Trong nhóm 10 tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay, có đến 8 người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Người đứng đầu là Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla.
Số liệu của Forbes tại ngày 16/1/2025 cho thấy tài sản ròng của Elon Musk vào khoảng 434,9 tỷ USD, lớn hơn nhiều GDP một năm của Lào, Myanmar và Campuchia cộng lại, trong khi đó tổng dân số của ba nước này là hơn 79 triệu người.
Với sự so sánh trên, thật dễ để nghĩ rằng các tỷ phú ngày nay là những người lắm tiền nhiều của trong lịch sử nhân loại. Nhưng trên thực tế, những người giàu có nhất sống cách đây hàng thế kỷ trước, của cải của họ nhiều đến mức có thể làm khuynh đảo các nền kinh tế.
Ước tính tài sản của những thời đại đã qua là việc cực kỳ khó khăn bởi định nghĩa của sự giàu có giữa mỗi thời đại rất khác nhau.
Ví dụ, làm thế nào để tính toán giá trị đất đai của các hoàng đế Ba Tư? Liệu nhân khối lượng vàng trong kho báu của Thành Cát Tư Hãn với giá vàng hiện nay (khoảng 2.698 USD/ounce) có cho chúng ta biết được tài sản của ông ấy đáng giá thế nào vào thời đó không?
Trong những nền kinh tế không có tiền tệ chính thống, thuế tính bằng thóc gạo và người biết chữ hiếm như lá mùa thu thì chúng ta chỉ có thể phỏng đoán giá trị của các loại tài sản xưa kia.
Dù vậy, đây vẫn là chủ đề hấp dẫn. Lấy ví dụ về Marcus Licinius Crassus, người có tài sản ròng ước tính khoảng 170 triệu sesterces (đơn vị tiền tệ thời La Mã cổ đại).
“Nhà đầu tư giá trị” này nhận thấy các ngôi nhà tại Rome thường xuyên bị cháy và sụp đổ do chúng quá lớn và san sát nhau nên ông đã mua hơn 500 nô lệ là thợ xây và kiến trúc sư.
Khi một căn nhà gặp hỏa hoạn, ông mua nó và những căn xung quanh với giá rẻ mạt, sau đó sai người đi dập lửa. Bằng cách này, ông trở thành một trong những chủ đất lớn nhất ở Rome.
Khi Spartacus lãnh đạo cuộc nổi dậy vào năm 73 trước Công nguyên, Crassus đã đích thân chỉ huy hai quân đoàn. Truyền thuyết kể rằng khi chết, Crassus bị đổ vàng nóng chảy vào miệng, tượng trưng cho sự thèm khát tiền bạc vô độ của ông.
Tuy nhiên, chúng ta không cần phải quay lại thời cổ đại để tìm ra những người có khối tài sản có thể thay đổi cả một quốc gia. JP Morgan là “người cho vay cuối cùng” của nước Mỹ trước khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được thành lập. Ông từng giúp ổn định nền kinh tế bằng cách cho chính phủ vay một khoản khổng lồ sau cuộc hoảng loạn năm 1893.
Song, thay vì đo lường sự giàu có bằng những con số cụ thể, cách tốt nhất là tìm kiếm những người giàu đến mức họ định đoạt được giá trị của đồng tiền vào thời họ sống. Theo trang Investopedia, lịch sử ghi nhận hai cá nhân có nhiều tài sản hơn hẳn những người khác đến mức việc chi tiêu số tài sản đó có thể gây rối loạn nền kinh tế thế giới.
Vào năm 1324, Mansa (tức Hoàng đế) Musa bắt đầu hành hương đến Mecca, đem theo đoàn tùy tùng khoảng 60.000 người và số vàng khổng lồ. Cuộc hành trình của ông ảnh hưởng đến toàn bộ vùng Địa Trung Hải.
Mansa Musa tiêu xài lượng vàng lớn ở Cairo, Medina và các thành phố khác. Sự hào phóng của ông - đặc biệt là số vàng mà ông cho đi - lớn đến mức gây ra siêu lạm phát ở những thành phố đó, khiến giá cả của những mặt hàng hàng ngày phi mã.
Khi nhận ra ảnh hưởng không mong muốn của mình đến nền kinh tế địa phương, Mansa Musa quyết định sẽ tự mình giải quyết vấn đề.
Để chống lại tác động xấu từ các khoản chi tiêu của mình gây ra, ông tiến hành chương trình nới lỏng định lượng phiên bản cổ đại, mua vàng từ các chợ ở Cairo, qua đó khôi phục một phần trật tự của nền kinh tế. Có thể nói bản thân ông chính là hiện thân của một chu kỳ kinh tế vĩ mô.
Tài sản của Mansa Musa làm rung chuyển Địa Trung Hải, còn Atahualpa (người cai trị cuối cùng của Đế chế Inca) cũng sở hữu khối tài sản có sức ảnh hưởng lớn không kém, mặc dù tác động của chúng được thể hiện qua tình huống khá trớ trêu.
Đế chế Inca không sử dụng hệ thống tiền tệ chính thức, tài sản được đo lường bởi sự kiểm soát nguồn lực và lao động. Toàn bộ đế chế được tổ chức như một đơn vị gia đình.
Inca (tức Hoàng đế) kiểm soát toàn bộ mọi thứ, từ lương thực, quần áo, nhà cửa cho đến con người. Mọi người dân phục vụ nhà vua bằng việc trở thành lính, nông dân, người lao động hay thợ thủ công. Đổi lại, họ được cung cấp mọi thứ cần thiết để sống sót.
Năm 1532, sau một cuộc nội chiến đẫm máu giữa Atahualpa và người anh cùng cha khác mẹ Huáscar, Atahualpa bị người Tây Ban Nha bắt giữ. Trong nỗ lực tuyệt vọng, ông đề nghị chuộc mạng mình bằng vô số vàng bạc.
Truyền thuyết kể rằng Atahualpa đã lấp đầy toàn bộ một căn phòng bằng vàng, trị giá ước tính hơn 1,5 tỷ USD với giá hiện nay. Nhưng Atahualpa vẫn bị giết, đế chế của ông sụp đổ.
Số vàng bạc trị giá hàng tỷ USD đến châu Âu sau năm 1500 đã gây ra lạm phát cao và khiến nền kinh tế nơi đây trì trệ trong thời gian dài. Phần lớn số vàng nhấn chìm nền kinh tế châu Âu trong thế kỷ 16 đến từ kho tàng của Atahualpa. Theo một cách nào đó, ông đã trả được mối thù.
Colombia vừa trở thành quốc gia đầu tiên bị Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan sau khi ông quay trở lại Nhà Trắng.
Tỷ trọng của đồng nhân dân tệ (NDT) trong thanh toán quốc tế đạt 3,75% trong tháng 12/2024, duy trì vị trí là đồng tiền thanh toán mạnh thứ tư trong thanh toán toàn cầu.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) vừa công bố báo cáo dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài chính 2025 ở mức 1.865 tỷ USD, gần như không thay đổi so với năm 2024.
Làm thế nào để có thể tránh một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu? Hay chính xác hơn: Cần vay tiền từ đâu? Dưới hình thức nào? Và làm thế nào để tránh việc chi phí vay nợ tăng vọt?