Cơn bão số 3 vừa đi qua gây những thiệt hại vô cùng to lớn. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm khoảng 0,15 điểm % do thiệt hại của cơn bão số 3.
Ở góc độ kinh tế, khoảng 240.000 căn nhà đã bị sập đổ, hư hại; hơn 300.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, gãy đổ; gần 3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão lũ là khu vực chiếm đến 41% GDP và 40% dân số cả nước.
Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, PGS TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng đợt bão lũ vừa qua gây thiệt hại lớn về tài sản, tuy nhiên ảnh hưởng đến tăng trưởng sẽ không nhiều. Bởi tăng trưởng GDP chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm.
Trong bối cảnh thiên tai, tuy các doanh nghiệp bị ảnh hưởng ở vùng bão lũ nhưng những doanh nghiệp ở khu vực khác sẽ tăng công suất và chuyển hàng hoá sang khu vực bị ảnh hưởng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nhưng cũng có những doanh nghiệp hưởng lợi, ông phân tích.
Ở khu vực phía Bắc, chịu thiệt hại về tài sản chủ yếu là các doanh nghiệp nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản hoặc khai thác du lịch bằng tàu thuyền, vì vậy sẽ làm giảm GRDP của các địa phương đó. Tuy nhiên, có cơ sở để đánh giá đợt bão lũ vừa qua không ảnh hưởng quá lớn đến GDP chung của cả nước trong năm nay.
Thứ nhất, ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bão lũ vừa rồi là khu vực nông nghiệp, nhưng cấu phần này không chiếm tỷ trọng lớn trong GDP.
Thứ hai, khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng không phải khu vực nông nghiệp chính của Việt Nam mà khu vực chính là Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ sau bão lũ sẽ giúp giảm bớt thiệt hại và tiêu dùng của các khu vực này không bị sụt giảm mạnh.Bên cạnh đó, những nỗ lực tái thiết lại cơ sở hạ tầng ở các địa phương chịu thiệt hại của bão lũ sẽ kéo đầu tư công của khu vực đó lên và phần nào bù đắp lại thiệt hại về GDP.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cũng cho rằng trong đợt bão lũ cơ chế phục hồi tốt nhất trong ngắn và trung hạn là dựa vào bảo hiểm và dựa vào hỗ trợ từ ngân sách, ví như đầu tư công giúp phục hồi các cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng sau thiên tai, kể cả chương trình hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ phục hồi trên đồng ruộng, hỗ trợ giống và nguyên liệu sản xuất vụ sau để người dân sớm phục hồi sản xuất.
Liên quan đến mức ảnh hưởng 0,15% tới GDP từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hùng nhận định thoạt nghe có vẻ thấp, nhưng sẽ là con số cuối cùng khi những nỗ lực tái thiết, khắc phục sau bão đóng bóp bù lại vào con số tăng trưởng.
Đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt 6,7% - 7% năm nay là khả thi ông Thế Anh nhấn mạnh "không nên vì lo tăng trưởng thấp mà nới lỏng thêm chính sách tiền tệ".
Chuyên gia dự báo lạm phát năm nay sẽ ở khoảng 3%, lãi suất tiền gửi ở khoảng 5%, chênh lệch lãi suất khoảng 2% là phù hợp. Đặc biệt, phải duy trì lãi suất thực dương, nếu không nền kinh tế vĩ mô và các thị trường tài sản sẽ không ổn định.
"Mức lãi suất hiện nay là phù hợp kể cả trong trường hợp Fed hạ lãi suất thêm nữa. Khi lãi suất của Mỹ thấp hơn, tỷ giá USD/VND của Việt Nam được ổn định và giúp giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài chứ không phải để chúng ta hạ thêm lãi suất và gây mất ổn định thị trường tài chính, tiền tệ", Chuyên gia Phạm Thế Anh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng cũng đánh giá "chính sách tiền tệ gần như đã đến hạn, thúc đẩy tăng trưởng gần như chỉ còn dư địa ở chính sách tài khoá".
"Các nước phát triển hiện đang có xu hướng nới lỏng tiền tệ để phát triển kinh tế, song với Việt Nam, chúng ta đã nới lỏng chính sách tiền tệ từ năm ngoái và đã tương đối sâu" ông Hùng đánh giá và cho biết vì vậy, cơ hội để nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa là không nhiều.
Nhìn vào con số cụ thể, lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước là 4,5% trong khi con số lạm phát là 4%. Như vậy, lãi suất thực chỉ khoảng 0,5% là một mức rất thấp. Nếu tiếp tục giảm thêm, lãi suất thực sẽ âm và gây ra những hiệu ứng vĩ mô khác bất lợi hơn trong nền kinh tế.
Trong khi đó, chính sách tài khoá vẫn còn không gian để nới lỏng hơn nữa. Hiện nay, Chính phủ đang ở vị thế tỷ lệ nợ công/GDP rất thấp, thu ngân sách 8 tháng đầu năm vẫn thặng dư.
Các hiện tượng liên quan đến thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu là một trong những rủi ro trong ngắn hạn của nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh căng thẳng địa chính trị, thương mại đứt gãy, và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ông nhấn mạnh, các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc vốn đã gặp khó khăn trong tăng trưởng thì nay lại chịu thiệt hại của bão. Đây cũng là cơ hội để tập trung nguồn lực phục hồi, không những phục hồi như trước mà còn có cơ hội làm tốt hơn trước.
Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tăng quỹ đất giao thông và phát triển kinh tế xã hội khi điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050.
Sau bão Yagi, một số tổ chức quốc tế, chuyên gia và ngay cả Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng dự báo tăng trưởng bị ảnh hưởng, nhưng thực tế không u ám đến vậy.
Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 vào giai đoạn 1 của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời điều chỉnh thời gian hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đến năm 2026.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hàn Quốc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam để triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn, mang tính biểu tượng như đường sắt, đường bộ cao tốc.