Đầu năm 2024, bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, lạm phát tại Mỹ, châu Âu vẫn ở mức cao, nền kinh tế dự báo tăng trưởng chậm lại sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19. Khi ấy, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khoảng 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%; tốc độ tăng CPI bình quân 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%...
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, cùng với việc các thị trường xuất khẩu khởi sắc hơn, GDP quý sau cao hơn quý trước, tăng trưởng quý I, quý II, quý III, quý IV... lần lượt đạt: 5,66%; 6,93%; 7,4%; 7,55%. Do đó, Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025, xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. Kết quả GDP năm 2024 tăng 7,04%, không chỉ đạt mà còn vượt kỳ vọng Quốc hội đề ra, 15/15 chỉ tiêu đều đạt được, tăng trưởng đều ở cả ba khu vực: Nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp và dịch vụ.
Sự biến chuyển tích cực của nền kinh tế là nhờ những nỗ lực của Chính phủ và những điều hành rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, cầu thế giới đối với hàng hoá Việt Nam tăng, cũng như khu vực sản xuất trong nước khởi sắc là những yếu tố tạo ra bứt phá về tăng trưởng trong năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu cả năm tăng trưởng tới 15% so với năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng... , trong đó chế biến, chế tạo là lĩnh vực đóng góp tỷ trọng lớn nhất. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài cũng ở mức cao, giải ngân vốn đầu tư công tuy chậm vào đầu năm nhưng tăng mạnh vào cuối năm, tạo động lực cho nền kinh tế.
“Trong năm 2024, xuất nhập khẩu và đầu tư là hai động lực rất tốt cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực, xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng một phần dựa trên nền yếu của năm trước”, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói khi đánh giá về động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, năm nay, đầu tư tư nhân còn yếu, tăng trưởng tín dụng khó khăn vào đầu năm và dần tăng nhanh hơn vào cuối năm khi những vướng mắc của nền kinh tế được tháo gỡ. Điều này thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng tăng rất chậm vào đầu năm, tính đến hết tháng 6, tín dụng mới tăng 6,1% và thậm chí còn tăng trưởng âm trong tháng 7 khi kết thúc tháng tăng 5,66%. Tuy nhiên, các tháng sau đó, tín dụng được khơi thông, tính đến ngày 29/11 đạt 11,9% và 7 ngày sau đó đã đạt 12,5%. Kết quả này cho thấy những nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, địa phương.
Dù vậy, lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao kỷ lục trong năm 2024 cho thấy bức tranh kinh tế vĩ mô cả năm đan xen gam màu tối. Trong năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt trên 176.000 doanh nghiệp, con số kỷ lục cao hơn cả thời kỳ COVID-19. Nguyên nhân là do sự lệch pha của nền kinh tế - giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Trong khi doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững thì nhiều doanh nghiệp nội địa nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa điêu đứng.
Trong khi đó, khu vực xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào FDI khi khối này chiếm trên 70% kim ngạch, còn doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Một lượng lớn doanh nghiệp FDI tập trung ở các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhưng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp như các ngành dệt may, da giày cho nên dù khu vực FDI có sự tăng trưởng rất mạnh về giá trị nhưng đóng góp của năng suất lao động lại rất thấp. Đây vẫn là những hạn chế của nền kinh tế.
Phân tích về những động lực tăng trưởng mới năm 2025, Chuyên gia Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn.
“Những năm trước đây, chúng ta chỉ nói đến đổi mới kinh tế. Cải cách chỉ bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế từ những chính sách thuế, trợ cấp, hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng hiện nay chúng ta đang làm rộng hơn, đi vào các vấn đề môi trường kinh doanh rộng hơn, thể hiện qua việc sắp xếp lại bộ máy của các cơ quan nhà nước để tinh gọn hơn. Đây là một cải cách rất sâu rộng”, ông nói.
Theo ông, Chính phủ Việt Nam đang xuất phát từ cải cách thể chế sau đó đi vào các chính sách kinh tế lớn. Có thể thấy, hàng loạt quyết sách lớn có sức ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế đã được đưa ra như: Đầu tư xây dựng các dự án sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc – Nam hay khởi động lại dự án điện hạt nhân, thu hút các đại bàng trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn,... Đây là những chương trình rất lớn có sức ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng đến nền kinh tế.
“Nếu thành công Việt Nam sẽ thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, vậy nên bây giờ là thời khắc rất quyết định”, chuyên gia nhấn mạnh. Cũng theo ông, động lực tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, tức là năm 2025 sẽ xuất phát từ động lực chính từ đầu tư, trong đó đầu tư công là chủ yếu. Việc khởi công hàng loạt dự án mới sẽ kéo theo các ngành nghề, lĩnh vực khác và là động lực tăng trưởng chính cho năm 2025”, chuyên gia đánh giá.
Động lực thứ hai theo ông chuyên gia là, xuất khẩu. Động lực này vẫn như năm 2024 nhưng trên nền cao của năm nay thì tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại, cộng với những bất ổn trong chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, rất có thể khiến xuất khẩu không tăng trưởng được hai con số như năm 2024. Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế thế giới đều chậm lại, nhu cầu hàng hoá thương mại cũng sẽ chậm lại nhưng xuất khẩu vẫn là yếu tố quan trọng với tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Xu hướng đầu tư vẫn sẽ gia tăng do chuyển dịch đầu tư từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt là giá lao động ở Việt Nam vẫn là rẻ so với thế giới. Ví dụ như ở Mỹ, lạm phát chủ yếu xuất phát từ thị trường lao động, giá nhân công cao, các nước châu Âu hay các nước phát triển khác đều gặp vấn đề tương tự.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có chi phí lao động hấp dẫn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi đây là một yếu tố quan trọng để quyết định đầu tư. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% có thể khó đạt được, song với cấu trúc và lợi thế mà Việt Nam đang có thì mức tăng trưởng trên 6,5% là không quá khó khăn, chuyên gia Phạm Thế Anh nhận định.
Chuyên gia Nguyễn Bá Hùng thì đánh giá, sang đến năm 2025, thị trường thế giới hạ nhiệt, triển vọng xuất khẩu năm 2025 sẽ không duy trì được như năm nay. Nhìn lại động lực trong nước, tiêu dùng còn yếu, chi tiêu Chính phủ, bao gồm đầu tư công thấp hơn kế hoạch. Đây có thể là dư địa để biến động lực thành động lực tăng trưởng mới trong năm 2025.
Với động lực tăng trưởng 2025, chuyên gia cho rằng sẽ được dẫn dắt từ cầu đầu tư, trong đó đầu tư Nhà nước là một phần. Cùng với sự phục hồi, kỳ vọng của nền kinh tế đầu tư tư nhân có thể sẽ tăng lên.
"Trong bối cảnh cầu nội địa, đầu tư nội địa yếu, cần dựa vào dư địa tăng chi tiêu Chính phủ. Như vậy, động lực tăng trưởng nằm trong tay Chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và đầu tư công. Đòn bẩy là chi tiêu công, kích cầu nội địa kéo đầu tư nội địa và tiêu dùng tăng lên", chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam khuyến nghị.
*Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số Xuân Ất Tỵ
Ước đến ngày 31/1, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình gửi Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (2021-2026).
Hết ca làm việc ngày cuối năm, thay vì chen chân ra bến xe Nước Ngầm cách nhà trọ 30 km, vợ chồng chị Thương thong thả soạn đồ để sáng hôm sau đưa hai con về Hà Tĩnh bằng xe đưa đón miễn phí.
Tỉnh Đồng Nai luôn duy trì vị thế là một trong những địa phương xuất siêu cao nhất cả nước trong nhiều năm qua.