Tài chính Doanh nghiệp 25/04/2024 15:25

CEO Vinamilk: Đang trong thời điểm lý tưởng để thay đổi và tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới

Bà Mai Kiều Liên khẳng định: "Vinamilk đang trong thời điểm lý tưởng để thay đổi và tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới, vượt qua các thách thức trước mắt và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng một cách hiệu quả nhất".

Chiều 25/5, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên theo hình thức trực tuyến.

Tính tới 13h30, tổng số cổ phần các cổ đông tham dự đại hội là 1,68 tỷ cổ phiếu, đại diện cho 80,72% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tính tới 14h40, đại diện Vinamilk thông tin có trên 1.200 cổ đông tham dự họp trực tuyến.

 Ảnh chụp màn hình buổi họp.

Năm nay, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu 63.163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.376 tỷ; tăng lần lượt 4,4% và 4% so với thực hiện năm 2023. Đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục của doanh nghiệp nếu đạt được. 

    Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất và kế hoạch 2024.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất và kế hoạch 2024.

Trong thông điệp gửi cổ đông ở báo cáo thường niên 2023, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc nhận định: "Năm 2024, với kỳ vọng tình hình vĩ mô sẽ cải thiện, chúng tôi dự kiến doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục phục hồi thị phần và doanh số bán hàng một cách bền vững và có lợi nhuận. Đó là lý do chúng tôi sẽ duy trì sự tập trung vào các giải pháp tối ưu vận hành để có thêm ngân sách phục vụ phát triển thị trường và củng cố sức mạnh thương hiệu".

Nói về 2023, bà Mai Kiều Liên chia sẻ với cổ đông: “Năm 2023 phản ánh những gam màu trái ngược. Một mặt sức tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng nhanh đã suy giảm đáng kể. Tăng trưởng âm trong 6 tháng cuối năm do thách từ kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Mặt khác, chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch đã ổn định trở lại giúp chúng ta kiểm soát các chi phí sản xuất hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đó, Vinamilk đã tận dụng mọi lợi thế để hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh”.

 Ảnh chụp màn hình.

Tổng Giám đốc Vinamilk nói thêm: "Tôi tin rằng Vinamilk đang trong thời điểm lý tưởng để thay đổi và tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới, vượt qua các thách thức trước mắt và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng một cách hiệu quả nhất".

Dự kiến duy trì cổ tức 3.850 đồng/cp trong 2024

Về phương án phân phối lợi nhuận, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đã phê duyệt kế hoạch chi cổ tức bằng tiền năm 2023 là tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty. 

Căn cứ vào Nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT đã thực hiện tạm ứng cổ tức hai đợt và sắp thanh toán đợt ba vào ngày 26/4. Tổng tỷ lệ tạm ứng của ba đợt là 29% bằng tiền (2.900 đồng/cp).

Căn cứ theo kết quả kinh doanh năm 2023, HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt cổ tức đợt cuối năm 2023 với tỷ lệ 9,5%, tương đương 950 đồng/cp.

Giao HĐQT quyết định ngày chốt danh sách/ngày đăng ký cuối cùng và ngày chi trả, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày 25/4.

Như vậy, tổng cổ tức là của năm tài chính 2023 là 38,5% mệnh giá, tương đương 8.046 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức là 91% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty.

Năm 2024, Vinamilk đề xuất tổng mức cổ tức là 38,5% mệnh giá, tương đương 3.850 đồng/cp. Nguồn chi trả là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của báo cáo tài chính quý hợp nhất gần nhất so với ngày đăng ký cuối cùng của từng đợt tạm ứng.

Ngoài ra, trong buổi họp này, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt tổng thù lao và các lợi ích năm 2024 cho HĐQT là 25 tỷ đồng với cơ cấu 11 thành viên. Thù lao và các lợi ích cho HĐQT sẽ được tính và chi trả tương ứng với số lượng thành viên thực.

Thảo luận

Hiện tại công ty đã đưa ra thị trường một số sản phẩm chất lượng, giá cao như sữa tươi organic. Công ty có thể chia sẻ mức độ tiếp nhận của thị trường đối với dòng sản phẩm cao cấp này. Mức độ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm cao cấp ra sao?

