Cảng Đình Vũ, Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg).
Vào tối ngày 2/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Nhà Trắng đã đạt một thoả thuận thương mại với Việt Nam, liên quan đến thuế quan đối ứng mà ông công bố vào đầu tháng 4.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump viết: “Tôi vừa chốt một thoả thuận thương mại với Việt Nam. Chi tiết sẽ công bố sau!”
Sau thông báo thoả thuận thương mại của ông Trump, một vấn đề thu hút sự quan tâm hiện tại là tỷ lệ nội địa hoá của hàng hoá xuất khẩu. Đây là vấn đề được nêu ra trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và những đối tác thương mại khác.
Đơn cử, theo một số nguồn tin của Bloomberg, Mỹ đang yêu cầu Ấn Độ đạt hàm lượng nội địa ít nhất 60% để hàng hoá được công nhận có xuất xứ Ấn Độ. Tuy nhiên, New Delhi đang đề xuất hạ ngưỡng này xuống 35%.
Tỷ lệ nội địa hoá là tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu và phụ tùng công nghiệp sản xuất trong nước so với thành phần nhập khẩu. Tỷ lệ này thay đổi theo từng nhóm ngành.
Trong lĩnh vực chế tạo công nghiệp, nói tỷ lệ nội địa hoá thấp có nghĩa là các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu nhiều linh kiện từ nước ngoài hơn là sử dụng phụ tùng sản xuất trong nước.
Chẳng hạn, theo số liệu năm 2023 của Statista, tỷ lệ nội địa hoá trong ngành sản xuất ô tô Nhật Bản đạt khoảng 59,8%. Đây là một mức cao và phản ánh vị thế hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Để so sánh, số liệu năm 2020 của Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy tỷ lệ nội địa hoá linh kiện ô tô của nước ta chỉ ở mức 20%. Các ước tính gần đây cho thấy tỷ lệ tương tự của hai nước Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia đều trên 40%.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, tỷ lệ nội địa hoá trong ngành điện tử gia dụng nước ta đạt khoảng 30 - 35%; dệt may và da giày 40 - 45%; điện tử tin học, viễn thông 15%; và điện tử chuyên dụng cùng các ngành công nghệ cao 5%.
Trong những năm gần đây, khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, Mỹ đã công bố nhiều biện pháp nhằm làm chậm đà phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.
Điều này đã thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh nỗ lực nội địa hoá hoạt động sản xuất bán dẫn. Trong số những nỗ lực đó, thiết bị bán dẫn đóng vai trò nền tảng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng bán dẫn của Bắc Kinh.
Kết quả là, tỷ lệ nội địa hoá đối với thiết bị sản xuất bán dẫn của quốc gia tỷ dân đã vượt mức 40% vào năm 2023, tăng gấp đôi trong vòng hai năm. Ước tính gần đây từ TrendForce cho thấy tỷ lệ này có thể sẽ đạt 50% trong năm 2025.
Gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất công nghiệp đi kèm với những lợi ích và bất cập riêng.
Một mặt, khi các doanh nghiệp nâng tỷ lệ nội địa hoá, về lâu dài họ có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu, qua đó tránh các rủi ro liên quan đến biến động chuỗi cung ứng quốc tế.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản từng rơi vào tình cảnh khốn đốn khi nguồn cung ứng linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc gián đoạn vào đầu năm 2022, khi Bắc Kinh thực hiện chính sách “Zero COVID” để ngăn chặn dịch bệnh.
Vào tháng 4 năm đó, sản lượng xe của ba hãng ô tô hàng đầu Nhật Bản là Honda, Mazda và Toyota lao dốc trung bình hơn 37% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng của Honda tụt mạnh 54% xuống còn 190.000 xe.
Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ nội địa hoá còn giúp tạo thêm việc làm trong lĩnh vực sản xuất và giảm bớt chi phí trong tương lai, dù khoản đầu tư ban đầu cho cơ sở sản xuất cũng như chuỗi cung ứng có thể tốn kém.
Hai vấn đề có thể xảy ra khi các doanh nghiệp cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hoá là chất lượng của linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước có thể không ngang bằng với các sản phẩm quốc tế và giá thành sản phẩm cuối cùng có thể không giảm như kỳ vọng.
Thị trường lao động Mỹ cho thấy sức mạnh đáng kinh ngạc trong tháng 6, dẫn đến khả năng Fed có thể sẽ không giảm lãi suất tại cuộc họp cuối tháng này.
Trong nửa đầu năm 2025, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho viễn cảnh Mỹ rơi vào suy thoái vì các chính sách của Nhà Trắng. Kịch bản tồi tệ nhất đó chưa xảy ra, nhưng nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều rủi ro phía trước.
Mới đây, Mỹ đã quyết định nói lỏng hạn chế đối với ngành công nghệ cao của Trung Quốc.
Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại, S&P 500 và Nasdaq Composite đã cùng lập kỷ lục mới.