03/07/2025 10:15

Luật hóa Nghị quyết 42 có thể thay đổi 'khẩu vị rủi ro' của ngân hàng, chuyên gia cảnh báo về làn sóng nợ xấu mới

Việc luật hóa Nghị quyết 42 được xem là cú hích quan trọng, cung cấp "vũ khí" pháp lý sắc bén hơn cho ngân hàng trong cuộc chiến xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đây cũng có thể là "con dao hai lưỡi", đòi hỏi sự thận trọng và cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh tạo ra một làn sóng nợ xấu mới.

Nghị quyết 42 hết hiệu lực gây khó cho việc thu hồi nợ

Từ ngày 1/1/2024, khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực, ngành ngân hàng mất quyền thu giữ một cách chủ động và gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ xấu.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), điều này là do ý thức trả nợ của khách hàng có phần buông lỏng khi thiếu áp lực pháp lý.

Khả năng xử lý nợ xấu của các ngân hàng phần lớn dựa vào nguồn dự phòng rủi ro, chiếm trên 48%, trong khi nguồn trả nợ từ khách hàng chỉ khoảng 35% và xử lý TSBĐ chiếm phần 17% còn lại, cho thấy tốc độ thu hồi TSBĐ của khoản nợ xấu chậm lại rõ rệt.

Lý giải về những khó khăn trong việc thu hồi nợ xấu trong giai đoạn Nghị quyết 42 hết hiệu lực, chuyên gia Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chính đến từ sức khỏe của nền kinh tế.

"Sau giai đoạn COVID-19 và những căng thẳng thương mại toàn cầu, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hồi phục. Nhiều doanh nghiệp mất khả năng chi trả, khiến việc thu hồi nợ của ngân hàng gặp rất nhiều trở ngại," ông Minh phân tích.

Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ, tăng trưởng chậm lại cũng tác động tiêu cực đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này khiến cho bài toán xử lý nợ xấu càng trở nên khó khăn hơn. 

(Nguồn: VDSC)

Theo đánh giá từ giới chuyên gia nhờ có Nghị quyết 42, công tác xử lý nợ xấu trong 5 năm thực hiện đã có những tiến triển, nổi bật nhất là ý thức trả nợ của người vay đã được nâng cao đáng kể.

Theo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc áp dụng thí điểm cơ chế tại Nghị quyết đã giúp cho việc xử lý nợ xấu được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3.520 tỷ đồng/tháng).

Nắm bắt được những vấn đề này, việc luật hoá Nghị quyết 42 đã được ráo riết đưa vào một trong các vấn đề được Quốc hội kỳ vừa qua. 

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) trong đó có quy định về khoản vay đặc biệt theo hướng việc phân cấp thẩm quyền cho vay đặc biệt từ Thủ tướng Chính phủ sang Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Bên cạnh đó, Quốc hội bổ sung các quy định gồm quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ); kê biên tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm TSBĐ cho khoản nợ xấu và Hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.

Ba quy định này được xem như là "linh hồn" của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vốn đã hết hiệu lực từ 1/1/2024.

 Ông Nguyễn Thế Minh,Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam Yuanta Việt nam. (Ảnh: VNB).

Cú hích từ việc luật hóa và sự thay đổi khẩu vị rủi ro

Theo chuyên gia Nguyễn Thế Minh, việc chính thức luật hóa Nghị quyết 42 là một bước tiến pháp lý quan trọng. Nếu trước đây, nghị quyết chỉ mang tính tình thế, giải quyết các vấn đề khẩn cấp, thì nay khi trở thành luật, nó tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc và dài hạn.

"Tác động tích cực đầu tiên và rõ ràng nhất là luật này sẽ giúp các ngân hàng giải quyết hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, hướng tới mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống dưới 3% của Chính phủ," ông Minh nhận định.

Bên cạnh đó, ông Minh nhận định việc luật hoá sẽ giúp gỡ bỏ nhiều vướng mắc cho ngân hàng như giải phóng dòng tiền đang bị kẹt trong dự phòng rủi ro, cải thiện lợi nhuận, từ đó hỗ trợ tín dụng tăng trưởng. Trong bối cảnh huy động vốn khó khăn và lãi suất cho vay chịu áp lực, đây là yếu tố có thể giúp cải thiện biên lãi (NIM) và triển vọng lợi nhuận.

Theo vị chuyên gia, nguồn thu chính của ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ lãi vay, trong khi các nguồn khác như bancassurance hay trái phiếu hiện khá hạn chế. Do đó, xử lý nợ xấu hiệu quả sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt về vốn và lợi nhuận, tạo lực đẩy cho toàn hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm, các chuyên gia VDSC cho hay về tổng thể, việc luật hóa ba quy định trên về lâu dài sẽ hỗ trợ ngành ngân hàng thu hồi nợ tích cực, giảm tỷ lệ nợ xấu, từ đó giảm chi phí dự phòng rủi ro, nâng cao năng lực tài chính và hệ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, cũng giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng tạo cơ hội giảm chi phí.

(Nguồn: VDSC)

Theo chuyên gia Nguyễn Thế Minh, việc luật hóa Nghị quyết 42 không chỉ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác xử lý nợ xấu, mà còn có khả năng dẫn đến sự thay đổi trong khẩu vị rủi ro của các ngân hàng. 

Trước đây, do lo ngại nợ xấu, các ngân hàng thường rất thận trọng trong phê duyệt tín dụng, đặc biệt là với các phân khúc rủi ro cao. Nhưng khi đã có cơ chế xử lý nợ xấu rõ ràng hơn, khả năng các ngân hàng sẽ mạnh dạn hơn trong việc cấp tín dụng – đặc biệt là tín dụng bán lẻ và tiêu dùng.

Ông dẫn ví dụ trường hợp ACB, một trong những ngân hàng có tính phòng thủ cao và thận trọng nhưng hiện cũng đang có dấu hiệu dịch chuyển dần sang các phân khúc tín dụng có mức độ rủi ro cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng.

Ở góc độ tích cực, tín dụng sẽ được đẩy nhanh hơn, quy trình có thể được số hóa, giảm bớt các bước xét duyệt thủ công. Khẩu vị rủi ro của ngân hàng cũng sẽ linh hoạt hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn với kỳ vọng lợi nhuận tốt hơn. Nếu phát sinh nợ xấu, ngân hàng có thể sử dụng các công cụ như bán nợ cho VAMC.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cảnh báo rằng mặt trái của việc nới lỏng khẩu vị rủi ro là nguy cơ tích tụ nợ xấu trong tương lai, nguy cơ khiến nợ xấu phình ra khi chấp nhận khẩu vị rủi ro cao hơn. 

Ai hưởng lợi và bài toán giám sát?

Việc luật hóa NQ 42 sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho toàn ngành ngân hàng, VDSC kỳ vọng các ngân hàng có hàm lượng bán lẻ cao (VIB, ACB, Sacombank, VPBank...) có thể hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình thu giữ và xử lý TSBĐ (với điều kiện các TSBĐ có pháp lý rõ ràng, đầy đủ, không có tranh chấp hoặc hạn chế pháp lý). 

 (Nguồn: VDSC)

Đánh giá về các đối tượng hưởng lợi, chuyên gia Thế Minh cho rằngvề cơ bản, việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ giúp gỡ bỏ gánh nặng nợ xấu cho các ngân hàng, do đó những ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu cao sẽ là nhóm được hưởng lợi đầu tiên. 

"Khi áp lực trích lập dự phòng giảm bớt, dòng tiền sẽ được giải phóng, từ đó cải thiện lợi nhuận. Nói cách khác, lợi nhuận sẽ được “ăn theo” nhờ phần chi phí dự phòng giảm đi đáng kể", chuyên gia nói thêm. 

Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng việc xử lý nhanh nợ xấu cũng sẽ giúp cải thiện "room" tín dụng cho các ngân hàng. Hiện nay, việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn đang theo cơ chế "xin – cho", tức là phụ thuộc vào quyết định của nhà điều hành, mà quyết định đó lại dựa phần lớn vào tỷ lệ nợ xấu của từng tổ chức tín dụng.

Do đó, nếu Nghị quyết 42 được luật hóa và quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, thì các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hiện nay cũng sẽ có cơ hội được nới room tín dụng, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, để luật phát huy hiệu quả mà không gây hệ luỵ, ông Minh khuyến nghị nên đi kèm với giám sát rủi ro hiệu quả hơn. Cụ thể, cần thực hiện các bài "test" định kỳ đối với các nhóm ngân hàng, tương tự như mô hình của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng thời, hệ thống giám sát cần thường xuyên rà soát mức độ rủi ro của từng ngân hàng để kịp thời đưa ra các phản ứng chính sách phù hợp.

Minh Nguyệt
QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO