Theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố quý IV/2024 ước tính tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2024, GRDP tăng 6,52% so với năm trước. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8% so với năm 2023.
Trong đó, khu vực dịch vụ đạt 7,14%, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 0,05 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,21%, đóng góp 1,34 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,0%, đóng góp 0,41 điểm %.
Năm 2024, hoạt động thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội lập kỷ lục với tổng thu đạt 509.300 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,8% so với năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt 473.800 tỷ đồng, vượt dự toán 25,2% và tăng 24,3% so với năm trước; thu từ dầu thô 4.800 tỷ đồng, vượt dự toán 58,8% và tăng 5,2% so với năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 30.400 tỷ đồng, vượt dự toán 12,7% và tăng 25,4% so với dự toán.
Chi ngân sách địa phương năm 2024 ước thực hiện 112.100 tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán và tăng 1,4% so với năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 56.600 tỷ đồng, đạt 73,5% dự toán và giảm 0,7% so với năm trước; chi thường xuyên đạt 55.400 tỷ đồng, đạt 96,7% dự toán và tăng 3,7% so với năm trước.
Cục Thống kê đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong năm 2024 có xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội tháng 12 ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Quý IV/2024, IIP ước tính tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, IIP tăng 5,9%, với 4 ngành công nghiệp cấp I đều ghi nhận tăng trưởng dương.
Năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 29.400 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 303.000 tỷ đồng, giảm 7,2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14,4% vốn đăng ký so với năm 2023; có 9.700 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 13%; gần 23.500 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18%; 4.800 doanh nghiệp giải thể, tăng 28,9%.
Về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính chung cả năm 2024, Hà Nội thu hút 2,16 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 293 dự án đăng ký cấp mới với số vốn đạt 1,21 tỷ USD; 205 dự án bổ sung tăng vốn với 297 triệu USD; 279 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 652 triệu USD.
Quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 231.600 tỷ đồng, tăng 7,1% so với quý trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thành phố ước đạt 853.300 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 11% so với năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng tăng 11,7%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 34,3%; doanh thu dịch vụ khác tăng 6,8%.
Năm 2024, Hà Nội đã đón 6,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 28,2% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,51 triệu lượt, tăng 35,4%; khách nội địa ước đạt 1,95 triệu người, tăng 14,2%.
Trong năm qua, Hàn Quốc vẫn là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Hà Nội, với lượng khách đạt 515.500 lượt người, tăng 8,9% so với năm trước. Tiếp đến là khách du lịch Trung Quốc, đạt 507.300 lượt người, tăng 64,1%; Mỹ 283.400 lượt người, tăng 19,3%; Nhật Bản 269.900 lượt người, tăng 22,6%; Anh 230.500 lượt người, tăng 37,4%;...
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội trong năm 2024 đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 19,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu đạt 41 tỷ USD, tăng 9,4%.
Tính riêng quý IV/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 tỷ USD, tăng 0,3% so với quý III và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với quý III và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý IV/2024 tăng 2,39% so với bình quân cùng kỳ.
Bình quân năm 2024, CPI tăng 4,25% so với bình quân năm trước, với 10/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,19%.
Về hoạt động tín dụng, ước đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tính dụng trên địa bàn thành phố đạt 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi đạt 5,1 triệu tỷ đồng, tăng 9,33%; phát hành giấy tờ có giá đạt 700.000 tỷ đồng, tăng 5,13%.
Tính đến hết năm 2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 4,3 triệu tỷ đồng, tăng 19,74% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 23,21%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,48 triệu tỷ đồng, tăng 17,26%. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,72% tổng dư nợ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, cơ sở đặt ra ngưỡng này được xây dựng dựa trên số liệu thống kê trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế.
Dự báo CPI sẽ biến động, Bộ Tài chính có kế hoạch báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói việc nhận 300.000 USD của doanh nghiệp là "sai lầm cuộc đời", cả đời theo phong cách "không gợi ý bất kỳ ai phải chi tiền bạc".
Tại kỳ họp bất thường cuối tháng 2, Quốc hội dự kiến xem xét nhiều luật, thông qua nghị quyết để sắp xếp bộ máy và thực hiện công tác nhân sự.