký kinh doanh tại Singapore. Khoản đầu tư này là một phần của vòng gọi vốn bằng cổ phiếu Series B vào Nhi Đồng 315.

Thời điểm đó, bà Nguyễn Huỳnh Vân Vy, Nhà sáng lập Nhi Đồng 315, nói với DealStreetAsia: "Đây là khoản đầu tư tiếp theo thể hiện cam kết của GIC đối với Nhi Đồng 315 để tiếp tục mở rộng hệ thống phòng khám và bệnh viện trên khắp cả nước. 

Hiện tại, chúng tôi đang quản lý hơn 120 phòng khám và đặt mục tiêu tăng con số này lên 250 phòng. Ngoài ra, đến năm 2025, theo kế hoạch, công ty sẽ xây dựng thêm 5 bệnh viện chuyên đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, bà mẹ và trẻ em trên khắp Việt Nam”.

Ngoài khoản đầu tư trực tiếp, GIC còn mua lại cổ phần của các cổ đông khác trong Nhi Đồng 315, theo hồ sơ của ACRA vào tháng 4 năm ngoái. Khi ấy, quỹ đầu tư quốc gia Singapore là cổ đông lớn nhất của Nhi Đồng 315 với tỷ lệ sở hữu 38,5%. Nhà sáng lập Nguyễn Huỳnh Vân Vy nắm giữ 33,7% cổ phần, là cổ đông lớn thứ hai trong công ty.

Trước khi nhận được khoản đầu tư lớn từ GIC, Nhi Đồng 315 đã huy động được vốn từ nhiều nguồn khác nhau.

Chẳng hạn, năm 2020, công ty đã nhận được vốn đầu tư vòng tiền hạt giống (pre-Series A) từ các văn phòng đầu tư gia đình Nisaetus và Squadd Holdings, Tremont Capital Ventures International, một tập đoàn chăm sóc sức khỏe Nhật Bản không tiết lộ tên, và các nhà đầu tư thiên thần.

Đến năm 2021, Nhi Đồng 315 tiếp tục huy động vốn thành công trong vòng Series A với sự tham gia của các nhà đầu tư như BDA Capital Partners, Chứng khoán Thiên Việt và Qatalyst Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm chỉ có một nhà đầu tư giới hạn đến từ Philippines do ông Mariano Luis Que dẫn đầu, cùng với đó là một số nhà đầu tư cá nhân khác. Theo hồ sơ của Nhi Đồng 315 nộp lên ACRA, công ty đã nhận được 1,38 triệu USD tiền tài trợ bằng cổ phần trong vòng gọi vốn này.

Nhi Đồng 315 là cái tên đáng chú ý trong cuộc đua trung tâm tiêm chủng đang nóng hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Tuy ra đời trước Long Châu song Nhi Đồng 315 đang tỏ ra hụt hơi khi chạy đua về số lượng trung tâm tiêm chủng với đối thủ. 

Các trung tâm tiêm chủng Nhi Đồng 315 hiện hữu đa phần ở TP HCM (57 cơ sở) và Bình Dương ( 3 cơ sở) so với con số 210 của VNVC hay 110 trung tâm của Long Châu.

Nhi Đồng 315 cũng có lợi thế tương tự như VNVC hoặc Long Châu khi tận dụng được hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe của công ty chủ quản. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại VDSC đánh giá Nhi Đồng 315 đang tỏ ra chậm hơn Long Châu trong việc mở rộng cơ sở do thiếu lợi thế về kinh nghiệm bán lẻ cũng như không có được độ nhận diện thương hiệu của VNVC. 

Báo cáo của VDSC cho biết doanh thu thị trường vaccine tăng trưởng với tốc độ trung bình 3,1%/năm trong giai đoạn 2014 - 2023, ước đạt 20.010 tỷ vào năm 2023. 

Trong giai đoạn 2024-2030, dự phóng thị trường vaccine tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,9%/năm, đạt 31.964 tỷ vào năm 2030, được thúc đẩy chủ yếu bởi thu nhập khả dụng tiếp tục tăng trưởng và người dân tiếp tục duy trì mức độ quan tâm tới sức khỏe và phòng bệnh.

Nhi Đồng 315 không phải là khoản đầu tư duy nhất của GIC vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Trước đó, vào năm 2020, GIC đã mua một khoản cổ phần trị giá hơn 200 triệu USD tại Vinmec, đơn vị y tế thuộc Vingroup. Các khoản đầu tư khác của GIC tại Việt Nam bao gồm VNLIFE - công ty mẹ của VNPAY, Masan Group và Vietcombank.

Đức Huy
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 07/02/2025 13:55
[Infographic] Những tuyến đường đắt đỏ nhất quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Theo bảng giá đất mới tại Hà Nội, giá đất cao nhất quận Nam Từ Liêm gần 139 triệu đồng/m2, gấp 3,1 lần so với bảng giá đất cũ.

Kinh doanh & Thị trường 07/02/2025 12:47
Giá thuê chung cư Hà Nội đắt top đầu châu Á

Người dân Hà Nội chi trung bình 18 triệu đồng để thuê một căn hộ hai phòng ngủ, đắt hơn Kuala Lumpur, Jakarta hay Mumbai, theo Global Property Guide.

Kinh doanh & Thị trường 07/02/2025 12:42
Bắc Giang hủy danh mục 102 dự án bất động sản cần thu hút đầu tư

Theo quy định hiện hành, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư đã thay đổi. Do đó, tỉnh Bắc Giang đã hủy danh mục 102 dự án thu hút đầu tư.

Kinh doanh & Thị trường 07/02/2025 10:05
Thêm một startup Việt rời cuộc chơi thương mại điện tử B2B: Hơn 400 nhân sự mất việc, 6 năm ròng chưa có lãi

Telio, startup thương mại điện tử B2B hàng đầu Việt Nam, đã chính thức đóng cửa vào cuối năm 2024 sau khi không thể huy động thêm vốn hoặc tìm được đối tác mua lại, đánh dấu một thất bại lớn trong lĩnh vực số hóa chuỗi cung ứng bán lẻ.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO