Trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra ngày 19/2, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
Theo quy định mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm 14 loại văn bản pháp luật và không còn hai loại văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã là Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND cấp xã.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4.
Ngày 7/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030.
Theo Nghị quyết, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 được quy định như sau: dự án đầu tư công khẩn cấp; chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; Hoàn trả vốn ứng trước; dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn.
Tiếp đó đến các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, bao gồm cả vốn đối ứng; đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo quy định; bồi thường, chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước hạn được cấp có thẩm quyền quyết định, chi trả phần giảm doanh thu các dự án PPP thuộc trách nhiệm của Nhà nước, thanh toán theo hợp đồng dự án BT bằng tiền.
Dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (vốn bố trí cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2026 - 2030, vốn bố trí cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2031 - 2035).
Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1/1/2015 (nếu có); cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng.
Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; Dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Đầu tư công.
Nghị quyết số 70 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 171 thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Trong đó, Nghị quyết 171 nêu rõ, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm nếu đáp ứng một số điều kiện.
Các điều kiện gồm: Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt; Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do HĐND cấp tỉnh thông qua.
Có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thí điểm đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất và dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất; Tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Riêng trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án thí điểm thì phải đáp ứng các điều kiện trên và có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng đối với đất quốc phòng, Bộ Công an đối với đất an ninh.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4.
Ngày 31/12/2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 61 về bảo lãnh ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/4 và sẽ thay thế Thông tư 11 ngày 30/9/2022 hiện hành.
Theo quy định tại Thông tư 61, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi đủ hai điều kiện.
Trong đó, chủ đầu tư cần đáp ứng đủ yêu cầu cơ bản đối với một khách hàng gồm: có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định; nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp; được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Điều kiện thứ hai là đã nhận được văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh trả lời cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Một chính sách khác cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4 là Thông tư 03 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) ban hành ngày 11/2.
Thông tư này quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. Trong đó, điều kiện lao động gồm 6 loại: I, II, III, IV, V, VI.
Cụ thể, nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Nghị định số 23 được Chính phủ ban hành ngày 21/2 đã quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Tại Nghị định, Chính phủ đã phân loại chứng thư chữ ký điện tử thành 4 loại, bao gồm: chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia; chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; chứng thư chữ ký số công cộng; chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng.
Cụ thể, chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp cho minh tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy, gồm: chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4.
Ngày 28/2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Nghị định, Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn Nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của HĐTV, HĐQT hoặc ĐHCĐ.
Nghị định quy định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định.
Nghị định số 44 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 2547/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận Thanh tra số 82/KL-TTCP về thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2022.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 1/4 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với thành phố Hà Nội về đôn đốc, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025.
Đoạn quốc lộ 55 từ ranh giới Bà Rịa - Vũng Tàu đến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 49 km vừa được đề xuất bố trí vốn đầu tư mở rộng.