Kinh doanh & Thị trường 30/09/2024 16:39

Hàng tỷ đô la thua lỗ của OpenAI

Công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo OpenAI dự kiến lỗ nặng năm nay, nhưng doanh thu trong 5 năm tới sẽ tăng vọt nhờ tăng phí sử dụng chatbot.

OpenAI - công ty mẹ của ChatGPT, dự kiến lỗ khoảng 5 tỷ USD trên doanh thu 3,7 tỷ USD trong năm nay, theo CNBC. Cụ thể, một nguồn tin thân cận với OpenAI cho biết công ty đã đạt doanh thu 300 triệu USD trong tháng trước, tăng 1.700% kể từ đầu năm ngoái. Nguồn tin này yêu cầu giấu tên vì đây là những con số mật.

Theo tài liệu mà New York Times tiếp cận, OpenAI dự báo doanh thu sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2025, lên 11,6 tỷ đô la và đạt 100 tỷ USD vào năm 2029. Phí người dùng ChatGPT dự kiến tăng từ 20 USD lên 22 USD vào cuối năm nay, và lên 44 USD trong 5 năm tới.

OpenAI đang huy động 7 tỷ USD với định giá 150 tỷ USD. Microsoft, Thrive Capital, Tiger Global Management và MGX đang đàm phán đầu tư, trong khi Apple đã rút lui.

Quỹ Thrive Capital dẫn đầu vòng gọi vốn này và dự định đầu tư 1 tỷ USD, cùng với sự tham gia của Tiger Global.Tờ Wall Street Journal đưa tin Apple đã rút khỏi cuộc đàm phán tham gia vòng gọi vốn sắp tới của OpenAI, công ty mẹ của ChatGPT. Microsoft và Nvidia vẫn tiếp tục đàm phán, với Microsoft dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ USD.

Công ty cũng chuẩn bị công bố cơ cấu mới, tách rời bộ phận vì lợi nhuận khỏi quỹ phi lợi nhuận. Có tin đồn CEO Sam Altman có thể nhận 7% cổ phần, nhưng công ty đã phủ nhận.

 CEO OpenAI, Sam Altman. (Ảnh: Getty Images).

Giám đốc tài chính Sarah Friar của OpenAI đã thông báo với các nhà đầu tư qua email hôm thứ 26/9 rằng vòng gọi vốn đã vượt quá dự kiến và sẽ kết thúc vào tuần sau. Thông báo này được đưa ra sau khi nhiều nhân sự chủ chốt rời đi, đáng chú ý nhất là giám đốc công nghệ Mira Murati, người đã tuyên bố từ chức một ngày trước đó sau 6 năm rưỡi làm việc tại OpenAI.

Cũng trong tuần này, truyền thông Mỹ đưa tin ban lãnh đạo OpenAI đang cân nhắc kế hoạch chuyển đổi công ty thành doanh nghiệp vì lợi nhuận. Công ty sẽ giữ lại bộ phận phi lợi nhuận như một tổ chức riêng biệt, theo một nguồn tin thân cận với CNBC.

Cơ cấu này sẽ đơn giản hóa việc đầu tư và giúp nhân viên OpenAI dễ dàng hiện thực hóa giá trị cổ phần của họ. Các dịch vụ của OpenAI đã bùng nổ về độ phổ biến kể từ khi công ty ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022. Công ty bán các gói đăng ký cho nhiều công cụ khác nhau và cấp phép sử dụng cho gia đình mô hình ngôn ngữ lớn GPT, vốn đang thúc đẩy làn sóng AI tạo sinh. Việc vận hành những mô hình này đòi hỏi đầu tư lớn vào các đơn vị xử lý đồ họa của Nvidia.

Theo tờ New York Times, dựa trên phân tích của một chuyên gia tài chính đã xem xét tài liệu của OpenAI, khoản lỗ khoảng 5 tỷ USD trong năm nay liên quan đến chi phí vận hành dịch vụ, lương nhân viên và thuê văn phòng. Con số này chưa bao gồm thù lao dựa trên cổ phiếu, "cùng một số khoản chi phí lớn khác chưa được giải thích đầy đủ trong tài liệu", theo báo cáo.

Mặc dù không tham gia gọi vốn, Apple và OpenAI vẫn là đối tác lớn. Hai bên đã công bố kế hoạch tích hợp ChatGPT vào Siri trên các hệ điều hành của Apple cuối năm nay, cho phép người dùng sử dụng miễn phí mà không cần tài khoản. 

Thành Vũ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh doanh & Thị trường 30/09/2024 17:27
Thanh Hóa yêu cầu kiểm soát việc tăng giá bất động sản

Giao Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát việc tăng giá bất động sản, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Kinh doanh & Thị trường 30/09/2024 16:38
Mua xăng dầu qua ứng dụng

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) vừa ra mắt ứng dụng mua xăng dầu PVOIL 4U dành cho khách hàng cá nhân.

Kinh doanh & Thị trường 30/09/2024 16:35
Cảnh báo dịch vụ 'độ' Vertu 2G lên 4G

Vertu Việt Nam đã cảnh báo người dùng về nguy cơ mua phải những sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, đặc biệt trong bối cảnh ngày tắt sóng 2G tại Việt Nam đang đến gần.

Kinh doanh & Thị trường 30/09/2024 14:54
Cuộc chiến hàng thập kỷ của hai 'ông lớn' nước ngọt có ga

Từ hàng thập kỷ qua, cuộc chiến giữa Coca-Cola và Pepsi vẫn luôn nối tiếp với sự cạnh tranh không ngừng nghỉ. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn, việc duy trì vị thế không chỉ phụ thuộc vào sản phẩm mà còn ở cách mỗi thương hiệu kết nối với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu và tạo dựng trải nghiệm thương hiệu mạnh mẽ hơn từng ngày.