18/04/2025 12:25

ĐHĐCĐ VietinBank: Dự kiến tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu trong 3 năm tới

VietinBank ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đến 15/4 đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2024. Dự kiến sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu trong 3 năm tiếp theo.

 Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VietinBank. (Ảnh: H.T).

Sáng nay (18/4), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 với nhiều vấn đề quan trọng như: báo cáo kết quả hoạt động 2024, kế hoạch kinh doanh 2025; phương án phân phối lợi nhuận; tăng vốn điều lệ; miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT; bầu bổ sung Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024- 2029;...

Dự kiến cắt giảm hàng trăm điểm giao dịch

Chia sẻ tại đại hội, lãnh đạo VietinBank cho biết trong bối cảnh biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, VietinBank đã ghi nhận được những kết quả kinh doanh tích cực. Đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hết sức khó khăn, ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng 16,8%, cao hơn trung bình ngành.

Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết lợi nhuận trước thuế quý I của VietinBank ước tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024 (ước 6.582 tỷ hợp nhất - PV).

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý I ở mức 1,3% và trong số các khoản nợ xấu có một món nợ lớn và ngân hàng đang xử lý, dự kiến quý II sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu giảm dưới 1,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối 2024 ở mức 171,7% cải thiện hơn mức 167,2%  năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục được đẩy lên cao hướng tới trên 200%. 

Với các chiến lược của năm 2025, Chủ tịch VietinBank tin rằng trong tình huống xấu nhất ngân hàng vẫn sẽ thực hiện được kế hoạch tăng trưởng năm 2025.

Tiết lộ thêm về chiến lược tinh gọn đang được ngân hàng triển khai, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết VietinBank sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm ngân hàng có vốn lớn nhà nước (Big4) thực hiện cắt giảm hệ thống giao dịch.

"Dự kiến VietinBank sẽ cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng ứng dụng nền tảng số nhằm nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng", Chủ tịch chia sẻ.

Trong năm 2025, HĐQT VietinBank đề xuất một số chỉ tiêu như tổng tài sản tăng trưởng từ 5 đến 10%, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 1,8%.

Các chỉ tiêu về dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế, cổ tức và tỷ lệ an toàn hoạt động theo phê duyệt của NHNN hoặc các cơ quan có thẩm quyền. Nguồn vốn huy động dự kiến tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản.

Kế hoạch kinh doanh ngân hàng VietinBank năm 2025 (Nguồn: Công bố thông tin)

Trao đổi thêm về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết với định hướng tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025 thì con số hạn mức tăng trưởng VietinBank được giao năm 2025 là 16%. "Chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy chỉ tiêu này cao hơn 16%", ông Bình nói.

Ông cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu mục tiêu đặt ra là dưới 1,8% nhưng với tiến trình xử lý nợ xấu như hiện tại chắc chắn con số này sẽ thấp hơn rất nhiều. 

Về lợi nhuận trước thuế riêng lẻ, ngân hàng sẽ phấn đấu là năm tiếp theo duy trì chênh lệch lợi nhuận - chi phí trước trích lập sẽ là cao nhất từ trước tới nay. Ông cho biết trong năm 2024 VietinBank đã trích lập tới 27.600 tỷ đồng dự phòng rủi ro, nhưng năm nay con số này dự kiến sẽ cao hơn tương đối.

"Chúng tôi trích lập ở mức thận trọng nhất. Nhiều khoản theo tiêu chuẩn của các ngân hàng khác có thể chưa cần trích lập nhưng chúng tôi đã trích lập, đó là lý do khiến số dự phòng trích lập của VietinBank lại lớn như vậy", ông chia sẻ.

 Chủ tịch Trần Minh Bình chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông. (Ảnh: H.T).

