Hai kịch bản trái chiều cho thuỷ sản Việt nửa cuối 2025 dưới áp lực thuế Mỹ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 tăng gần 19%, nhưng triển vọng nửa cuối năm phụ thuộc nhiều vào thuế quan từ Mỹ sau ngày 9/7.

Với kịch bản tích cực, nếu thuế đối ứng được áp ở mức 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2025 có thể đạt khoảng 9,5 tỷ USD, thấp hơn 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Trong tình huống này, các thị trường như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU được kỳ vọng sẽ hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, VASEP cho biết, nếu mức thuế vượt 10% và có thể lên tới 46% – theo các đánh giá sơ bộ – kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể tụt sâu xuống chỉ còn khoảng 9 tỷ USD hoặc thấp hơn. 

Khi đó, Mỹ sẽ không còn là thị trường ổn định, đặc biệt đối với những mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp như tôm hay cá ngừ. Đồng thời, ngành sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. 

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi rõ ràng, khả năng bù đắp từ các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU và ASEAN cũng sẽ bị giới hạn.

Thống kê từ Hiệp hội cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

   Nguồn: Cục Hải quan, VASEP (Anh Tuấn tổng hợp)  

Riêng xuất khẩu sang Mỹ đạt 891 triệu USD, tăng 16% nhờ nhiều doanh nghiệp tăng tốc giao hàng trước thời điểm áp thuế 9/7. Tuy nhiên, từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang thị trường này nhằm tránh rủi ro bị áp thuế cao trong tương lai gần.

Ở chiều ngược lại, các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực trong tháng 6, với mức tăng dao động từ 15% đến gần 28%. Ngược lại, xuất khẩu sang EU đã chững lại và giảm nhẹ 1%, trong khi khu vực Trung Đông ghi nhận mức giảm sâu 16% do ảnh hưởng kéo dài của chiến sự. 

Đặc biệt, xuất khẩu sang Israel – một trong những thị trường lớn đối với sản phẩm cá ngừ đóng hộp – đã giảm hơn 50%.

Xét theo mặt hàng, cá ngừ là nhóm có mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động từ chính sách thuế của Mỹ – thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng này. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm gần 2%. 

Trong khi đó, tôm và cá tra tiếp tục tăng trưởng nhưng đã chậm lại, phần nào phản ánh sự thận trọng trước các biến động chính sách thuế từ Mỹ. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD (tăng 26%), trong khi cá tra đạt 1 tỷ USD (tăng 10%).

Hiệp hội nhận định, triển vọng cho nửa cuối năm 2025 của hai mặt hàng chủ lực này đang phụ thuộc lớn vào quyết sách của phía Mỹ. Ngành tôm đặc biệt chịu áp lực khi có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế”, gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. 

Ngược lại, ngành cá tra có phần tích cực hơn sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt rà soát POR20, theo đó có 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu chính sách thuế đối ứng trong thời gian tới không quá bất lợi, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất định, VASEP đánh giá khả năng Việt Nam bảo toàn mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2025 sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của chính sách thương mại Mỹ cũng như năng lực chuyển hướng thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước.

 

Anh Tuấn
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá cà phê chạm đáy 7 tháng

Giá cà phê arabica đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, khi thời tiết khô ráo quay trở lại giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch tại Brazil – nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới – trong lúc thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ đang suy yếu, theo Bloomberg.

Ngân hàng Thế giới: Vàng có thể tăng 35% trong 2025 vì bất ổn địa chính trị

Trang Kitco News dẫn nhận định của các chuyên gia phân tích kim loại quý thuộc Ngân hàng Thế giới cho biết triển vọng giá vàng nghiêng về chiều hướng tăng trong 18 tháng tới, trong khi bạc và bạch kim được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố đà tăng hiện tại đến hết năm 2026.

Để xuất khẩu cao su đạt 3,3 tỷ USD

Để hoàn thành kế hoạch này, ngành hàng cao su cần thực hiện nhiều giải pháp, phù hợp với đặc điểm từng thị trường; trong số đó là mục tiêu tiến sâu vào thị trường EU bằng sản phẩm chất lượng cao.

Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu áp dụng chống bán phá giá với gạch ốp lát

Cơ quan điều tra đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin sau về doanh nghiệp; công suất thiết kế và sản lượng của sản phẩm gạch ốp lát trong từ năm 2020 đến năm 2024.