Tổng Giám đốc: Sản phẩm organic, Vinamilk đã ra mắt được khoảng 3-4 năm, sản phẩm nó rất cao cấp, đáp ứng theo tiêu chuẩn thế giới, cao nhất từ chăn nuôi cho tới khi ra giá sản phẩm. Do đó, giá thành cao. Mức sống của người Việt Nam hiện nay vẫn có một bộ phận người tiêu dùng chấp nhận nên Vinamilk vẫn tiếp tục duy trì sản phẩm sữa organic trong vài năm nay, tuy rằng tốc độ tăng trưởng không cao. Hi vọng, thời gian tới sức mua tăng thì sản phẩm này sẽ tiêu thụ mạnh hơn.

Công ty có tiếp tục dự án nhà máy sữa Hưng Yên không? Nếu có thì tiến độ như thế nào?

Tổng Giám đốc: Vinamilk vẫn tiếp tục triển khai. Đã hoàn thành xong phần san lấp mặt bằng. Vừa qua mới đăng ký lại quyền sử dụng đất. Tỉnh cho cấp 20 năm nhưng Vinamilk yêu cầu 50 năm, do đó mất mấy tháng để chuyển lại giấy phép đầu tư. Trong tháng 6, 7 chúng tôi sẽ khởi công.

Liên doanh tại Philippines, trong hai năm gần đây (2022, 2023), kết quả của liên doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo ra sao về thị trường Philippines?

Tổng Giám đốc: Đúng là rất khó khăn. Vinamilk bắt đầu từ năm 2019, nhưng sau đó COVID nên ba năm liền không triển khai được. Tới 2022 - 2023 mới bắt đầu được nhưng những khó khăn này chúng tôi cho rằng là tất yếu. Chúng ta bước vào thị trường mới, sản phẩm mới song với nỗ lực của liên doanh, chúng tôi kỳ vọng trong năm thứ ba, thứ 4 thì kết quả sẽ khả quan hơn. 

Chiến lược những năm tới để phát triển thị trường Trung Đông và Trung Quốc.

Tổng Giám đốc: Về phát triển thị trường Trung Đông và Trung Quốc cũng nằm trong chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu của Vinamilk nhiều năm nay. Tới nay, Vinamilk đã xuất khẩu hơn 60 nước.

Đối với Trung Quốc, Vinamilk mới bước vào thị trường này. Chúng ta đưa ra sản phẩm tương đối độc đáo vào thị trường tỷ dân này.

Ở Trung Đông thì cũng có nhiều nước Vinamilk xuất khẩu. Sản phẩm sữa bột trẻ em xuất được nhiều nước so với một, hai thị trường ban đầu. Chiến lược của Vinamilk là đi song song, vừa nội địa vừa xuất khẩu, “đi hai chân”. Hết 4 tháng của 2024, xuất khẩu của Vinamilk đã tăng trưởng 14%. 

Những năm tới công ty có tiếp tục duy trì chính sách cổ tức tiền mặt hay không?

Tổng Giám đốc: Chúng tôi cam kết duy trì. Công ty đã cân đối giữa đầu tư phát triển và cổ tức để đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Trong những năm tới, Vinamilk sẽ tiếp tục duy trì cổ tức tiền mặt.

Công ty có dự định tăng cổ tức tiền mặt các năm trước không?

Tổng Giám đốc: Về cổ tức, tôi nghĩ không tăng được thêm. Tỷ lệ cổ tức mấy năm nay đều cao, chiếm 91% lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế làm được thì chia cổ tức hết rồi. Nếu có thêm thì thêm 9% lên 100%, không còn khả năng tăng nữa.

6 năm qua, doanh thu thuần quanh mức 60.000 tỷ, lợi nhuận quanh mốc 9.000 - 10.000 tỷ, liệu mức hấp thụ sữa của người Việt đã bão hoà chưa?

Tổng Giám đốc: 6 năm qua, doanh thu ngành sữa có tăng trưởng nhưng chậm. Chúng ta đã mất hai năm COVID, tới 2019 vẫn tăng trưởng tốt. Song từ 2020 tới giờ, ảnh hưởng không chỉ COVID mà còn từ vấn đề của trong nước và nước ngoài. 

Sức mua của ngành sữa tăng trưởng âm hai năm qua và năm nay vẫn tiếp tục. Đây là vấn đề khách quan. 

Ở mặt chủ quan, mỗi doanh nghiệp sẽ có hướng đi để làm sao phục hồi được thị phần và tiếp tục tăng trưởng. Mục tiêu của Vinamilk gồm tăng trưởng doanh thu, thị phần.

Kết quả kinh doanh quý I ra sao?

Tổng Giám đốc: Quý I/2024, tổng doanh thu hợp nhất tăng 1,2%, lợi nhuận trước thuế tăng 17% và lợi nhuận sau thuế tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Riêng Vinamilk tổng doanh thu tăng 2,3%, lợi nhuận sau thuế tăng 15,4%.

Tỷ trọng xuất khẩu dự kiến đóng góp bao nhiêu?

Tổng Giám đốc: Tỷ trọng xuất khẩu đóng góp bao nhiêu sẽ theo tốc độ tăng trưởng nội địa. Khi thị trường thế giới và trong nước ổn định, cũng có năm thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn. Như năm nay, xuất khẩu tăng trưởng 4 tháng tới 14% trong khi nội địa thì chỉ tăng 5%.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Tiến độ các dự án lớn như Vinabeef, Thiên đường Sữa Mộc Châu,...ra sao?

Tổng Giám đốc: Tới quý IV năm nay thì nhà máy, trang trại của Vinabeef sẽ đi vào hoạt động và sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường. 

Còn dự án Thiên đường Sữa Mộc Châu thì chậm hơn vì liên quan tới vấn đề đất đai. Về nguồn lực tài chính và con người, Vinamilk đã sẵn sàng hết rồi.

Nhà máy sữa Hưng Yên thì đã đề cập ở trên. 

Hai công ty trong ngành là IDP và Mộc Châu Milk vẫn tăng trưởng doanh thu nội địa, trong khi Vinamilk gần như đi ngang năm 2023 Liệu có phải đang có một xu hướng chuyển đổi sữa không khi IDP và Mộc Châu sở hữu danh mục sản phẩm sữa nước và sữa chua còn danh mục của Vinamilk đa dạng hơn? Vinamilk có kế hoạch nào để cải thiện không?

Tổng Giám đốc: Sản phẩm của Vinamilk khác đối thủ khi Vinamilk sở hữu tất cả các sản phẩm của ngành hàng sữa trong khi đối thủ chỉ có vài sản phẩm. Thị trường sữa có những năm tăng trưởng mặt hàng này nhưng lại giảm mặt hàng khác. 

Lý do năm 2023 doanh thu đi ngang chủ yếu ở sản phẩm sữa bột trẻ em. Tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm hai năm nay. Bên cạnh đó, chính sách bảo vệ phụ nữ cho nên nghỉ sinh 6 tháng thay vì 2 hoặc 4 tháng như ngày xưa nên khuyến khích các bà mẹ bú sữa mẹ. Do đó, nhu cầu sử dụng sữa bột giảm hẳn. Thị trường sữa bột ở Việt Nam năm 2023 suy giảm 20% trong khi Vinamilk giảm 10%. 

Kết quả về chiến lược tái định vị thương hiệu?

Tổng Giám đốc: Ban đầu, Vinamilk tập trung tái định vị vào ngành hàng sữa nước. Bắt đầy thay đổi bao bì phổ biến từ cuối quý III và đầu quý IV sau khi sử dụng hết bao bì cũ. 

Thị phần ngành hàng sữa nước sau 5 tháng tái định vị đã tăng 2,8% so với 7 tháng đầu năm 2023. 

Trong quý II sẽ thay đổi toàn bộ nhận diện ngành hàng sữa chua (gồm loại ăn và uống) và chuẩn bị quý III sẽ tái định vị sản phẩm sữa bột trẻ em. Việc tái định vị không chỉ thay bao bì mà Vinamilk còn tái định vị luôn là nên có dòng sản phẩm nào, nên gộp sản phẩm nào với nhau, giảm bớt danh mục để tập trung bán hàng và tập trung vào các đối tượng hiệu quả.

Lý do vì sao Vinamilk lại thận trọng trong các thương vụ M&A kể từ sau thương vụ với Mộc Châu Milk?

Tổng Giám đốc: Vinamilk rất thận trọng. Khi M&A phải có hiệu quả mới làm. 

Có rất nhiều đối tác, công ty tài chính giới thiệu thương vụ M&A ở nước ngoài. Vinamilk vẫn đang nghiên cứu và sẽ công bố khi có thông tin.

Đánh giá về sức mua nửa cuối năm nay ra sao?

Tổng Giám đốc: Sức mua quý I/2024, theo thống kê của Nielsel, thị trường sữa Việt Nam tăng trưởng âm 2,8%. Riêng sức mua sữa bột trẻ em quý I vẫn tiếp tục giảm 20%.

Đối với Vinamilk vẫn tăng trưởng 5% doanh số. Dù sức mua giảm song quan trọng chúng ta phải tập trung vào ngành hàng để cải thiện doanh thu.

Các ngành hàng tăng trưởng mạnh tới hai chữ số như sữa hạt, sữa chua, sữa chua uống, sữa đặc có đường.

Dự báo tăng trưởng cho ngành sữa trong 3-5 năm tới và mục tiêu của Vinamilk ra sao? 

Tổng Giám đốc: 5 năm tới, Vinamilk vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 5-10% tuỳ tình hình.

Với tình hình sức mua như hiện nay, Vinamilk có dự kiến tăng tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu để đẩy nhanh tiến độ bán hàng hay không?

Tổng Giám đốc: Có những lúc chúng ta cần tăng có lúc không, tuỳ chiến lược của mỗi công ty, ngành hàng và đối tượng khác nhau. Tỷ lệ chi phí bán hàng của 2024 cũng như các năm trước dự kiến dao động 20-21% trên tổng doanh thu.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Mục tiêu cho từng sản phẩm trong 5 năm tới và kỳ vọng biên lợi nhuận gộp như thế nào?

Tổng Giám đốc: Vinamilk có chiến lược cho từng sản phẩm. Nếu tập trung vào sản phẩm có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao thì sẽ cải thiện được biên lợi nhuận gộp. 

Công ty có chính sách mua cổ phiếu quỹ không?

Tổng Giám đốc: Công ty không có chính sách mua cổ phiếu quỹ. 

Năm nay, công ty có dự kiến tăng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không?

Tổng Giám đốc: Ở Vinamilk, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Nếu không quản lý chặt thì sẽ không có tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu cao như hiện nay, đứng số 1 ngành sữa.

Vinamilk đang trong chiến lược 5 năm chuyển đổi số, nếu có chi phí tăng thêm thì sẽ tập trung vào chi phí chuyển đổi số. Khi tập trung tiền chuyển đổi số thì bên hoạch định chiến lược cũng phải chứng minh được nếu chi 1 đồng thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu, mang lại hiệu quả ra sao. Vinamilk đang tập trung tuyển người cho hoạch định chiến lược, lực lượng trẻ có kiến thức.

Lợi nhuận năm 2023 và 2024 cũng một phần từ cách quản lý có hiệu quả chi phí của công ty. 

Cập nhật về việc tái cấu trúc của công ty, việc này sẽ giúp công ty cải thiện những gì?

Tổng Giám đốc: Vinamilk có chiến lược tái cấu trúc 5 năm, tập trung chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, cung ứng, chăn nuôi, bán hàng, marketing, kế toán - quản trị, nhân sự... Những cái chúng ta làm được sẽ thể hiện trong hai năm đầu tiên. Công ty sẽ cố gắng hoàn tất tái định vị trong năm 2024. 

Công ty đánh giá như thế nào về giá cổ phiếu VNM hiện tại và vị thế của doanh nghiệp?

Tổng Giám đốc: Tôi chẳng bao giờ để ý giá cổ phiếu. Tôi có quá nhiều việc nên không có thời gian để ý giá cổ phiếu lên hay xuống. Giá cổ phiếu ở thị trường Việt Nam có nhiều tác động. Vinamilk chỉ có gắng sản xuất kinh doanh tốt, đảm bảo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và cổ tức. Việc thị trường kỳ vọng ra sao nằm ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo Vinamilk. 

Vinamilk có kế hoạch gì khi nhà máy Dielac giải toả?

Tổng Giám đốc: Đây là nhà máy lâu đời, từ năm 1987. Chúng tôi đang làm việc với tỉnh để xem kế hoạch di dời ra sao. Vinamilk cũng có nhà máy rất hiện đại, đi vào hoạt động từ 2013 với công suất gấp rất nhiều lần Dielac. Phần ảnh hưởng của việc di dời sẽ cần phải bàn bạc cụ thể với tỉnh. 

Công ty có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng trong năm tới không?

Tổng Giám đốc: Chúng tôi ghi nhận nhu cầu muốn chia cổ phiếu thưởng của các cổ đông. Sau này, HĐQT sẽ bàn cụ thể và quyết định rồi công bố cổ đông.

Công ty có dự định phát hành ESOP hay không?

Tổng Giám đốc: Chúng tôi không có ý định phát hành ESOP cho cán bộ công nhân viên. 

Công ty có kế hoạch cải thiện nguồn nguyên liệu nhập khẩu để cải thiện giá thành hay không?

Tổng Giám đốc: Vinamilk từ năm 1990 đã thực hiện cuộc "cách mạng trắng" là chăn nuôi bò sữa để giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ. Việc này vẫn tiếp diễn cho tới bây giờ và các năm tiếp theo.

Từ vài ngàn tấn trong một năm thì hiện giờ Vinamilk cùng Mộc Châu Milk đã cung cấp hơn 1 triệu lít/ngày tức 360.000 tấn. Do đó, đã thay thế một lượng lớn sữa bột nhập khẩu. 

Tại sao mục tiêu lợi nhuận năm 2024 chỉ tăng 4% trong khi dự báo doanh thu tăng tốt và giá sữa đang ở mức thấp?

Tổng Giám đốc: Lợi nhuận trước thuế Vinamilk dự kiến tăng 5%, bằng mức tăng doanh thu. Còn lợi nhuận sau thuế còn phụ thuộc vào việc ưu đãi của nhà nước ở từng vùng miền nên thấp hơn mức tăng của lợi nhuận trước thuế. Ban điều hành cũng bàn bạc rất kĩ và thảo luận với HĐQT.

Sức mua của sữa vẫn còn đang giảm. Đây mới là kế hoạch, nếu chúng ta làm tốt thì sẽ cố gắng vượt kế hoạch. 

Hiện tại, khu vực nào đang bán hàng tốt hơn, thành thị hay nông thôn?

Tổng Giám đốc: Doanh số bán sữa của Vinamilk đều hết khắp nơi, kể cả thành thị hay nông thôn, trên 64 tỉnh thành và 400 thành phố với 240.000 điểm bán lẻ. Sản phẩm của Vinamilk từ phổ thông tới cao cấp nên nông thôn hay thành thị đều có. 

Khu vực Trung Đông có biến động về địa chính trị sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc xuất khẩu và chi phí vận chuyển của Vinamilk vào khu vực này?

Tổng Giám đốc: Hiện giá thành vận chuyển hơi cao nhưng không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận xuất khẩu. Trong 4 tháng, doanh thu xuất khẩu tăng tới 14%. 

Chia sẻ kế hoạch kinh doanh của mảng bò thịt với Sojit, kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận trong ba năm tới?

Tổng Giám đốc: Nếu sản xuất ổn định có thể đạt doanh thu 3.000 tỷ/năm.

Kế hoạch CAPEX trong 2024 và 2025 ra sao?

Tổng Giám đốc: CAPEX trong 2024 khoảng 4.200 tỷ và tới 2025 khoảng 6.000 tỷ.

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua. 

Hoàng Kiều
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 04/05/2024 20:05
Tỷ phú Trần Bá Dương liệu có 'buông' HAGL Agrico?

Người đứng đầu HAGL Agrico khẳng định vẫn quyết tâm thực hiện dự án nông nghiệp quy mô lớn bởi đã đổ quá nhiều tiền, nếu có rủi ro gì xảy ra thì bản thân mới là người mất nhiều nhất.

Tài chính Doanh nghiệp 04/05/2024 10:25
Tỷ phú Trần Bá Dương: Thaco vẫn đánh cược rất lớn vào nông nghiệp và HAGL Agrico

Công ty nông nghiệp tiếp tục đặt kế hoạch lỗ năm thứ 4 liên tiếp, nhưng đã giảm mạnh mức lỗ về còn khoảng 120 tỷ đồng. Công ty dự kiến đến 2028 sẽ có lãi 2.450 tỷ đồng.

Tài chính Doanh nghiệp 04/05/2024 10:07
Chủ đầu tư đầu tiên của tòa Saigon One Tower bị cưỡng chế thuế

Nợ quá hạn gần 30 tỷ đồng tiền thuế, chủ đầu tư ban đầu của tòa nhà Saigon One Tower bị cơ quan thuế cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn.

Tài chính Doanh nghiệp 03/05/2024 22:15
Ông Lê Bá Thọ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cadivi

Theo thông tin vừa công bố, kể từ 3/5/2024, ông Lê Bá Thọ sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi).

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO