Kinh tế Quốc tế 10/05/2024 07:22

Lợi ích bất ngờ của giảm phát ở Trung Quốc

Trong lúc phương Tây loay hoay tìm cách khống chế lạm phát cao thì Trung Quốc lại gặp phải áp lực giảm phát. Tình trạng này khiến tỷ giá thực của nhân dân tệ giảm mạnh hơn tỷ giá danh nghĩa, làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế.

 Các container tại cảng Dương Sơn ở Thượng Hải, năm 2022. (Ảnh: China Daily). 

Gần đây, lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới đã tăng mạnh. Nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây chỉ ra nguyên nhân là các khoản trợ cấp hào phóng mà chính phủ dành cho ngành sản xuất và tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal (WSJ), các chuyên gia này đã bỏ qua hai nguyên nhân quan trọng khác, đó là đồng nội tệ và xu hướng giảm phát của Trung Quốc.

Tỷ giá hiệu lực thực tế (realeffective exchange rate) của Trung Quốc - tức tỷ giá sau khi điều chỉnh cho chênh lệch giữa lạm phát ở Trung Quốc và các đối tác thương mại chính - đã quay trở lại bằng với năm 2014, xóa sổ mọi mức tăng trong một thập kỷ qua.

Sự suy yếu của đồng nhân dân tệ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc, đặt hàng hóa của những quốc gia châu Á khác vào thế bất lợi.

 

Đối với Mỹ, nhân dân tệ suy yếu khiến hàng hóa Trung Quốc nay còn rẻ hơn trước. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm của Trung Quốc càng hấp dẫn đối với người tiêu dùng Mỹ, cản trở nỗ lực của các quan chức Washington là giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Ông Brad Setser, thành viên cấp của của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, bình luận: “Ở mức tỷ giá hối đoái hiện nay, Trung Quốc có sức cạnh tranh cực kỳ lớn”.

Lợi ích ẩn giấu của giảm phát

Khi so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại chính, giá nhân dân tệ đã giảm 6% kể từ đỉnh gần nhất vào tháng 3/2022, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Mức giảm này phản ánh sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong cùng giai đoạn, tỷ giá hiệu lực thực tế của Trung Quốc sụt 14%. Trung Quốc đang đối mặt với giảm phát - hiện tượng mà hầu hết các nhà kinh tế coi là có hại bởi nó đè nặng lên chi tiêu và khiến tình trạng vỡ nợ dễ xảy ra hơn.

Nhưng giảm phát lại có lợi ích ẩn là làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ và nhiều nơi khác vẫn còn cao.

Chênh lệch giữa tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực của Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ khi BIS bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1994.

Bà Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương tại Quỹ tiền tệ Quốc tế, nhận xét sự sụt giảm của nhân dân tệ theo tỷ giá thực “rõ ràng đang góp phần giúp Trung Quốc xuất khẩu được nhiều hơn”.

Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 cao hơn khoảng 10% so với tháng 3/2022. Trong cùng kỳ, khối lượng xuất khẩu trên thế giới chỉ tăng 1,4%.

Các quan chức nước ngoài lo lắng rằng một “cú sốc Trung Quốc” khác sẽ lại xuất hiện.

Đầu những năm 2000, các cải cách ở Trung Quốc và việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế đã giúp hoạt động xuất khẩu bùng nổ, mang đến lợi ích cho người tiêu dùng nhưng lại đè bẹp nhiều ngành công nghiệp ở Mỹ và các nơi khác.

Hồi tháng tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo Trung Quốc rằng năng lực sản xuất dư thừa của nước này đang đe dọa việc làm ở những quốc gia khác.

Các nước châu Á chịu gánh nặng

Nhiều hàng xóm cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc ở những sản phẩm như thép, đồ điện, đồ nội thất và chip bán dẫn cơ bản.

Khối lượng xuất khẩu của các nước châu Á mới nổi giảm gần 2% trong hơn hai năm xuất khẩu của Trung Quốc tăng 10%. Ngay cả khối lượng xuất khẩu của Nhật Bản cũng suy yếu dù đồng yen giảm giá mạnh, một phần do ô tô Trung Quốc ngày càng chiếm nhiều ưu thế.

Điều đó báo hiệu áp lực đến tăng trưởng và đẩy giá của tiền tệ những nước này so với USD đi xuống. Trong khi đó thì vào đầu năm nay, sức mạnh của đồng USD cũng đã khiến áp lực tỷ giá ở châu Á dâng cao.

Tờ WSJ cho biết từ đầu năm đến nay, giá won của Hàn Quốc so với USD giảm 5%, ringgit của Malaysia sụt 3% và VND đi xuống 4,5%.

 

Liều thuốc cũ không còn hiệu quả?

Nhiều nhà phân tích cho rằng các quan chức Trung Quốc đang cố gắng để giúp nhân dân tệ mạnh lên, hoặc ít nhất là đảm bảo đà giảm diễn ra từ từ và có kiểm soát. Giới chức Trung Quốc lo ngại sự sụt giảm mạnh của tỷ giá sẽ khiến dòng vốn tháo chạy và giá những mặt hàng nhập khẩu quan trọng tăng vọt, ví dụ như dầu mỏ.

Trung Quốc có thể đảo ngược đà giảm của tỷ giá nhân dân tệ bằng cách thúc đẩy lạm phát. Song, điều này nhiều khả năng sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải tăng cường kích thích tài khóa, điều mà các nhà hoạch định chính sách muốn tránh vì lo ngại nợ nần tăng lên.

Một giải pháp tiềm năng nữa là Mỹ và những nước khác hành động quyết liệt hơn để khống chế lạm phát, ví dụ như tăng lãi suất. Nhưng trong ngắn hạn, biện pháp này sẽ càng tăng áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 20/05/2024 22:55
Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng tạm thời

Nhật báo RBC đưa tin, Chính phủ Nga đã có quyết định cuối cùng về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng tạm thời, khi thị trưởng đã đảm bảo nguồn cung.

Kinh tế Quốc tế 20/05/2024 14:48
Lãi suất đang cao kỷ lục nhưng tại sao chứng khoán toàn cầu liên tục phá đỉnh trong năm nay?

Trong số 20 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, 14 thị trường gần đây đã chạm mức cao nhất mọi thời đại. Đà tăng có vẻ sẽ tiếp tục trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi và ít rủi ro.

Kinh tế Quốc tế 20/05/2024 10:51
'Không có dấu hiệu sự sống' tại khu vực trực thăng chở Tổng thống Iran rơi

Cơ quan cứu hộ khẩn cấp của Iran đã tìm thấy mảnh vỡ của chiếc trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi. Bộ trưởng Ngoại giao Iran được cho là cũng ở trong chiếc trực thăng đó.

Kinh tế Quốc tế 20/05/2024 10:17
Các chuyên gia nêu lý do 42 tỷ vốn vay của Trung Quốc khó vực dậy thị trường bất động sản

PBoC sẽ cấp vốn cho 21 ngân hàng với mức lãi suất 1,75%. Các khoản vay, có thời hạn một năm, sẽ được phép gia hạn 4 lần.