Ngành công nghiệp xe điện (NEV) Trung Quốc đang đối mặt với những sóng gió lớn, và sự tan rã bất ngờ của thương hiệu Jiyue Auto là một minh chứng rõ nét. Chỉ vài ngày sau khi xuất hiện tin đồn về khó khăn tài chính, Jiyue - liên doanh giữa hai gã khổng lồ Baidu và Geely, đã chính thức giải thể vào ngày 12/12, theo Car News China. Đây là cú sốc lớn đối với thị trường, vì nếu một thương hiệu có nguồn lực mạnh như Jiyue thất bại, thì ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?
Jiyue Auto, tiền thân là Jidu Auto, được thành lập vào năm 2021 với vốn góp từ Baidu (55%) và Geely (45%). Tuy nhiên, vì không thể xin được giấy phép sản xuất cần thiết, công ty đã tái cấu trúc thành Jiyue Auto vào năm 2023, với Geely chiếm 65% cổ phần. Sản phẩm đầu tiên, chiếc SUV Jiyue 01, ra mắt năm 2023 nhưng không thành công. Dù mẫu sedan Jiyue 07, được tung ra vào tháng 9/2024, giúp cải thiện doanh số đôi chút, tổng lượng xe bán ra trong năm 2024 chỉ đạt 13.834 chiếc - quá thấp so với kỳ vọng.
Vấn đề tài chính trở nên rõ ràng vào tháng 10/2024, khi đội ngũ kiểm toán từ Baidu phát hiện lỗ hổng tài chính lên tới 7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 962 triệu USD). Baidu lập tức từ chối khoản đầu tư thêm 3 tỷ nhân dân tệ (412 triệu USD). Đến tháng 12, Geely cũng ngừng sản xuất xe cho Jiyue, sau khi công ty không thể thanh toán khoản nợ 1,5 tỷ nhân dân tệ (206 triệu USD) cho linh kiện và phí OEM.
Ngày 11/12, CEO Jiyue, ông Xia Yiping, thông báo công ty phải "tái cấu trúc, cắt giảm dự án không sinh lợi và hợp nhất các bộ phận chồng chéo." Tuy nhiên, vào ngày hôm sau, Jiyue bất ngờ tuyên bố giải thể. Tình hình trở nên hỗn loạn khi CFO của công ty, ông Liu Jining, biến mất cùng sổ sách tài chính, và địa chỉ IP của ông được xác định tại Singapore.
Những nhà cung cấp chưa được thanh toán đã tràn vào trụ sở của Jiyue để đòi nợ, trong khi nhân viên tức giận vì kế hoạch đền bù không rõ ràng và bảo hiểm xã hội không được chi trả. Một số nhân viên thậm chí đã mang theo thiết bị văn phòng để trừ vào lương.
Mặc dù có nguồn lực từ hai gã khổng lồ công nghệ và ô tô, Jiyue đã thất bại vì quản lý yếu kém. CEO Xia Yiping, người từng làm việc tại Ford và Fiat Chrysler, cũng như sáng lập Mobike, được bổ nhiệm làm lãnh đạo dù không phải lựa chọn đầu tiên của Baidu. Theo các cựu nhân viên, ông Xia không có kinh nghiệm điều hành trong ngành ô tô và thường áp đặt ý kiến cá nhân, ngay cả khi thiếu hiểu biết chuyên môn.
Đội ngũ lãnh đạo của Jiyue bị cho là thiếu cân bằng. Trong khi các bộ phận cốt lõi như sản xuất và hậu mãi do chuyên gia ngành ô tô đảm nhận, những phòng ban quan trọng khác như thương hiệu, nhân sự, và truyền thông lại do nhóm cũ của Mobike điều hành, dẫn đến sự thiếu hiệu quả và định vị thương hiệu không rõ ràng.
Hơn nữa, Xia thường xuyên tự ví mình như "Elon Musk của Trung Quốc," nhưng không thể đưa ra các chiến lược thực tiễn để giải quyết vấn đề. Mô hình “vòng xoáy tăng trưởng” mà ông áp dụng từ Mobike - một ngành có chu kỳ ngắn và tần suất sử dụng cao, thứ được cho là hoàn toàn không phù hợp với ngành ô tô, vốn phức tạp và cần đầu tư lâu dài.
Jiyue Auto không phải là trường hợp duy nhất gặp khó khăn trong ngành xe điện Trung Quốc. Các thương hiệu như Weltmeister, HiPhi và Neta cũng đã rơi vào danh sách các công ty nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, sự thất bại của Jiyue đặc biệt gây chú ý vì đây là một liên doanh với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Baidu và Geely.
Sự tan rã của Jiyue nêu bật một vấn đề lớn: ngay cả những công ty với tiềm năng công nghệ và tài chính hàng đầu cũng không thể thành công nếu thiếu quản lý chuyên nghiệp và chiến lược phù hợp. Điều này đặt ra câu hỏi lớn cho ngành xe điện Trung Quốc trong năm 2025: Nếu Jiyue thất bại, liệu ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?
Ngành NEV Trung Quốc hiện đối mặt với những áp lực lớn: từ sự cạnh tranh khốc liệt, chi phí sản xuất tăng cao, đến việc người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn. Dù có nhiều thành tựu trong phát triển công nghệ, ngành công nghiệp này vẫn cần giải quyết các vấn đề cốt lõi như quản lý dòng tiền, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, và tăng cường minh bạch tài chính.
Jiyue Auto, với sự sụp đổ bất ngờ, trở thành lời cảnh báo cho toàn ngành: tiềm năng không đồng nghĩa với thành công. Nếu không có sự cải tổ và thích nghi kịp thời, tương lai của ngành xe điện Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên khó đoán định.
VinFast muốn làm khu vui chơi giải trí, công viên, nghỉ dưỡng tại đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải quy mô 316 ha, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Một hãng taxi ở Sơn La cho biết vào ngày 21/12 tới đây sẽ đưa xe điện VF 3 vào phục vụ khách hàng.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng bất động sản tại TP HCM liên tục tăng trong 10 năm qua và dư nợ tính đến tháng 10/2024 gấp 8 lần so với năm 2014.
Đầu tư MST trúng đấu giá toàn bộ khoản nợ của chủ khu nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn tại VietinBank. Bà Trương Mỹ Lan trước đó từng có ý định mua lại dự án này.