Nghiên cứu cho mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu việc cho phép giao dịch, mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng tại khu công nghiệp, chế xuất.

Công văn ngày 7/9 của Văn phòng Chính phủ dẫn thông tin TS. Cao Anh Tuấn, chuyên gia độc lập về thị trường điện, đề xuất các bên thứ 3 sẽ được thuê mái nhà từ doanh nghiệp, đầu tư hệ thống điện mặt trời rồi bán cho chính doanh nghiệp đó theo hình thức tự sản tự tiêu.

Cùng đó, chuyên gia đề xuất Bộ Công Thương cho phép giao dịch, buôn bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong phạm vi một khu công nghiệp, khu chế xuất.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, báo cáo Chính phủ trước ngày 10/9.

Tại dự thảo Nghị định mới nhất về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương quy định tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống này không dùng hết sẽ được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt. Song, dự thảo không cho phép các hành vi mua bán điện khác giữa các tổ chức, cá nhân.

Hiện, theo cơ chế mua bán trực tiếp (cơ chế DPPA), điện mặt trời mái nhà chỉ được bán cho khách hàng sử dụng lớn, có lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 200.000 kWh trở lên.

Một góc hệ thống điện mặt trời áp mái tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: Nami Solar

Thực tế, một số doanh nghiệp trước đó cũng đưa ra đề xuất về việc cho thuê mái để đầu tư rồi bán điện lại cho chính doanh nghiệp.

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực hôm 9/8, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Canon Việt Nam, cho hay việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cần nhiều chi phí, thủ tục phức tạp. Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện.

Đại diện doanh nghiệp này đề xuất giữ nguyên các quy định về hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà với khách hàng không phải là đơn vị sử dụng lớn. Việc này giúp doanh nghiệp không phải bỏ ra chi phí lớn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường khi sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên.

Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Ngoài cho buôn bán, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất chuyên gia về việc nới "room" công suất điện mặt trời mái nhà. Việc này để đáp ứng cho nhu cầu phát triển nền kinh tế, xanh hóa của doanh nghiệp. Theo chuyên gia, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Đức về điều hành thị trường điện. Tại nước này, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên tới 55% vào năm 2023, đặt mục tiêu 80% vào 2030.

Về nới "room", trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho rằng cần điều chỉnh quy mô công suất với miền Bắc, có thể lên tới 7.000 MW. Mức này gấp gần 3 lần so với giới hạn phát triển 2.600 MW cho cả nước. Cùng đó, ông cũng cho rằng khả năng huy động cho khu vực TP HCM cần được tính toán lại.

 

 

Phương Dung
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá sầu riêng hôm nay 17/9: Khó khăn từ thị trường tiêu thụ sầu riêng

Giá sầu riêng hôm nay 17/9 tương đối ổn định tại các khu vực được khảo sát trên cả nước. Trong khi đó, một số bất ổn xuất hiện trên thị trường xuất khẩu sầu riêng cần cải thiện.

Giá vàng miếng tăng mạnh, chạm mốc 82 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC trong bối cảnh vàng thế giới đạt kỷ lục mới do nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào mức giảm lãi suất 50 điểm cơ bản của Fed trong cuộc họp tuần này.

Nhiều công ty xuất khẩu cá tra sang Mỹ không phải chịu thuế chống bán phá giá trong đợt POR 20

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiến hành điều tra hành chính xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra phile đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn xem xét từ ngày 1/8/2022 tới ngày 31/7/2023 (POR20).

Giá thịt heo hôm nay 17/9: Sườn non giữ giá 165.000 đồng/kg

Giá thịt heo hôm nay không ghi nhận biến động mới. Tại Công ty Thực phẩm Hà Hiền, sườn non đang được bán với giá 165.000 đồng/kg, cao nhất trong các sản phẩm thịt heo tại đây.