Tài chính Doanh nghiệp 24/10/2024 14:54

Lợi nhuận ngành dược phân hoá

Giá vốn bán hàng và các chi phí gia tăng là hai áp lực chính kéo tụt lợi nhuận doanh nghiệp dược trong quý III.

Tính đến ngày 24/10, có 3/9 doanh nghiệp ngành dược trên sàn chứng khoán báo lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ, một doanh nghiệp báo lỗ trong quý III.

Ngành dược phân hoá trái chiều

Quý III, CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 6% so với cùng kỳ xuống 156 tỷ đồng do nguồn thu sụt giảmvà cũng là con số thấp nhất kể từ quý IV/2019.

Biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn 43,4%, cùng kỳ đạt gần 46,9% và cũng suy giảm so với quý II. 

Hiện nay, Dược Hậu Giang là đơn vị ngành dược lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán. Công ty này có thế mạnh ở nhóm thuốc kháng sinh, đặc biệt là ở nhóm thuốc viên. Tính đến hết tháng 5, kênh OTC (bán lẻ ở tiệm thuốc) vẫn là nguồn thu chủ lực của Dược Hậu Giang, trong khi kênh ETC (đấu thầu bệnh viện) chỉ chiếm khoảng 11%, thông tin từ Chứng khoán Agribank.

Trái ngược với Dược Hậu Giang, một đơn vị khác trong ngành dược là CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) báo kết quả tích cực trong quý này.

Lợi nhuận sau thuế công ty đạt hơn 72 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ nhờ vào sự tăng trưởng của kênh ETC và sự phục hồi của kênh OTC.

Theo Imexpharm, trong quý III, doanh thu kênh ETC tăng 47% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với thị trường, nếu so sánh với mức tăng 11% của toàn ngành trong nửa đầu năm 2024. Còn doanh thu kênh OTC tăng 8% so với cùng kỳ nhờ thúc đẩy hợp tác với các chuỗi nhà thuốc. 

Bên cạnh đó, công suất nhà máy IMP4 được cải thiện cũng hỗ trợ vào kết quả kinh doanh của công ty. 

Tương tự, một số doanh nghiệp ngành dược cũng có lợi nhuận tăng trưởng trong quý III như CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3), CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã: PMC), CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP), CTCP Dược phẩm Agimexpharm (Mã: AGP)…

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Dù có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế của CTCP Dược phẩm CPC1 Hà Nội (mã: DTP) vẫn giảm 5% xuống 70 tỷ đồng do giá vốn và chi phí bán hàng gia tăng.

Sự suy giảm lợi nhuận của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (Mã: DMC) cũng xuất phát từ câu chuyện giá vốn bán hàng (chi phí nguyên liệu, vận chuyển) tăng cao. Đây là nguyên nhân khiến công ty báo lãi sau thuế giảm 27% xuống 33 tỷ đồng.

CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (Mã: DP2) báo lỗ hơn 5 tỷ đồng trong quý này, đây là quý thứ 20 liên tiếp công ty báo lỗ, kể từ quý III/2019.

DP2 cho rằng, yếu tố chính khiến công ty thua lỗ do giá nguyên liệu chính, phụ liệu, bao bì đầu vào tăng, trong khi giá bán không được tăng. Ngoài ra, công ty còn phải gánh chi phí lãi vay cao khi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP – WHO tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) với nguồn vốn đầu tư chủ yếu là vay ngân hàng.

Quân át chủ bài của doanh nghiệp dược là gì?

Việc sở hữu các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế đang là lợi thế cạnh tranh của các công ty ngành dược trong việc tham gia đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và các cơ sở y tế, nhất là phân khúc thuốc chất lượng cao nhóm 1 và nhóm 2.

Bộ Y tế gần đây đã ban hành Thông tư 03&07/2024 (TT03&07/2024/TT-BYT) cung cấp danh sách 93 thuốc có ít nhất 3 công ty sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn EU- GMP, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, giá và khả năng cung cấp. Thuốc nhập khẩu sẽ không được tham gia chào thầu bệnh viện công với các loại thuốc này. Đây là một trong những thông tin tích cực và cú hích lớn đối với các công ty dược trong nước.

Imexpharm mới đây đã thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong đó, công ty muốn xin ý kiến cổ đông về việc triển khai dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh quy mô 25.000 m2 tại Đồng Tháp. Tiêu chuẩn nhà máy là EU-GMP, công suất thiết kế dự kiến là 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm. 

Imexpharm hiện có 4 cụm nhà máy sản xuất, trong đó 1 cụm nhà máy đạt chuẩn WHO và 3 cụm nhà máy đạt chuẩn EU-GMP. Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất của 4 cụm nhà máy đạt hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm. Như vậy, khi dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh hoàn thành sẽ đóng góp lớn về sản lượng và doanh thu cho công ty.

Một số sản phẩm thuốc. (Ảnh: Lâm Anh).

Dược Hậu Giang đang đầu tư mở rộng thêm nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, giúp tăng công suất của doanh nghiệp thêm 25% so với trước đó. Nhà máy dự kiến vận hành từ quý IV năm nay.

Bên cạnh đó, công ty đang nâng cấp các dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU–GMP, dự kiến hoàn thiện trong năm 2025. Việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn Japan – GMP hay EU–GMP sẽ giúp công ty gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1 - 2 tại kênh ETC (đấu thầu bệnh viện).  

Điều này từng được lãnh đạo Dược Hậu Giang nhấn mạnh tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 khi cho rằng, công ty sẽ tăng khả năng trúng thầu và tăng doanh thu kênh bệnh viện khi nâng cấp các nhà máy lên các tiêu chuẩn cao. Hơn nữa, quá trình này cũng thể hiện được mục tiêu vươn tầm quốc tế của công ty, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.

Lâm Anh
CÙNG CHUYÊN MỤC
Tài chính Doanh nghiệp 24/10/2024 16:22
TKV có Tổng Giám đốc mới

Trước khi trở thành Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), ông Vũ Anh Tuấn có 9 năm đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc TKV.

Tài chính Doanh nghiệp 24/10/2024 15:42
Gelex bác bỏ các thông tin sai sự thật đang lan truyền

Tập đoàn Gelex cũng đề nghị nhà đầu tư thận trọng trước những tin đồn thất thiệt và có những đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác về hoạt động doanh nghiệp.

Tài chính Doanh nghiệp 24/10/2024 15:31
Bị bào mòn bởi cước tàu, lợi nhuận Navico vẫn gấp 4 lần cùng kỳ

Công ty đã thực hiện được 71% kế hoạch doanh thu nhưng mới đạt được 18% tiến độ về lợi nhuận.

Tài chính Doanh nghiệp 24/10/2024 10:45
Cập nhật KQKD quý III: Xuất hiện nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần

Tính tới trưa 24/10, theo dữ liệu từ Wichart đã có hơn 460 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý III. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý III.