Theo kế hoạch kinh doanh 2025 đã được cổ đông thông qua tạiĐại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào sáng nay (ngày 8/4),Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) đặt mục tiêutổng lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với kết quả 2024.
Các chỉ tiêu còn lại bao gồm: Tổng tài sản tăng 14% lên 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 14% lên 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16% lên 673.596 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (cuối năm 2024 là 1,49%).
Một số cổ đông đặt vấn đề về việc thực thi kế hoạch nói trên trong bối cảnh thị trường nói chung vừa đón thông tin không được tích cực, nổi bật là chính sách thuế quan đối ứng từ Mỹ.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT, đánh giá kinh tế năm 2025 tiếp tục có những diễn biến khó lường, cầu thị trường giảm sút mạnh mẽ. Đặc biệt trong vài ngày đầu tiên của tháng 4, thông tin Mỹ áp thuế quan đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và điều này phản ánh sự quan ngại sâu sắc của nhà đầu tư.
Việt Nam là một nước xuất khẩu mạnh, có nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên bài toán kinh doanh của năm 2025 có nhiều ẩn số và đó là một trong những việc mà ACB sẽ phải tập trung để giải quyết trong những ngày đầu của quý II cũng như ba quý còn lại.
Song song đó, ACB tiếp tục thực hiện chiến lược giai đoạn 5 năm mới (2025 - 2030). Nếu bỏ qua giai đoạn ngắn hạn, nhìn về chu kỳ trung và dài hạn sắp tới, thị trường Việt Nam cũng như ngành kinh tế tài chính Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức nhất định.
Trước hết là việc cạnh tranh giữa các ngân hàng để giữ chân khách hàng sẽ ngày càng khó hơn. Bên cạnh đó, thị trường của Việt Nam ngày càng mở nên việc tuân thủ các quy định từ cơ quan quản lý ngày càng gắt gao. Ngoài ra, năm 2024 vừa qua, thị trường đã đón nhận một số thông tin tiêu cực về tội phạm tấn công mạng. Đây đều là những vấn đề mà ACB cần tập trung, chú trọng đầu tư.
Chủ tịch Trần Hùng Huy (trái) và Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát (phải) trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 sáng ngày 8/4. (Ảnh: ACB).
Theo góc nhìn của Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát, 3 tháng đầu năm có những yếu tố vừa tích cực vừa không tích cực đang xen nhau. Trong đó, tăng trưởng GDP trong quý I đạt gần 7% và lạm phát được kiểm soát. Đầu tư nước ngoài cũng như các chỉ số còn lại đều ghi nhận kết quả khả quan.
Tuy nhiên, từ đầu quý II thì những yếu tố không tích cực bắt đầu xuất hiện. Thông tin Mỹ áp thuế quan đối ứng đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý thị trường. Tổng Giám đốc ACB cho biết ngay khi có thông tin này, ngân hàng đã tiến hành rà soát lại toàn bộ danh mục khách hàng để đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng.
"Chúng tôi có những nhận định cũng như chuẩn bị cho những hoạt động kinh doanh của ngân hàng ở bất kỳ tình huống nào.Dù trong kịch bản vĩ mô thách thức, chúng tôi vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 16 đến 18%", ông Từ Tiến Phát trả lời cổ đông.
Tổng Giám đốc ACB lý giải thêm, thế mạnh của ACB là khách hàng cá nhân. Nhu cầu tín dụng và đặc biệt là ở nhóm khách hàng cá nhân đã tăng trưởng trở lại khi thị trường bất động sản ở phía Nam bắt đầu khởi sắc sau một thời gian trầm lắng. Đồng thời, nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng tăng trưởng trở lại.
Tính đến hiện tại, ACB đang trong quá trình kết toán số liệu sổ sách, chưa có kết quả kinh doanh quý I chính thức. Tổng Giám đốc cho biết một vài số liệu ước tính: Tăng trưởng tín dụng khoảng hơn 3%, huy động tăng trên 2%, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 20% trên kế hoạch năm là 23.000 tỷ, tương đương khoảng 4.600 tỷ. Đặc biệt, nợ xấu sau giai đoạn tăng trên toàn hệ thống thì đã bắt đầu xu hướng giảm từ 1,39% về 1,34% trong quý I năm nay, chua bao gồm nợ xấu từ CIC.
Lãnh đạo ACB cũng lưu ý rằng đây là kết quả khởi đầu của một quý và còn chặng đường trong ba quý tiếp theo. Nếu chính sách thuế quan từ Mỹ được áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước, tỷ giá, cầu tiêu dùng và nhu cầu tín dụng của toàn hệ thống.