Dùng toàn bộ lợi nhuận để trả cổ tức

Tại đại hội, ngân hàng trình tới các cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức giai đoạn năm 2009 - 2016 nhằm tăng vốn điều lệ từ 53.700 tỷ lên 77.671 tỷ đồng, tương ứng tăng 44,6%

Theo đó, VietinBank dự kiến phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận giữ lại các năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009 - 2016.

Đại hội đồng cổ đông sẽ uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Toàn bộ số vốn tăng thêm sẽ được dùng để phục vụ kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và mở rộng hoạt động tín dụng, đầu tư, các hoạt động kinh doanh khác.

Phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của VietinBank (Nguồn: Công bố thông tin)

 

Trước đó, ngân hàng còn kế hoạch tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2023 (12.565 tỷ) và năm 2024 (gần 15.600 tỷ). Nếu được chấp thuận và triển khai xong tất cả các kế hoạch nêu trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên hơn 105.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2024, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank đạt 24.259 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là gần 15.597 tỷ đồng. Mức chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ cần sự phê duyệt cơ Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, dự kiến sẽ là 15.597 tỷ đồng.

VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của VietinBank, Ngân hàng Nhà nước hiện là cổ đông lớn nhất nắm 54,46% vốn; cổ đông ngoại MUFG Bank Ltd. nắm giữ 19,73% vốn.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết đây là phương án tối ưu để đảm bảo an toàn vốn và lợi ích cổ đông dài hạn, trong bối cảnh cổ phiếu CTG có thanh khoản tốt và tiềm năng tăng giá vẫn còn lớn.

Bầu bổ sung một thành viên HĐQT, 4 thành viên Ban Kiểm soát

Đại hội lần này của VietinBank cũng thực hiện các nội dung như miễn nhiệm và bầu mới một thành viên HĐQT và 4 thành viên cho Ban Kiểm soát.

Theo đó, ngân hàng trình phương án miễn nhiệm với ông Nguyễn Đức Thành để bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc VietinBank. Thay vào vị trí TVQT này là ông Nguyễn Vân Anh, Cục trưởng thuộc NHNN.

 Nguồn: Tài liệu đại hội thường niên 2025 của  VietinBank.

Ngoài những nội dung trên, ĐHĐCĐ của VietinBank dự kiến cũng sẽ xem xét các vấn đề như mức thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát (tối đa 0,25% lợi nhuận sau thuế của năm 2025); niêm yết phát hành trái phiếu ra công chúng,...

THẢO LUẬN:

- VietinBank đánh giá thế nào về tác động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Mỹ, đến hoạt động ngân hàng trong năm 2025? Ngân hàng sẽ có kế hoạch ứng phó như thế nào?

Chủ tịch Trần Minh Bình: VietinBank có Hội đồng cổ vấn kinh tế đều là những cố vấn kinh tế hàng đầu, giúp ngân hàng nhìn nhận kinh tế vĩ mô, tác động tới các ngành ntn trong đó có ngành ngân hàng.

Dù nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn từ chính sách thuế của Mỹ, VietinBank chưa đưa yếu tố này vào mô hình kinh doanh năm 2025, vì hiện tại rất khó định lượng cụ thể mức độ tác động. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính đến các kịch bản bất lợi và có phương án chủ động. Do đó, kịch bản kinh doanh của ngân hàng về cơ bản không thay đổi nhiều, ngay cả khi có biến động kinh tế toàn cầu.

Chúng tôi đang theo dõi rất sát các diễn biến đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và sẵn sàng có những điều chỉnh cụ thể hơn khi có thông tin rõ ràng hơn.

Về tăng trưởng tín dụng, năm 2025 sẽ khó khăn hơn so với 2024 do mức độ hấp thụ tín dụng trong những tháng đầu năm chưa cao. Tuy nhiên, điều này cũng phù hợp với quy luật của quý I hằng năm. Dù vậy, VietinBank vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định, hiện khoảng 5%, tăng trưởng heo hướng bền vững, tăng đều qua các tháng tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

Nền kinh tế sẽ có nhiều ảnh hưởng từ chính sách thuế mới nhưng có thể nhìn thấy được những tín hiệu tích cực từtăng trưởng đầu tư công. VietinBank đang bám sát và chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công lớn, kể cả của các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Ngay trong 2024, chúng tôi đã đi nước ngoài để gặp gỡ các đối tác.Cơ bản là chúng tôi sẽ tiếp cận các dự án và sẵn sàngcung cấp vốn và dịch vụ cho các dự án này.

