Sau 8 năm hoạt động, chuỗi cửa hàng quần áo thời trang Lep’ thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống. Trên Facebook, nhà sáng lập Nguyễn Ngọc Trâm gửi tâm thư, cho biết bản thân cô “sức cùng lực kiệt”, không còn theo kịp thị trường đang thay đổi chóng mặt hàng ngày.
Cô chia sẻ, có những giai đoạn phải quản lý tới 200 - 300 con người khiến Ngọc Trâm từ “một cô gái mộng mơ dễ thương trở thành một người phụ nữ cau có và cạn kiệt năng lượng”. Do đó, dừng Lep’ cũng là cơ hội cho cô “nghỉ ngơi, để tìm lại bản thân mình, bắt đầu những hành trình mới của một người phụ nữ trưởng thành”.
Trâm nói đây chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng. Bởi “Lep’ giống như một giấc mộng thanh xuân của cô gái 24 tuổi ngày đó, đầy mộng mơ, trong sáng, nhiều nhiệt huyết và đam mê”.
Nhà sáng lập cho biết khoảng thời gian khởi nghiệp với Lep’ đã cho cô nhiều những trải nghiệm mới, mở ra nhiều cơ hội và sự tự tin vào bản thân.
“8 năm cũng có nhiều những giọt nước mắt, những đêm thức trắng, những sự thất bại, sợ hãi, hoang mang, nhiều những bài học khắc cốt ghi tâm. Hành trình có lúc hay, có lúc dở, cũng giống như tuổi trẻ nhiều màu sắc nhiều thất bại mà cũng lắm niềm vui.
Trải qua gần 8 năm hoạt động với đủ mọi thăng trầm, cô gái ấy giờ là người phụ nữ ngoài 30 với 2 em bé nhỏ cần lo toan”, Ngọc Trâm viết trên kênh Facebook.
Ngọc Trâm sinh năm 1993, tốt nghiệp đại học Ngoại Thương. Cô khởi nghiệp Lep’ từ năm 2017. Trong giai đoạn phát triển nhất, có thời điểm hãng thời trang này sở hữu 17 chi nhánh trên toàn quốc.
Có thể nói việc dừng hệ thống Lep’ như chia sẻ là nguyên nhân cá nhân từ người sáng lập, không liên quan đến bối cảnh thị trường. Bởi thực tế, thời gian qua các thương hiệu quần áo may đo của Việt Nam đang ngày được cộng đồng thời trang quốc tế chú ý.
Chẳng hạn, khi Jennie, thành viên nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Blackpink đăng ảnh về bộ sưu tập kính mắt mới, người hâm mộ của cô đã nhanh chóng để ý đến chiếc váy ngắn màu xám cô mặc. Họ đã truy tìm ra chiếc váy ren này đến từ thương hiệu L Seoul tại Việt Nam và gần như đã ồ ạt đổ bộ vào website của thương hiệu này để đặt hàng khiến nó bị tê liệt.
Trên mạng xã hội với hashtag như #Vietnamfashion, #Vietnamesefashion trên Instagram và TikTok thu hút hàng chục nghìn bài đăng ủng hộ và hàng triệu lượt thích.
Sự chú ý từ những người nổi tiếng đã mở đường cho các thương hiệu Việt Nam như Fanci Club, La Lune, Bupbes và L Seoul. Những thiết kế sang trọng, giá cả phải chăng của họ đã được các hot girl trẻ tuổi như Bella Hadid, Doja Cat và Olivia Rodrigo, cũng như các nhóm nhạc K-pop Blackpink và Aespa yêu thích.
Thậm chí thời trang may đo Việt Nam còn được đánh giá là sẽ “sống tốt” trước cơn bão hàng giá rẻ từ các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein.
Trả lời phỏng vấn tờ Rest of World, một sinh viên ngành thời trang tại California cho biết cô đã ngừng mua sắm tại Zara và H&M từ hai năm nay vì những chiếc áo 50 USD bằng polyester của họ "không còn đáng tiền nữa”. Những lựa chọn thay thế rẻ hơn nhiều từ Temu và Shein thậm chí còn tệ hơn, chỉ trụ được qua hai lần giặt.
Sau đó, cô nhanh chóng chìm đắm vào thế giới các thương hiệu thời trang Việt Nam trên mạng xã hội. Theo người tiêu dùng trẻ này, một số thương hiệu Việt Nam nhỏ sử dụng các loại vải tự nhiên như cotton và linen, có độ bền cao hơn, ít ảnh hưởng đến môi trường và có giá cả hợp lý.
Về Lep’, chuỗi này cho biết để kết thúc hành trình 8 năm, họ sẽ triển khai chương trình đồng giá tại toàn bộ các cửa hàng và online, sàn thương mại điện tử với mức giá từ 199.000 đồng tới 499.000 đồng. Đồng thời khuyến cáo khách hàng dùng hết điểm tích luỹ trong tháng 11 - trước thời điểm đóng cửa hoàn toàn vào ngày 30/11.
Bitcoin tăng giá mạnh những tuần qua khiến lượt tìm kiếm về tiền số này trên Google cao đột biến.
Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường cho biết nhiều hồ sơ đất đai nộp trước ngày 31/10 nhưng vẫn bị tính thuế theo bảng giá điều chỉnh, tạo ra bất cập.
FPT muốn tham gia phát triển phần mềm, nền tảng AI hoạt động trên những chiếc ô tô.
Hơn 2.400 căn nhà xã hội ở huyện Yên Dũng dự kiến cho thuê từ 2,7 triệu đồng với căn diện tích gần 30 m2.