Vĩ Mô 06/11/2024 15:10

IIP 10 tháng đầu năm tăng 8,3%, Lai Châu và Phú Thọ có chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo cao nhất cả nước

10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,3%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 0,9 điểm % vào mức tăng trưởng chung.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất công nghiệp tháng 10 của cả nước nhìn chung vẫn giữ xu hướng tích cực, với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 7,0% so với tháng 10/2023.

Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,0%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%. 

Tính chung 10 tháng năm nay, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%). 

Đóng góp trong mức tăng chung gồm: Ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%), đóng góp 8,3 điểm %; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%, đóng góp 0,2 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 7,2%, làm giảm 1,1 điểm %.

Tốc độ tăng trưởng IIP 10 tháng so với cùng kỳ năm trước, từ năm 2020 - 2024 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thống kê).

Trong 10 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II ghi nhận IIP tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 26,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 14,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,0%...

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm, như: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,8%; khai thác than cứng và than non giảm 5,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 3,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,4%.

Xét theo không gian, Tổng cục Thống kê cho biết, IIP 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương và giảm ở 4 địa phương trên cả nước.

Tốc độ tăng/giảm IIP 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện; ngành khai khoáng tăng cao. 

Trong những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, Lai Châu và Phú Thọ vẫn là hai tỉnh dẫn đầu với mức tăng trưởng trên 40%, theo sau đó lần lượt là: Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Trà Vinh và Điện Biên.

Những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thống kê).

Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là: Khánh Hòa, Điện Biên, Cao Bằng, Trà Vinh, Lai Châu, Sơn La và Thanh Hóa. 

Những địa phương có ngành sản xuất và phân phối điện đạt tăng trưởng cao trong 10 tháng năm 2024 (Nguồn: AM tổng hợp từ Tổng cục Thống kê).

Những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng tăng cao gồm: Cao Bằng tăng 30,0%, Thanh Hóa tăng 14,0% và Trà Vinh tăng 6,0%.

Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: Bạc Liêu tăng 4,9%, Đắk Nông tăng 2,8%, Hà Tĩnh giảm 5,3%, Gia Lai giảm 1,8% và Quảng Ngãi giảm 1,6%. 

Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng thấp hoặc giảm: Quảng Trị tăng 2,3%, Bạc Liêu tăng 0,7%, Lạng Sơn giảm 16,7%, Quảng Ngãi giảm 8,6%, Lâm Đồng giảm 5,0% và Gia Lai giảm 1,5%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,7% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 2,9% so với năm trước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,1% so với năm trước.

Anh My
CÙNG CHUYÊN MỤC
Vĩ Mô 06/11/2024 15:55
Tập đoàn Trung Quốc muốn tham gia xây dựng tuyến đường sắt kết nối hai nước

Tập đoàn CRCC mong muốn tham gia triển khai các dự án đường sắt, đường tàu đô thị, đường bộ cao tốc, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là tuyến đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Vĩ Mô 06/11/2024 15:13
Yên Bái có tân Bí thư Tỉnh uỷ

Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Vĩ Mô 06/11/2024 15:08
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 41,3%, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng

Trong 10 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 3,7 triệu lượt (chiếm 26,3%).

Vĩ Mô 06/11/2024 10:39
Hơn 20.000 DN gia nhập thị trường mỗi tháng, 17.200 DN rút lui

Trong 10 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường nhưng cũng có tới 17.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO