Tài chính Doanh nghiệp 28/10/2024 17:48

Lợi nhuận công ty tinh bột sắn lao dốc, cổ phiếu APF và CAP rớt mạnh

Các công ty xuất khẩu sắn hàng đầu gặp khó khăn trong năm nay khi giá bán thấp và giá nguyên liệu đầu vào cao, lợi nhuận lao dốc kéo theo giá cổ phiếu cũng giảm sâu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hơn 121.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn với trị giá 56,74 triệu USD trong tháng 9. Con số này giảm 53,9% về lượng và giảm 53,7% về trị giá so với cùng kỳ do bị ảnh hưởng của mưa lũ và nhu cầu của Trung Quốc chậm.   

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,91 triệu tấn với trị giá hơn 879 triệu USD, giảm 10% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn 90% sản lượng và giá trị. Tổng khối lượng xuất sang quốc gia này từ đầu năm đạt 1,76 triệu tấn (giảm 9,2%) với giá trị hơn 800 triệu USD (giảm 0,2%).  

Thực tế suy giảm này thậm chí còn diễn biến tiêu cực hơn ở hai công ty tinh bột sắn hàng đầu đang có giao dịch trên thị trường chứng khoán là Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (Mã: APF) và Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (Mã: CAP). 

Theo báo cáo quý III, APF vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng 39% lên trên 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên giá vốn cao chiếm gần 94% doanh thu khiến biên lợi nhuận gộp co hẹp từ mức 8,6% cùng kỳ về mức 6,4% trong quý vừa qua. 

Thêm nữa, các chi phí tài chính cũng tăng vọt 63%, chi phí bán hàng hơn gấp rưỡi cùng kỳ và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng cao hơn. Điều này khiến lãi sau thuế lao dốc 91% còn chưa đến 3 tỷ đồng trong kỳ vừa qua. 

 Lợi nhuận APF xuống đáy nhiều năm. Nguồn: HL tổng hợp.

Ban lãnh đạo lý giải do cạnh tranh mua nguyên liệu gay gắt nên làm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Thêm nữa, giá bán sản phẩm liên tục giảm, từ đó dẫn đến chi phí giá vốn trên đơn vị sản phẩm tăng. 

Dù vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, lợi nhuận công ty vẫn có thể duy trì bằng mức cùng kỳ do vẫn có kết quả tốt trong các tháng đầu năm (hưởng lợi lớn từ lãi chênh lệch tỷ giá), đạt mức hơn 134 tỷ đồng.  

Năm 2024, APF đặt mục tiêu doanh thu 6.700 tỷ đồng và lãi sau thuế 230 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 80% chỉ tiêu doanh thu và 58% kế hoạch lãi cả năm sau 3 quý kinh doanh. 

APF được biết tới là một doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn; ngoài ra còn kinh doanh cồn Ethanol. Công ty có các nhà máy lớn tại miền trung và tây nguyên, sản phẩm chủ yếu xuất sang các nước châu Á. 

Một doanh nghiệp xuất khẩu sắn lớn tại miền Bắc là Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cũng có kết quả tiêu cực do giá vốn đầu vào cao. Công ty báo cáo lợi nhuận niên độ tài chính quý IV/2024 (tức quý III dương lịch) lao dốc 42% so với cùng kỳ còn gần 6 tỷ đồng, bất chấp doanh thu vẫn tăng trưởng cao đạt 235 tỷ đồng.

Tính chung cả niên độ, công ty ghi nhận doanh thu giảm nhẹ về khoảng 590 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại bốc hơi 73% so với cùng kỳ, xuống còn 31 tỷ đồng. Đây là mức lãi thấp nhất 4 năm và chỉ đạt 44% kế hoạch cả năm. 

 Lợi nhuận CAP lao dốc trong niên độ 2024. Nguồn: HL tổng hợp. 

Xét theo cơ cấu, mảng "xương sống" là tinh bột sắn của CAP vẫn tăng trưởng doanh thu nhẹ 1% đạt 302 tỷ đồng. Trong khi các sản phẩm giấy đế và giấy vàng mã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 43 tỷ đồng (giảm 31%) và 30 tỷ đồng (giảm 10%).  

CAP tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái được thành lập năm 1972, sau đó mở rộng kinh doanh nhiều mặt hàng nông sản, hiện sắn là sản phẩm chủ lực của công ty với thị trường xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc.  

Hay Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển thực phẩm Hồng Hà (Mã: HSL) tương tự ghi nhận lợi nhuận giảm sâu 25% về dưới 1,3 tỷ đồng trong quý III, chủ yếu do quy mô doanh thu suy giảm phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 18 tỷ đồng. 

Cổ phiếu lao dốc

Giá cổ phiếu cũng quay đầu giảm mạnh trong bối cảnh cả các doanh nghiệp bán tinh bột sắn đều trải qua kỳ kinh doanh vô cùng ảm đạm, ngắt chuỗi đi lên bền bỉ trong nhiều năm trước. 

Cổ phiếu CAP có đà tăng ấn tượng và lập kỷ lục 68.600 đồng/cp vào giữa tháng 3/2024, tức tăng 14 lần kể từ năm 2020. Chuỗi ngày "mật ngọt" kết thúc khi mã chứng khoán này giảm 1/3 từ đỉnh về mức 46.300 đồng/cp tính đến phiên 28/10.

Tương tự, cổ phiếu APF cũng có chuỗi tích lũy thị giá kéo dài từ năm 2020, đưa thị giá từ vùng 9.000 đồng/cp lên đỉnh lịch sử 62.700 đồng/cp vào đầu tháng 7/2024, gấp hơn 7 lần sau năm. Cổ phiếu này đã rớt mạnh từ đó đến nay còn 55.300 đồng/cp, mất hơn 10% từ đỉnh. 

Cổ phiếu HSL trong tình cảnh tương tự khi đang giảm về quanh vùng 4.390 đồng/cp, tức mất hơn 53% so với thời điểm đầu năm.  

Huy Lê
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 28/10/2024 19:44
Thứ trưởng Tài chính: Sẽ không cấm nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ

Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư tất cả loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thay vì hạn chế như đề xuất trước đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi.

Tài chính Doanh nghiệp 28/10/2024 19:40
Vì sao Cảng Hải Phòng lãi đột biến hơn 300 tỷ?

Lợi nhuận Cảng Hải Phòng tăng đột biến trong quý III nhờ ghi nhận khoản tiền đền bù khi di dời cảng Hoàng Diệu.

Tài chính Doanh nghiệp 28/10/2024 16:58
Chủ tịch TTC AgriS: Công ty sẽ chào bán các khoản đầu tư không thuộc chuỗi giá trị nông nghiệp

Bà Đặng Huỳnh Ức My tân Chủ tịch HĐQT công ty TTC AgriS cho biết công ty sẽ tập đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư thêm nhà máy sản xuất thực phẩm, đồ uống và bánh kẹo. Ngoài ra, công ty sẽ đẩy mạnh chào bán, tái cấu trúc danh mục các khoản đầu tư không thuộc chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tài chính Doanh nghiệp 28/10/2024 16:10
Doanh nghiệp tôm và cá tra bội thu trong quý III

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản báo kết quả tích cực trong quý III nhờ doanh số bán hàng tăng trưởng tích cực, thị trường xuất khẩu đón nhiều tin vui.