Tại sự kiện "Data Talk | The Catalyst số #6 Review Kết quả kinh doanh quý I/2025", các chuyên gia đã cập nhật phân tích về các ngân hàng trong quý đầu năm.
Ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng, cho biết số liệu công bố của ngân hàng đã có báo cáo cho thấy sự phân hóa khá rõ nét. Một số ngân hàng lớn tăng trưởng lợi nhuận âm hoặc rất thấp, trong khi các ngân hàng quy mô nhỏ hơn lại ghi nhận mức tăng kỷ lục.
Trong đó, nhóm quốc doanh mới có VietinBank công bố, tăng trưởng lợi nhuận chỉ khoảng 6% so với cùng kỳ. Năm 2024, VietinBank có tăng trưởng ấn tượng, nhưng quý I/2025 chậm lại.
Nhóm thiên về bán lẻ thì trừ TPBank, hai ngân hàng ACB và VIB đều tăng trưởng âm. Đây vốn là những ngân hàng cho vay mua nhà/xe cá nhân, song bối cảnh kinh tế khó khiến nhu cầu tín dụng bán lẻ giảm.
Trong khi đó, một số ngân hàng như Nam A Bank, ABBank, VietABank… lại tăng trưởng ấn tượng và theo chuyên gia Lê Hoài Ân sẽ có nhiều ngân hàng quy mô nhỏ khác có kết quả tăng tốt như vậy.
Tình huống này đặt ra câu hỏi “tại sao ngân hàng lớn kinh doanh khó, ngân hàng nhỏ lại có biên lợi nhuận cao?”
Nguồn: Chuyên gia Lê Hoài Ân.
Theo ông Ân, nguyên nhân là trong năm 2024, nhiều ngân hàng lớn hoặc nhóm “bán lẻ” khó khăn do NIM giảm, sự cạnh tranh khốc liệt trong cho vay tiêu dùng trong khi đó các ngân hàng nhỏ lại tìm thấy “ngách” từ những dự án bất động sản, doanh nghiệp mà ngân hàng lớn không tiếp cận.
Cùng với đó, biên lãi thuần (NIM) giảm do chênh lệch lãi suất và cơ cấu vay thay đổi. Trong năm 2024, mặc dù tín dụng năm 2024 tăng tốt, thu nhập ròng từ hoạt động tín dụng không tăng tương ứng. Tín dụng toàn ngành niêm yết tăng 18%, thu nhập ròng chỉ tăng khoảng 14%, cho thấy NIM sụt giảm đáng kể.
Đồng thời, phí dịch vụ (bán chéo bảo hiểm, trái phiếu) cũng giảm buộc các ngân hàng tập trung kiểm soát chi phí hoạt động.
Chuyên gia cho rằng trong bối cảnh đó,cắt giảm chi phí hoạt động trở thành “chìa khóa” giúp ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận.
Về kiểm soát chi phí, năm 2024, đa số ngân hàng rót vốn lớn cho công nghệ nhằm giảm chi phí hoạt động (Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) trung bình ngành giảm từ 40% xuống 30%). BIDV, Techcombank, MB,...là những ngân hàng đầu tư mạnh. Techcombank chi gần 6.500 tỷ, cao gấp đôi nhiều ngân hàng quốc doanh.
Trong quý I/2025, bức tranh cho thấy các ngân hàng nào làm tốt mảng công nghệ – quản trị chi phí có nhiều cơ hội nâng cao lợi nhuận, bù đắp sự suy giảm NIM.
Theo ông Lê Hoài Ân, khi quyết định đầu tư cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần thấu hiểu chiến lược của từng ngân hàng, bởi đây là lĩnh vực đặc thù. Danh mục cho vay là “ẩn số” mỗi năm, vì mỗi ngân hàng sẽ phân bổ tín dụng theo cách riêng. Đó chính là yếu tố tạo nên khác biệt lớn về kết quả kinh doanh.
Một “từ khóa” được nhắc đến nhiều trong kỳ Đại hội cổ đông năm nay là công nghệ. Có thể nói, lĩnh vực ngân hàng có nguồn lực dồi dào, sẵn sàng đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai AI. Nhiều ngân hàng đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ từ lâu, nay tiếp tục thúc đẩy áp dụng AI, machine learning vào các bộ phận nghiệp vụ sâu hơn.
Cuối cùng, tôi cho rằng NIM toàn ngành sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ từ và mỗi ngân hàng sẽ có cách riêng để duy trì biên lợi nhuận. Việc kiểm soát chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả nhờ công nghệ, sẽ là câu chuyện đáng theo dõi nhất của ngành ngân hàng trong năm 2025.
Nhóm ngân hàng quốc doanh
Theo quan sát của chuyên gia, Vietcombank - quán quân lợi nhuận vẫn duy trì quan điểm tăng trưởng thận trọng và an toàn. Khẩu vị trên thực tế không thay đổi nhiều trong giai đoạn 2022-2023, khiến NIM (biên lãi ròng) bị thu hẹp đáng kể.
Trước đây, NIM của Vietcombank có thể ở mức 3,3% - 3,5%, còn NIM của VietinBank khoảng 2,7-2,8%. Hiện tại, NIM của Vietcombank đã giảm, gần tiệm cận VietinBank.
Dường như Vietcombank sẵn sàng đánh đổi phần nào biên lợi nhuận để tập trung cho nhóm khách hàng chất lượng. Dù vậy, ngân hàng này đang tham gia nhiều dự án lớn, đóng vai trò chủ lực (leader), đây cũng có thể là một động lực tăng trưởng.
Còn VietinBank là ngân hàng có nhiều kỳ vọng. Năm 2024, VietinBank từng là điểm nhấn khi họ mở rộng hệ sinh thái cho vay, đẩy mạnh CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) và từ đó giữ được NIM ổn định. Kết quả là lợi nhuận năm vừa rồi của VietinBank vượt 115% kế hoạch, rất ấn tượng trong nhóm ngân hàng lớn.
Về BIDV, năm vừa qua không mấy thuận lợi, tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn VietinBank, đồng thời gặp vấn đề về nợ xấu. Tuy nhiên, danh mục cho vay của BIDV về cơ bản vẫn ổn. Năm 2025, khả năng BIDV bật lên hay không phụ thuộc vào việc ngân hàng này đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu chi phí hoạt động để nâng cao tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Về tiềm lực, BIDV và VietinBank có nhiều điểm tương đồng; do đó, vẫn có dư địa để BIDV cải thiện hiệu quả vận hành.
Nhóm ngân hàng tập trung bán lẻ
Dù được coi là ngân hàng bán lẻ mạnh, năm 2024 ACB cũng thử mở rộng thêm một số mảng cho vay doanh nghiệp, nhưng hiệu quả chưa thực sự nổi bật. Hiện tại, lợi nhuận của họ giảm chủ yếu do NIM suy giảm.
Năm ngoái, VPBank chỉ hoàn thành khoảng 75% kế hoạch lợi nhuận, bị ảnh hưởng khá nhiều. Tuy vậy, mảng bán lẻ có dấu hiệu phục hồi nhất định khi nhìn từ góc độ vĩ mô, và tôi kỳ vọng năm nay VPBank sẽ cải thiện hơn. Bên cạnh đó, mảng cho vay tiêu dùng ở phân khúc khách hàng thu nhập thấp cũng đang được thúc đẩy, có thể mang lại động lực mới cho VPBank sau giai đoạn 2023-2024 kém khả quan.
Khả năng năm nay ngân hàng này sẽ bước vào giai đoạn hoàn thành tái cơ cấu. Một khi việc tái cơ cấu kết thúc, triển vọng sẽ rõ ràng hơn. Hiện tại, nhà đầu tư vẫn chờ đợi thông tin cụ thể về quá trình này.
Nhóm ngân hàng tập trung khách hàng doanh nghiệp
Với các ngân hàng định hướng cho vay doanh nghiệp, năm 2024 nhìn chung tương đối khả quan vì họ giải ngân mạnh cho phân khúc này. Tuy nhiên, sang năm 2025, liệu tốc độ tăng trưởng có duy trì hay không còn phải xem xét chiến lược giữ chân khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất gia tăng.
Techcombank là ví dụ tiêu biểu. Ngân hàng từng ghi nhận NIM cao, có thời điểm gần 5%. Nhưng hiện tại NIM đã giảm xuống trên 4% - mức giảm 1% NIM là rất đáng kể. Tăng trưởng tín dụng của Techcombank vẫn tốt, song lợi nhuận sau thuế lại có xu hướng tăng trưởng âm, nguyên nhân là do biên lãi ròng thu hẹp.