Vĩ Mô 30/10/2024 21:40

Hà Nội: Xử lý dứt điểm vướng mắc của 5 dự án đầu tư chậm tiến độ

Ngày 30/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND TP đã chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND TP chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư kéo dài, chậm đưa vào sử dụng. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN).

Sự kiện này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, thực hiện hiệu quả công tác chống lãng phí theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.

Từ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo đó, 5 dự án được các sở, ban, ngành báo cáo và thảo luận gồm: Dự án đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh); Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai); Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III (quận Hoàng Mai); Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ (quận Ba Đình); Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất).

Để xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc của từng dự án trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần có cách tiếp cận mới trong thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm đưa các tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực thúc đẩy phát triển Thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân.

"Không để xảy ra tình trạng cản trở, chậm trễ, kéo dài thời gian triển khai thực hiện các dự án đầu tư công cũng như dự án ngoài ngân sách", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo.

Cụ thể, đối với Dự án đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy và Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Đây là thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp và là công trình mỹ quan của Thủ đô, vì vậy, chủ đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tập trung nguồn lực để nhanh chóng thực hiện, triển khai dự án.

Các địa phương, sở, ngành phải nỗ lực giải quyết những vướng mắc liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư của các dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Dự án cải tạo, sửa chữa các hạng mục dự án Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, UBND quận Hoàng Mai phải triển khai thực hiện bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên cơ sở cải tạo, nâng cấp nhà A2, A3 cùng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp tại Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. 

Đối với Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị có liên quan tham mưu, tháo gỡ tồn tại, vướng mắc.

Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu phương án khả thi trong quản trị tài sản công, vận hành dự án. 

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội chỉ rõ, dù với nguyên nhân chủ quan hay khách quan, các dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng nêu trên cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian triển khai, thực hiện.

Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. (Ảnh tư liệu: Sơn Vân/Báo Tin tức).

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tính đến 15/6, trong tổng số 712 dự án chậm triển khai đã có 705 dự án với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có 134 dự án (chiếm 99,3%) với tổng diện tích 1.253,1 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục rà soát, xem xét phương án xử lý 1 dự án với diện tích 6,9 ha đất.

Với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 196 dự án (1.951,7 ha đất) được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát; 208 dự án (1.225,3 ha đất) đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19.

Có 73 dự án với 125,7 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 135 dự án (1.099,6 ha đất) đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.

Cũng theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong số 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, đến nay có 80 dự án (chiếm 46,2%) với tổng diện tích 5884,7 ha đất được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát; 93 dự án (chiếm 53,7%) với tổng diện tích 1.111,8 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, tháng 7/2023, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn HĐND TP Hà Nội Khóa XVI về kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận và những vấn đề đã hứa, cam kết tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND TP, Thường trực HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết có một số khó khăn trong quá trình rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc xử lý còn chậm so với yêu cầu là do số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp; chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông khẳng định: Việc xử lý đối với các dự án "treo" này được UBND thành phố xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt của các cấp, các ngành, song cũng là nhiệm vụ lớn, phức tạp.

Vì vậy, thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra, xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể và kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật...

Linh Khánh (TTXVN)
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 30/10/2024 20:05
Phó Thủ tướng: Tăng vốn Nhà nước tại dự án PPP để thu hút nhà đầu tư

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, cần tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án PPP để thu hút nhà đầu tư, nhất là những dự án đòi hỏi kỹ thuật cao.

Vĩ Mô 30/10/2024 19:41
9 người liên quan tham nhũng trốn ra nước ngoài đã bị bắt

Từ đầu năm đến nay, nhà chức trách đã vận động, truy bắt được 9 người liên quan các vụ án tham nhũng, tiêu cực mà bỏ trốn ra nước ngoài; đang kêu gọi các trường hợp khác ra đầu thú.

Vĩ Mô 30/10/2024 16:49
Vietcap: Nhiều mặt hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ cam kết xoá bỏ 99% thuế quan của UAE

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcap kỳ vọng việc UAE cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 99% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sẽ giúp nhiều sản phẩm chủ lực được hưởng lợi.

Vĩ Mô 30/10/2024 16:48
Lạm phát năm 2024 ước tính trong khoảng 3,7 - 3,9%

Bộ Tài chính vừa cập nhật hai kịch bản điều hành giá năm 2024 với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong khoảng 3,7 - 3,92%.