Phát biểu tại chương trình “Data Talk | Macro Insight: Kinh tế nửa đầu năm 2025 và câu hỏi tiền đang đi về đâu?” phát sóng ngày 15/7, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng.
Một số kết quả nổi bật được ông Linh điểm lại như: GDP tăng 7,5%; giải ngân vốn đầu tư công tăng hơn 42% và hoàn thành 32,5% kế hoạch Thủ tướng giao; các ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ khởi sắc với tốc độ tăng trưởng quý II/2025 lần lượt đạt 10,7%, 9,8% và 8,5%; dòng vốn FDI thực hiện tăng mạnh…
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, chuyên gia nhận định vẫn còn một số dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế trong thời gian tới.
Trong đó, ông Linh lưu ý, cần theo dõi sát khả năng duy trì đà tăng trưởng của ngành sản xuất trong các quý tiếp theo. Mặc dù các chỉ số cứng cho thấy tín hiệu tích cực, nhưng dữ liệu mềm như chỉ số PMI lại đáng lo ngại. Ông nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm nay, PMI chỉ vượt ngưỡng 50 điểm duy nhất trong tháng 3, còn lại đều nằm dưới ngưỡng này. Đặc biệt tháng 6 ghi nhận lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.
Về xuất khẩu, mặc dù tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm đạt mức 14,5%, nhưng phần lớn nhờ thị trường Mỹ (đóng góp 56% vào tăng trưởng xuất khẩu chung với mức tăng 28,2%), chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để tránh nguy cơ bị áp mức thuế cao hơn từ phía Mỹ.
Nếu loại trừ thị trường Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 8,9%. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp trong nước đã ghi nhận sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng 5 và 6.
Theo chuyên gia, đây là những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu có khả năng sẽ chững lại trong thời gian tới, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong hai quý còn lại của năm nay.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF). (Ảnh: VNB).
Mặt khác, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay những dữ liệu thực tế đã cho thấy tốc độ tăng trưởng bán lẻ trong quý II/2025 có dấu hiệu chậm lại so với quý I/2025. Tính chung 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức trung bình của giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Lý giải điều này, chuyên gia cho rằng có hai yếu tố chính chi phối sức mua của người tiêu dùng là tâm lý và khả năng chi tiêu. Trong khi đó, tâm lý tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều bất định của kinh tế vĩ mô như chính sách thuế quan và xung đột địa chính trị toàn cầu.
Một yếu tố khác tác động đến khả năng chi tiêu là sự gia tăng của chi phí sinh hoạt. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy các nhóm chi phí liên quan đến nhà ở như điện, nước, thuê nhà… đã tăng khá nhanh trong những tháng gần đây.
Dù lạm phát chung vẫn được kiểm soát ở mức 3,2 – 3,3%, thấp hơn mức mục tiêu 4 - 4,5% của Chính phủ, nhưng theo ông Linh, rổ tính CPI hiện tại chưa phản ánh đầy đủ thực tế. Chẳng hạn, chi phí thuê nhà trong quý II/2025 đã tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng trong rổ CPI, hạng mục này chỉ chiếm dưới 10%, thấp hơn nhiều so với thực tế, đặc biệt đối với những người sống tại các đô thị lớn như TP HCM hay Hà Nội.
“Khi các chi phí như vậy tăng lên, trên thực tế đã làm gia tăng gánh nặng lên người tiêu dùng và từ đó làm giảm khả năng chi tiêu của họ”, chuyên gia VCBF nhận định.
Bên cạnh đó, ông Linh lưu ý rằng sự tăng trưởng trong ngành bán lẻ và dịch vụ thời gian qua phần lớn đến từ du lịch, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, quý II/2025 đã ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu chững lại.
Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý II/2025 chỉ tăng 10,9%, giảm mạnh so với mức 29,6% của quý I/2025. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm khách Hàn Quốc, giảm 9,6% trong quý II/2025, khi nền kinh tế này cũng đang đối mặt với nhiều bất ổn, từ phụ thuộc xuất khẩu đến bất ổn chính trị, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân.
Một thực tế khác được ông Nguyễn Hoàng Linh chỉ ra là xu hướng người Việt chi tiêu mạnh tay cho du lịch nước ngoài. Trong quý II/2025, người Việt đã chi khoảng 3,9 tỷ USD cho các chuyến đi quốc tế, trong khi tổng thu từ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD. Sự mất cân đối này không chỉ ảnh hưởng đến chỉ số bán lẻ và tiêu dùng nội địa mà còn gây sức ép lên cán cân cung – cầu ngoại tệ, từ đó phần nào gây sức ép lên tỷ giá.
Bàn thêm về tăng trưởng GDP, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 7,5%, cao hơn mức 6,5% của cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 8% cho cả năm, kinh tế Việt Nam phải tăng tới 8,4% trong hai quý còn lại. “Đây một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh các tác động từ chính sách thuế quan sẽ dần phản ánh rõ ràng hơn vào nền kinh tế trong thời gian tới”, ông nói.
Hầm Đèo Ngang mở rộng dài 650 m, vốn đầu tư gần 220 tỷ đồng nối Hà Tĩnh với Quảng Trị đã được thông sáng nay, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm.
Nhiều chính sách thuế, tín dụng, công nghệ được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh và thích ứng xu hướng thị trường mới.
Cán bộ, viên chức sau sáp nhập về trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng mới làm việc được hỗ trợ 10 triệu đồng một lần, cùng 5 triệu đồng mỗi tháng tiền đi lại, chỗ ở.
Người có xe máy xăng khi chuyển sang xe điện có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên sẽ được hỗ trợ tiền tối đa 3 triệu đồng, theo dự thảo của Sở Xây dựng Hà Nội.