Goldman Sachs dự báo OPEC+ nâng sản lượng 550.000 thùng/ngày từ tháng 9

Goldman Sachs dự báo OPEC+ sẽ tăng thêm 550.000 thùng dầu mỗi ngày vào tháng 9, hoàn tất quá trình chấm dứt 2,2 triệu thùng/ngày cắt giảm tự nguyện từng được áp dụng để bình ổn giá.

Goldman Sachs dự báo rằng tám quốc gia thành viên trong nhóm OPEC và các quốc gia đồng minh (OPEC+) sẽ nâng hạn ngạch sản xuất dầu thêm 550.000 thùng mỗi ngày vào tháng 9 tới, theo Reuters.

Động thái này sẽ hoàn tất việc gỡ bỏ 2,2 triệu thùng/ngày như cam kết cắt giảm tự nguyện trước đó, trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.

Dự báo được công bố ngày 6/7, chỉ một ngày sau khi OPEC+ nhất trí tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày vào tháng 8, đánh dấu bước tăng tốc sản lượng đầu tiên kể từ khi giá dầu tăng vọt rồi giảm mạnh sau xung đột ở Trung Đông.

"Thông báo ngày 5/7 càng củng cố niềm tin rằng OPEC+ đang tiếp tục chuyển hướng dài hạn, từ hỗ trợ giá sang bình thường hóa công suất dự phòng và duy trì thị phần", tờ Reuters dẫn nhận định của Goldman Sachs. 

Ngân hàng này cũng dự báo sản lượng dầu thô của tám thành viên chủ chốt trong OPEC+ sẽ tăng tổng cộng 1,67 triệu thùng/ngày từ tháng 3 đến tháng 9, đạt 33,2 triệu thùng/ngày. Trong đó, Arab Saudi đóng góp hơn 60% mức tăng này.

Tám quốc gia được đề cập bao gồm: Arab Saudi, Nga, UAE, Kuwait, Oman, Iraq, Kazakhstan và Algeria.

Dù tăng sản lượng, Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu Brent ở mức 59 USD/thùng trong quý IV năm 2025, và 56 USD/thùng cho năm 2026.

Ngân hàng cho biết các yếu tố như sản lượng thấp hơn kỳ vọng và việc thu hẹp công suất dự phòng đang giúp giá dầu kỳ hạn duy trì ổn định.

Goldman Sachs cũng lưu ý rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng mạnh hơn dự báo, với mức tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 600.000 thùng/ngày vào năm 2025 và 1 triệu thùng/ngày vào năm 2026.

Nguyên nhân là do nhu cầu dầu từ Trung Quốc vẫn ở mức cao, hoạt động kinh tế toàn cầu duy trì đà phục hồi và đồng USD có xu hướng suy yếu thêm.

Ngân hàng cho rằng triển vọng giá dầu năm 2025 nhìn chung khá cân bằng giữa các yếu tố rủi ro tăng và giảm. Tuy nhiên, với năm 2026, Goldman nghiêng về khả năng giá giảm, do lo ngại OPEC+ có thể gỡ bỏ vòng cắt giảm sản lượng thứ hai với 1,65 triệu thùng/ngày hậu đại dịch, cùng với nguy cơ suy thoái tại Mỹ – mà các chuyên gia kinh tế ước tính có xác suất lên tới 30%.

Giá dầu thô đã giảm 1% trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (7/7) sau khi OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng, làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư cung.

Tại thời điểm 7h15 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giảm 1,3% xuống 67,38 USD/thùng và giá dầu WTI  của Mỹ giảm 1,35% xuống 65,6 USD. 

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent giảm 0,73% xuống 68,3 USD/thùng và giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,76% xuống 66,49 USD.

Anh Tuấn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá gạo tăng cao, Nhật Bản đảo chiều chính sách giữa khủng hoảng

Sau nửa thế kỷ hạn chế sản lượng để giữ giá, Nhật Bản buộc phải đảo ngược chiến lược khi giá gạo tăng gấp đôi.

Dự báo giá heo hơi ngày 8/7: Thị trường vẫn đang giữ xu hướng đi xuống

Nhiều chuyên gia dự báo giá heo hơi có thể tiếp đà giảm vào ngày mai do thị trường vẫn đang giữ xu hướng đi xuống tại nhiều khu vực.

Giá sầu riêng hôm nay 7/7: Sầu Thái tại Gia Lai giảm 20.000 - 25.000 đồng/kg

Giá sầu riêng hôm nay (7/7) tại Gia Lai được ghi nhận trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg đối với sầu Thái, giảm tới 25.000 đồng/kg so với vụ năm ngoái.

Một số quốc gia vượt hạn ngạch xuất khẩu thép vào EU trong quý III

Ngay đầu kỳ hạn ngạch mới, nhiều quốc gia đã vượt mức xuất khẩu thép vào EU ở nhiều danh mục.