Theo tờ “The Economist”, năm 1971, ông John Connally, khi đó là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã nói với những người đồng cấp châu Âu rằng đồng USD là “tiền tệ của chúng tôi, nhưng là vấn đề của các bạn”.
Trong nửa thế kỷ tiếp theo, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua nhiều biến đổi, nhưng câu nói của ông Connally vẫn đúng: mặc dù giá trị của đồng USD phần lớn vẫn được xác định bởi các diễn biến ở bên trong nước Mỹ, sự biến động của đồng tiền này vẫn luôn tạo ra những gợn sóng trên khắp thế giới.
Một trong những biến động lớn như vậy có thể sắp xảy ra, vì các chính sách kinh tế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết thực hiện trong chiến dịch tranh cử vừa qua, có thể sẽ thúc đẩy đồng bạc xanh tăng giá. Điều đó báo hiệu những rắc rối cho tăng trưởng kinh tế ở phần còn lại của thế giới.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác là ông Trump muốn và có thể thực hiện được bao nhiêu phần trong số những cam kết kinh tế mà ông đã đưa ra. Nhưng sự phấn khích trên thị trường chứng khoán Mỹ (chỉ số chứng khoán S&P 500 liên tiếp đạt kỷ lục trong ba ngày sau bầu cử, từ ngày 6-8/11) đã hé lộ những gì các nhà đầu tư kỳ vọng.
Các nhà giao dịch cho rằng chính phủ sắp tới sẽ thúc đẩy lợi nhuận của các công ty Mỹ thông qua việc cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định, khi chi tiêu của chính phủ tăng vọt.
Sự kết hợp giữa thâm hụt ngân sách cao hơn và lạm phát tái phát sẽ buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải giữ lãi suất ở mức cao hơn so với mức mà lẽ ra họ đã có thể thực hiện nếu không có Tổng thống Trump.
Lãi suất cao hơn sẽ khiến việc nắm giữ chứng khoán bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn, tạo động lực cho đồng bạc xanh tăng giá.
Một phần của kịch bản này đã diễn ra. Ngày 7/11, Fed, như dự kiến, đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, hạ phạm vi mục tiêu xuống còn 4,5-4,75%. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã để ngỏ khả năng cơ quan này sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tháng 12 tới, thay vì tiếp tục cắt giảm.
Đáng chú ý, trong tuyên bố mới nhất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ không còn nói rằng họ “có nhiều niềm tin hơn rằng lạm phát đang di chuyển một cách bền vững về mức 2%” như trong tuyên bố trước đó vào tháng 9/2024.
Viễn cảnh lãi suất của Mỹ cao hơn đã đẩy giá trị đồng USD tăng 1,5% so với sáu loại tiền tệ phổ biến trong giỏ tiền tệ quốc tế suốt bốn tuần qua.
Đồng USD tăng giá thường đi kèm với triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Một lý do cho vấn đề này là trong thời kỳ bất ổn kinh tế, các nhà đầu tư có xu hướng bán bớt tài sản rủi ro và đổ tiền vào những tài sản mà họ cho là an toàn hơn, đặc biệt là đồng USD và trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Triển vọng xấu đi có xu hướng thúc đẩy đồng USD tăng giá và giống như một vòng lẩn quẩn thì điều này cũng lại làm cho triển vọng xấu hơn.
Nghiên cứu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào năm 2023 cho thấy, sau một năm, giá trị đồng USD tăng 10% sẽ làm giảm 1,9 điểm phần trăm sản lượng ở các nền kinh tế mới nổi. Các nước giàu ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng sản lượng vẫn giảm 0,6 điểm phần trăm.
Cũng theo báo cáo của IMF, tác động bất lợi từ đồng USD mạnh có xu hướng kéo dài trong 2,5 năm đối với các nền kinh tế mới nổi và 1 năm đối với các nước giàu.
Sự biến động về giá trị của đồng USD tác động đến nền kinh tế toàn cầu thông qua hai kênh chính: thương mại và tài chính. Hơn 40% thương mại toàn cầu, phần lớn không liên quan đến Mỹ, được thanh toán bằng đồng USD.
Đồng bạc xanh mạnh hơn làm tăng chi phí cho các nhà nhập khẩu, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa từ nước ngoài và giảm tổng khối lượng thương mại chung.
Do đó, trên khắp châu Á và Mỹ Latinh, biến động về giá trị của đồng USD quan trọng hơn cách thức các loại tiền tệ địa phương hoạt động. Một nghiên cứu học thuật được công bố năm 2020 phát hiện ra rằng trong trường hợp giá trị đồng USD tăng 1% so với tất cả các loại tiền tệ, thương mại giữa các quốc gia trên thế giới sẽ giảm 0,6%, sau khi kiểm soát những yếu tố khác.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, một câu lạc bộ của các ngân hàng trung ương, đồng USD mạnh hơn cũng làm tăng chi phí cho người mua hàng hóa trung gian, tạo ra rủi ro chuỗi cung ứng bị sụp đổ.
Cũng quan trọng như tác động thương mại của đồng tiền Mỹ tăng giá là phản hồi tài chính. Đối với các quốc gia và doanh nghiệp đã vay bằng đồng USD nhưng không có nguồn thu bằng loại tiền này. Khi đồng bạc xanh tăng giá sẽ tự động làm tăng gánh nặng nợ và tăng chi phí lãi suất của các doanh nghiệp.
Lãi suất cao hơn ở Mỹ, cùng với đồng USD tăng giá, khiến việc đầu tư vào phần còn lại của thế giới trở nên kém hấp dẫn hơn.
Dòng vốn có xu hướng chảy ra khỏi các thị trường mới nổi, buộc những nước này cũng phải tăng lãi suất, thắt chặt các điều kiện tiền tệ ngay cả khi nền kinh tế của họ có thể bắt đầu chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm thương mại nói chung.
Lực hút từ tính này đối với chi phí vay bên ngoài nước Mỹ được thể hiện rõ ràng. Vào sáng sớm ngày 6/11, khi kết quả bầu cử Mỹ trở nên rõ ràng, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng mạnh.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Australia, New Zealand và Nhật Bản cũng tăng theo. Một số mức tăng này đã bị đảo ngược sau đó do Fed cắt giảm lãi suất.
Liệu đồng USD mạnh có kéo dài được hay không vẫn còn là điều không thể xác định được. Bản thân ông Trump đã từ lâu đã than phiền rằng đồng bạc xanh mạnh gây tổn hại đến các nhà sản xuất trong nước và khiến người Mỹ mất việc làm. Nhưng ông không thể dễ dàng buộc Fed cắt giảm lãi suất.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên 257 tỷ USD trong tháng 10/2024 (tháng đầu tiên của tài khóa 2025).
Phố Wall đang đổ tiền vào “Trump trade” - chiến lược giao dịch được cho là có thể hưởng lợi từ nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump. Tuy nhiên, CNBC cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn Hạ nghị sĩ Matt Gaetz làm người dