Chợ Thành Công, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn tại các tỉnh phía Bắc. Để ứng phó với cơn bão này, ngoài việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quyết liệt đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra, các địa phương cũng chủ động ứng phó, chuẩn bị hàng hoá thiết yếu không để thiếu hụt cục bộ.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai bất thường, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố trong năm 2025.
Theo đó, mục tiêu là dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ phục vụ nhu cầu cho khoảng 250.000 người dân trong thời gian 7 ngày, với 6 nhóm mặt hàng chính, gồm lương thực (gạo, mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô), nước sạch đóng chai, thực phẩm chế biến, sữa hộp, nến thắp sáng và các vật dụng thiết yếu khác. Tổng kinh phí dự kiến cho phương án này là gần 123 tỷ đồng.
Về mặt triển khai, Sở Công Thương Hà Nội chủ động phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để tổ chức các hoạt động kết nối quảng bá, đưa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh về Hà Nội.
“Hiện đã có hơn 4.000 sản phẩm OCOP từ 30 tỉnh, thành được kết nối và đưa vào hệ thống phân phối để phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Central Retail, WinMart, BRG Retail... cũng được giao nhiệm vụ chủ động chuẩn bị nguồn hàng, sẵn sàng cung ứng trong mọi tình huống. Khi cần thiết, thành phố sẽ chỉ đạo khẩn trương đưa hàng hóa từ các địa phương về Hà Nội để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Đáng chú ý, công tác hậu cần và vận chuyển cũng được chuẩn bị chu đáo. TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương phối hợp với Công an thành phố và Sở Xây dựng tổ chức cấp phép phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu được hoạt động liên tục 24/24h theo đề xuất từ phía các doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng việc kiểm soát giá cả. UBND TP đã chỉ đạo chính quyền cơ sở theo dõi sát sao diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, lợi dụng tình hình để tăng giá bất hợp lý”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo ghi nhận chiều 21/7, tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như Giảng Võ, Thành Công, Láng Hạ,… không khí mua sắm diễn ra khá bình ổn. Người dân chủ yếu mua đủ dùng, không có hiện tượng đổ xô tích trữ như từng thấy trong các đợt thời tiết cực đoan trước đây.
Thay vì tích trữ dài ngày, chị Trần Thị Tuấn (quận Ba Đình) cho biết chỉ có sự chuẩn bị lương thực phẩm vừa đủ, phù hợp với thói quen tiêu dùng.
“Hôm nay tôi chỉ mua thêm ít rau cho 2–3 ngày tới, phòng khi mưa to đi lại bất tiện. Nhưng rau vẫn giữ giá, mớ mùng tơi vẫn 5.000 đồng như mọi khi,” chị Tuấn chia sẻ.
Tương tự, với tâm lý chủ động và tin tưởng vào nguồn cung, chị Nguyễn Thị Hồng (phường Giảng Võ) cho hay việc tích trữ là không cần thiết, nhất là khi hàng hóa hiện nay rất dồi dào.
“Tôi vẫn đi chợ hằng ngày bình thường. Giá cả không có thay đổi gì. Không cần tích trữ vì giờ hàng hóa lúc nào cũng có sẵn, không lo thiếu”.
Không chỉ người dân bình tĩnh, các tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng ghi nhận sức mua tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng “sốt giá”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương bán gạo (chợ Giảng Võ) cho biết mấy hôm nay lạc vừng và gạo bán chạy hơn, lượng khách tăng khoảng 30%, nhưng giá cả thì vẫn giữ nguyên nguồn hàng vẫn dồi dào.
Còn Anh Phan Văn Huy, tiểu thương bán thịt bò (chợ Láng Hạ) cho hay, lượng người mua thịt bò tăng khoảng 20% so với ngày thường, nhưng giá vẫn ổn, loại ngon nhất vẫn là 250.000 đồng/kg.
“Các lò mổ và đơn vị cung ứng cũng đã được thông báo từ sớm để chuẩn bị lượng hàng đủ cho cả tuần, nên nguồn cung sẽ không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả khi thời tiết có diễn biến xấu”, anh Huy thông tin.
Chợ Thành Công, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Tại các hệ thống phân phối hiện đại cũng ghi nhận mức tăng lượng khách nhưng ở mức vừa phải. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail Việt Nam cho hay, hiện nay sức mua ở các siêu thị GO!, Tops Market khu vực miền Bắc vẫn bình thường, chưa có dấu hiệu tích trữ hàng hóa.
Ngoài ra, vì đã có kinh nghiệm cho các đợt bão lũ trước đó, nên Central Retail sẽ đảm bảo đủ nguồn hàng lương thực thiết yếu với giá cả ổn định nhất cho các hệ thống siêu thị GO!, Tops Market ở miền Bắc, giúp người dân an tâm chống bão, không lo khan hàng sốt giá.
“Ngay khi có thông tin bão đổ bộ, chúng tôi đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp và chuỗi cung ứng từ các vùng không bị ảnh hưởng để đảm bảo lượng hàng thiết yếu. Chúng tôi giữ giá bình ổn như ngày thường, không tăng giá để hỗ trợ người tiêu dùng”, bà Vân khẳng định.
Siêu thị GO! miền Bắc. (Nguồn: Central Retail)
Song song với các phương án bình ổn thị trường, Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh bão số 3 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Bộ.
Để ứng phó với bão số 3, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn tạm đóng cửa từ 23 giờ ngày 21/7 đến 12 giờ ngày 22/7; Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi từ 23 giờ ngày 21/7 đến 12 giờ ngày 22/7.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để cơ bản thông xe dự án cao tốc trục ngang miền Tây dài 188 km ngày 19/12, sớm hơn kế hoạch 6 tháng.
Từ đêm nay tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành Hà Nội gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.
Cục Môi trường cho rằng khí thải phương tiện giao thông không phải nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất (chiếm 15%) ở Hà Nội, song giảm phát thải là cần thiết.