Đánh giá tác động của thuế đối ứng, chúng tôi đã họp toàn ngân hàng để đưa ra kế hoạch tiếp tục giữ mức tăng trưởng. Đánh giá tác động trong ngắn hạn là không lớn, là cơ sở để các mục tiêu kế hoạch năm.

"Chúng tôi cam kết KQKD năm 2025 của VietinBank sẽ là rất ấn tượng so với năm 2024".

-Vì sao ngân hàng không ấn định việc chia cổ tức? Tại sao không chia cổ tức bằng tiền mặt?

Chủ tịch Trần Minh Bình: Vốn điều lệ của VietinBank là rất nhỏ, kể cả có tăng vốn thêm 45% thì vẫn nhỏ so với nhu cầu tăng trưởng. Do đó để đảm bảo an toàn vốn và tăng trưởng, ngân hàng cần tăng vốn điều lệ. Hiện VietinBank chưa có mục tiêu dài hạn về chia cổ tức, tuy nhiên trong trung hạn là 3 năm, chúng tôi hướng tới chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

VietinBank không chủ động việc này được vì còn phụ thuộc vào ý kiến của các bộ ngành chủ quản.

Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Mạnh Trung: Về chính sách cổ tức, mọi quyết định, từ tỷ lệ cho tới hình thức chia - tiền mặt hay cổ phiếu - đều phải chờ ý kiến của các bộ chủ quản, cổ đông lớn, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước. Cho nên trong các kỳ ĐHĐCĐ, quý vị có thể thấy rất rõ rằng dù lợi nhuận có cao, thì việc chia thế nào vẫn phải chờ phê duyệt.

Năm 2025, chúng tôi chưa có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, mà sẽ tăng vốn bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Lý do là ngành ngân hàng hiện rất cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel 2, hướng đến Basel 3. Trong bối cảnh như vậy, giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là điều phù hợp và cần thiết.

Lãi hơn 9.400 tỷ trong quý I

- Xin ban lãnh đạo chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh năm 2025 và kết quả kinh doanh của ngân hàng đến thời điểm hiện tại?

Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Mạnh Trung: Hiện NHNN đang phân bổ hạn mức tín dụng cho VietinBank khoảng 15%. Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt thì mức tăng trưởng có thể trên 16%. Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng.

Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 1,8%, phấn đấu trong khoảng 1,2% - 1,5%. Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến 20.000-25.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 150 - 200%. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sẽ cố gắng duy trì mức 25% như năm 2024 - điều này là một nỗ lực lớn trong bối cảnh hiện tại.

Chúng tôi cũng đặt mục tiêu ROE đạt 16-18% (để duy trì con số này là một nỗ lực rất lớn - Chủ tịch Trần Minh Bình), ROA trên 1%, CIR duy trì quanh 30%, chi phí tín dụng kiểm soát dưới 2% - với giả định nền kinh tế không có biến động mạnh.

Về tình hình thực hiện đến ngày 15/4/2025, tổng tài sản VietinBank đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%. Huy động vốn riêng lẻ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Nợ xấu theo Thông tư 31 hiện ở mức 1,36%-1,46%, còn theo cách tính thông thường là 1,66%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2024.

 - Dự kiến NIM trong năm 2025 là bao nhiêu, làm sao để cải thiện NIM?

Ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT: Năm 2025, tôi cho rằng tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều, khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và các biến động toàn cầu gia tăng. Áp lực điều hành với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, VietinBank sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của cơ quan điều hành để giữ vững mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất huy động từ năm ngoái đã tăng nhẹ và hiện vẫn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhờ định hướng kịp thời và quyết liệt từ NHNN, đến nay mặt bằng lãi suất vẫn được kiểm soát.Chúng tôi sẽ cổ gắng giữ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Về NIM (tỷ lệ biên sinh lời), đây là một trong những chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả hoạt động, bên cạnh nhiều chỉ số khác. Trong quý IV/2024, NIM hợp nhất của VietinBank đạt 2,92%, tăng nhẹ so với cùng kỳ và cao hơn mức bình quân cả năm 2023. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của năm 2025, chi phí vốn tăng nhẹ trong khi ngân hàng vẫn phải hỗ trợ theo định hướng của Chình phủ, chắc chắn NIM sẽ bị ảnh hưởng.

Để cải thiện NIM, chúng tôi sẽ kiểm soát chi phí vốn thông qua việc ứng dụng công nghệ, thu hút tệp khách hàng có tiềm năng cao, các dự án tăng hiệu suất sinh lời tài sản, tăng hiệu quả bán chéo, điều hành cân đối vốn hài hoà phù hợp và đặc biệt kiểm soát tốt chất lượng tài sản vì phần trích lập là rất lớn

- VietinBank đánh giá thế nào về nợ xấu, nợ tiềm ẩn trong năm 2025 trước tác động từ việc Mỹ áp thuế đối ứng. Kịch bản nợ xấu và trích lập dự phòng năm 2025?

Đại diện VietinBank: Hiện tại xu hướng chung là nợ xấu, nợ tiềm ẩn có xu hướng tăng nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng ở kịch bản lạc quan làcác nền kinh tế lớn sẽ đạt được thoả thuận kinh tế thì sẽ không có sự tăng đột biến.

Năm 2025, chúng tôi sẽ đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8% và cố gắng nỗ lực kiểm soát ở mức khoảng 1,2 - 1,3%.Vietinbank luôn chủ động kiểm soát chất lượng tài sản, với mức trích lập dự phòng rất lớn, 27.600 tỷ trong năm ngoái thể hiện sự chủ động và cũng là tiềm năng sinh lời trong tương lai.

Thu hồi nợ ngoại bảng là một trụ cột quan trọng tạo ra lợi nhuận hàng năm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất. Năm vừa qua, chúng tôi thu hồi xử lý rủi ro khoảng 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng năm nay đạt khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng. 

Chủ tịch Trần Minh Bình: Về quản trị rủi ro tín dụng, chúng tôi có khẩu vị tín dụng rất chặt chẽ. Chúng tôi phân tích từng ngành, xem xét kỹ lưỡng dựa vào rất nhiều thông tin để hoạch định danh mục cấp tín dụng phù hợp.

Chúng tôi có hệ thống nhận diện rủi ro và sẽ tiến tới áp dụng một hệ thống gần như tự động. Khi có những phát hiện đột biến, hệ thống sẽ sớm cảnh báo để chúng tôi cơ cấu lại hoặc chuyển nợ xấu sớm nhất có thể.

Về chuyển đổi số và định hướng tăng trưởng mới, chúng tôi có 4 động lực tăng trưởng, trong đó chuyển đổi số là một trong những động lực quan trọng.

Chúng tôi đang muốn thay đổi mô hình tăng trưởng của ngân hàng vì đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Trên thực tế thì hiệu quả tín dụng đang giảm dần theo thời gian.

Theo đó, chúng tôi hướng đến mục tiêu tín dụng chỉ nên mang lại 50% đóng góp trong kết quả kinh doanh của ngân hàng. Còn 50% còn lại đến từ hệ sinh thái – bao gồm công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quản lý quỹ… và các hoạt động thu phí khác. Trong ngân hàng thì tín dụng mang về 50% lợi nhuận còn lại là thu ngoài lãi.

Đại hội thông qua tất cả tờ trình. 

H.T
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO