Tài chính Doanh nghiệp 08/10/2024 15:57

Lộc Trời dưới thời của nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận kinh doanh ra sao?

Trong bối cảnh tình hình kinh doanh, tài chính của Lộc Trời đang gặp nhiều khó khăn thì xuất hiện thông tin cựu CEO doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.

Ngày 23/9, UBND tỉnh An Giang gửi công văn số 4902/VPUBND-NC đến Công an tỉnh. UBND tỉnh cho biết nhận được công văn số 312/CV-TĐLT ngày 12/9/2024 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) về việc đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng Giám đốc Lộc Trời đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước đã có ý kiến chuyển công an tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với đề nghị của Lộc Trời.

Ngày 5/10, trả lời báo Người Lao động, ông Nguyễn Duy Thuận cho biết đã nắm được thông tin trên. Tuy nhiên, ông Thuận thận trọng: "Lộc Trời đang ở trong giai đoạn rất khó khăn, bất kỳ phát ngôn thiếu cẩn trọng nào cũng làm cho mọi việc khó khăn hơn cho tập đoàn. Thời gian sẽ trả lời mọi chuyện".

Ông Thuận được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Lộc Trời từ tháng 5/2020. Sau 4 năm ngồi "ghế nóng", ngày 15/10, HĐQT công ty quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc của ông Thuận.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT tạm thời điều hành hoạt động của doanh nghiệp cho tới khi bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới.

Hoạt động kinh doanh trượt dốc đã tác động lớn đến giá cổ phiếu. Chốt phiên 8/10, cổ phiếu LTG dừng tại 12.100 đồng/cp, giảm 56% so với thị giá hồi đầu năm, giảm khoảng 45% so với thị giá tháng 7 - thời điểm nhân sự Lộc Trời có nhiều xáo trộn.

  Diễn biến giá cổ phiếu LTG từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Trading View).

Lộc Trời dưới thời ông Thuận kinh doanh ra sao?

Lộc Trời có lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất thuốc bảo vệ cây trồng, kinh doanh hóa chất, hạt giống, bao bì giấy và chế biến gạo phục vụ xuất khẩu. Công ty chiếm hơn 20% thị phần thuốc bảo vệ thực vật và là nhà phân phối hạt giống lớn thứ hai tại Việt Nam, thông tin từ cáo cáo phân tích của Chứng khoán DSC vào cuối năm 2023.

Giai đoạn 2014 - 2019, doanh thu của Lộc Trời dao động từ 7.700 - 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 300 - 500 tỷ đồng.

Đến năm 2020, dưới sự điều hành của ông Thuận, doanh thu công ty giảm gần 10% so với cùng kỳ xuống 7.506 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 10% lên 369 tỷ đồng.

Từ năm 2021 đến năm 2023, Lộc Trời chứng kiến doanh thu tăng trưởng vượt trội khi vượt mốc 10.000 tỷ đồng và đạt mức đỉnh vào năm 2023 với hơn 16.000 tỷ đồng. Song, lợi nhuận năm ngoái lại rơi về đáy với 16 tỷ đồng. Theo lý giải của Lộc Trời, lợi nhuận lao dốc do phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu là chi phí dự phòng phải thu khó đòi) tăng cao.

Một trong những lý do khách quan khiến lợi nhuận Lộc Trời kém sắc trong thời gian gần đây là cuộc “chia tay” lịch sử giữa công ty và Syngenta. Đơn vị này sau đó hợp tác với CTCP khử trùng Việt Nam (Mã: VFG) - đối thủ của Lộc Trời ở mảng thuốc bảo vệ thực vật và giúp công ty này tăng gấp đôi doanh thu, gấp rưỡi về lợi nhuận. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi cổ đông chất vấn đề chấm dứt hợp tác trên có gây ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty hay không, ông Thuận khi đó còn cho rằng doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn: "Nếu quý cổ đông nào thấy Lộc Trời là công ty đáng để kỳ vọng thì hãy ở lại cùng Lộc Trời".

Tuy nhiên, chỉ sau đại hội vài tháng, nguyên Tổng Giám đốc Lộc Trời lại là người rời đi trước cả các cổ đông. 

Còn trong chia sẻ mới đây nhất tại một sự kiện, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời cho rằng, ông đang suy nghĩ sẽ đi tiếp cùng với Lộc Trời hay dừng lại. Theo ông, dừng lại ở đây không phải để nghỉ ngơi, còn tiếp tục cống hiến cho công ty, ông sẽ phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe và tâm lý. "Thậm chí có thể bị tù tội. Đây là thách thức với cả tôi và Lộc Trời", ông Thòn cho biết.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Bước sang năm 2024, tình hình kinh doanh của Lộc Trời vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Kết thúc quý I, công ty báo lỗ sau thuế gần 100 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Lộc Trời là doanh nghiệp hiếm hoi chưa công bố báo cáo cáo tài chính quý II.

Một trong những lý do được Lộc Trời đưa ra khi chậm nộp báo cáo tài chính là công ty đang gặp phải một số sự kiện bất khả kháng cần phải tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ công ty phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt.

Trong các kỳ ĐHĐCĐ gần đây, việc công ty kinh doanh kém sắc luôn là chủ đề được cổ đông quan tâm. Trong năm 2024, Lộc Trời không đặt mục tiêu doanh thu, chỉ chốt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ nhưng thấp hơn nhiều so với mức lãi hàng trăm tỷ đồng các năm trước.

Lý giải về vấn đề này, nguyên Tổng Giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận từng cho rằng, công ty nói không đưa kế hoạch doanh thu vì điều cổ đông muốn nhất là cam kết về lợi nhuận, khi có nhiều yếu tố sẽ bị xao nhãn trong điều hành, khó xác định ưu tiên cho điều nào. 

Để có nguồn vốn dài hạn, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, HĐQT Lộc Trời đề xuất 3 tờ trình về Phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư, Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, Phương án huy động vốn bằng khoản vay chuyến đổi thành cổ phần.

Lãnh đạo Lộc Trời cho rằng, công ty cần 8.000 - 9.000 tỷ đồng để Lộc Trời có thể đạt được doanh thu dự kiến. Nếu có vốn dài hạn, kinh doanh sẽ ổn định hơn, lãi suất giảm và hiệu quả tăng".

Tuy nhiên, Đoàn Chủ tịch sau quá trình hội ý đã thống nhất việc không tiến hành việc biểu quyết thông qua đối với 3 tờ trình này. HĐQT sẽ tối ưu lại phương án và sẽ trình lại trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. 

Áp lực nợ vay

Về quy mô tài sản, giai đoạn 2014-2019, tổng tài sản của Lộc Trời dao động 6.100 – 7.700 tỷ đồng. Từ năm 2019 trở đi, tổng tài sản tăng mạnh, vượt 11.000 tỷ đồng vào năm 2023 và ghi nhận mức trên 11.900 tỷ đồng vào cuối quý I/2024.

Sự gia tăng của tài sản cũng kéo theo nợ phải trả tăng nhanh kể từ năm 2022. Tổng nợ phải trả tính đến cuối quý I/2024 vượt ngưỡng 8.900 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản, trong đó tổng nợ vay 6.327 tỷ đồng.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Trong 6.327 tỷ đồng có gần 6.200 tỷ đồng là Lộc Trời vay từ các ngân hàng trong và ngoài nước. Các khoản vay này có lãi suất dao động 4,5 – 10%/năm, gần như là vay tín chấp và có thời gian đáo hạn trong năm nay.

Tính đến cuối tháng 3, chủ nợ lớn nhất của Lộc Trời tính là Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà với khoản cho vay 1.063 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm, đáo hạn vào ngày 22/9.

Ở vị trí thứ hai là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) với khoản cho vay hơn 768 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm, đáo hạn vào ngày 8/9.

Thứ ba là Ngân hàng Malayan Banking Berhad với khoản cho vay gần 746 tỷ đồng, lãi suất 7,4%/năm, đáo hạn vào ngày 11/9.

Ba chủ nợ lớn nhất của Lộc Trời tính đến cuối tháng 3. (Nguồn: Thuyết minh BCTC).

Ba tháng đầu năm nay, Lộc Trời đi vay thêm 4.562 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 4.540 tỷ đồng. Số tiền lãi mà công ty phải trả gần 127 tỷ đồng trong quý I.

Lượng tiền, khoản tương đương tiền, tiền gửi tính đến cuối tháng 3 còn khoảng 226 tỷ đồng.

Lâm Anh
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 08/10/2024 15:56
Hai mảng là động lực tăng trưởng của PAN trong quý III

PAN kỳ vọng tăng trưởng trong quý IV sẽ tương đương mức tăng trưởng trong quý III.

Tài chính Doanh nghiệp 08/10/2024 14:55
FPT Software giành giải Kiến tạo việc làm tại ESG Business Awards 2024

FPT Software lần đầu tiên được vinh danh trong hạng mục Kiến tạo việc làm của ESG Business Awards 2024 - giải thưởng quốc tế uy tín hàng đầu thế giới về phát triển bền vững. Giải thưởng là bảo chứng cho cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc nuôi dưỡng nhân tài CNTT toàn cầu, thúc đẩy môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập.

Tài chính Doanh nghiệp 08/10/2024 14:43
Kinh Bắc hợp tác với tập đoàn Trump phát triển tổ hợp khách sạn, sân golf 1,5 tỷ USD tại Hưng Yên

Công ty con của Kinh Bắc sẽ hợp tác với tập đoàn nhà ông Donald Trump để phát triển một tổ hợp bao gồm hệ thống sân golf Vvip 54 hố đồng bộ resorts cao cấp và hệ thống villa, cùng với đó là quần thể đô thị, nhà ở hiện đại.

Tài chính Doanh nghiệp 08/10/2024 08:02
Nam Tân Uyên có Chủ tịch HĐQT mới

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Nam Tân Uyên.