Kinh tế Quốc tế 28/10/2024 14:55

Một hãng dược Ấn Độ âm thầm giúp Nga qua mắt Mỹ để mua chip AI của Nvidia

Trong vài năm qua, một nhà sản xuất dược phẩm gặp khó khăn của Ấn Độ đã xuất khẩu hàng trăm triệu USD sản phẩm công nghệ cao sang Nga, mặc cho các nỗ lực kiềm tỏa của phương Tây.

Tòa nhà Shreya Life Sciences ở Mumbai. (Ảnh: Bloomberg). 

Lỗ hổng trong chiến lược của phương Tây

Thoạt nhìn, Shreya Life Sciences chỉ là một hãng dược bình thường ở Ấn Độ, ẩn mình trong một tòa nhà văn phòng mờ nhạt và hoạt động lặng lẽ giữa vô vàn doanh nghiệp khác ở Mumbai.

Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, Shreya thực chất là mắt xích đáng chú ý trong bộ máy thu mua sản phẩm công nghệ cao của chính phủ Nga trong thời chiến.

Dựa trên các dữ liệu thương mại, Bloomberg xác định từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, Shreya đã xuất khẩu sang Nga khoảng 1.111 bộ server PowerEdge XE9680 - dòng server tiên tiến nhất của Dell Techonologies.

Trong đó, 998 bộ server có gắn chip H100 của Nvidia, số còn lại có thể chứa chip của AMD. Trị giá của chúng vào khoảng 300 triệu USD.

Dòng server nói trên - và các con chip trí tuệ nhân tạo (AI) gắn trong chúng - nằm trong nhóm mặt hàng mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm các công ty công nghệ xuất khẩu sang Nga để hạn chế năng lực quân sự của Moscow.

Song, dữ liệu Bloomberg thu thập được cho thấy Shreya đã nhiều lần hợp pháp bán các sản phẩm công nghệ cao cho Nga kể từ tháng 9/2022.

Phát hiện mới cho thấy lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tại Ấn Độ, kinh doanh với Nga không phải hành động bất hợp pháp do chính quyền Thủ tướng Narendra Modi không tham gia vào các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt lên Moscow.

Bloomberg cho biết phần lớn hàng hóa chịu hạn chế của phương Tây được nhập khẩu vào Nga thông qua phương thức tái xuất khẩu từ những nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ và UAE. Một số giao dịch được tiến hành thông qua mạng lưới các công ty trung gian phức tạp  và Shreya là một trong số đó.

Nhà sản xuất dược phẩm Shreya được thành lập tại Moscow vào năm 1995 bởi doanh nhân Ấn Độ Sujit Kumar Singh. Tại thời điểm đó, nền kinh tế Nga đang đứng trước bờ vực sụp đổ, tạo ra cơ hội hấp dẫn cho những người khôn khéo biết xoay xở trong thời hỗn loạn.

Shreya bắt đầu hoạt động với tư cách là một công ty phân phối và tiếp thị dược phẩm. Theo thời gian, Shreya mua lại vài doanh nghiệp khác để tự thành lập nhà máy sản xuất các loại thuốc phổ biến như insulin, thuốc kháng sinh, thuốc chống sốt rét và thuốc tiêu hóa.

Quả thực, dữ liệu thương mại cho thấy từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2024, Shreya bán 22 triệu USD dược phẩm sang Nga. Trang web của công ty liệt kê Nga là một trong 6 thị trường xuất khẩu hàng đầu của họ.

Chip H100 của Nvidia. (Ảnh: Bloomberg). 

Có qua có lại? 

Trong quá khứ, sự phụ thuộc vào Nga từng đẩy Shreya vào cảnh khốn đốn. Doanh thu của công ty trượt dốc trong giai đoạn năm 2014 - 2015, cùng thời điểm Nga nỗ lực sáp nhập bán đảo Crimea, dẫn tới các lệnh trừng phạt quốc tế và sự sụp đổ của đồng ruble.

Do Shreya phụ thuộc vào doanh thu bán thuốc sang khách hàng Nga và công ty con ở Moscow, họ bắt đầu lỗ nặng và mất khả năng thanh toán nợ.

Shreya sống sót nhờ vào khoản vay từ Promsvyazbank, ngân hàng thuộc sở hữu của nhà nước Nga và là đối tượng của các lệnh trừng phạt quốc tế.

Vào năm 2018, nhiều tổ chức tài chính trở nên lo ngại về việc phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt với Nga. Khi đó, Moscow biến Promsvyazbank thành nhà tài trợ chính cho ngành quốc phòng trong nước.

Và cũng kể từ đó, Promsvyazbank có vẻ đã nhiều lần cho phép Shreya trì hoãn việc trả nợ, vì dòng tiền thanh toán cho các khoản vay của hãng dược này chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền đến hạn. Trong năm 2022 - 2023, tổng nợ vay của Shreya vào khoảng 7,6 tỷ rupee, chủ nợ của 85% số tiền đó là Promsvyazbank.

Mặt khác, vào năm 2019, các thanh tra Ấn Độ phát hiện vấn đề đối với thuốc insulin do Shreya sản xuất. Gần đây nhất vào tháng 4/2024, một số sản phẩm của công ty bị cơ quản quản lý xác định “không đạt chất lượng tiêu chuẩn”.

Trong bối cảnh đó, Shreya bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm công nghệ. Tháng 9/2022, Shreya vận chuyển nhiều phần cứng máy tính trị giá 755.333 USD sang Nga.

Người nhận là Lanprint, một công ty thương mại Nga sau này bị cho vào danh sách trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, Shreya cũng bán thiết bị cho một công ty khác là Silkway. Cả Lanprint và Silkway đều bị Mỹ trừng phạt vào tháng 9/2023.

 

Shreya dừng giao dịch với cả hai công ty trên vào tháng 7/2023, sau đó bắt đầu bán hàng sang Main Chain, một doanh nghiệp Nga không nằm trong tầm ngắm của Mỹ.

Sang tháng 4/2024, Shreya đẩy mạnh xuất khẩu server PowerEdge XE9680 của Dell sang Main Chain và một công ty khác của Nga là I.S với mức giá trung bình 260.000 USD/bộ server.

Mặt khác, Main Chain cũng thu mua sản phẩm công nghệ từ một công ty Ấn Độ khác là Hayers Infotech. Tính tổng từ tháng 2/2022, Shreya và Hayers đã xuất khẩu 434 triệu USD hàng hóa công nghệ cao sang Nga.

Hayers đăng ký kinh doanh tại cùng địa chỉ Mumbai với Shreya Life Sciences. Một tấm bảng riêng biệt ở tầng trên cùng của văn phòng Shreya ghi tên Hayers Infotech Pvt Ltd.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 28/10/2024 10:42
Thách thức thuế quan phủ bóng lên triển vọng xuất khẩu thép của Trung Quốc

Các chuyên gia dự đoán xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trong 8 năm vào năm nay. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu này sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế suất cao và suy giảm vào năm 2025.

Kinh tế Quốc tế 28/10/2024 08:55
Triển vọng lãi suất năm 2025: Ít nhất hai yếu tố có thể buộc Fed phải quay xe

Mặc dù Fed đã dự kiến tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025, vẫn còn nhiều yếu tố khó lường có thể buộc cơ quan này phải điều chỉnh lộ trình. Bài học từ sai lầm chính sách trong năm 2021 vẫn còn đó, và không loại trừ khả năng lần này Fed cũng có thể đánh giá sai về bức tranh kinh tế.

Kinh tế Quốc tế 28/10/2024 07:45
Giới chuyên gia cảnh báo đồng yen có thể trượt xuống mốc 160

Bank of America và Mizuho Securities là hai trong số các hãng tài chính dự đoán đồng nội tệ của Nhật Bản sẽ lao dốc nặng nề trong ngắn hạn.

Kinh tế Quốc tế 28/10/2024 07:14
Chính trường Nhật Bản biến động lớn: Liên minh cầm quyền mất thế đa số tại Quốc hội

Chính trường Nhật Bản xảy ra biến động lớn khi liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do lần đầu mất thế đa số tại Hạ viện kể từ năm 2009.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO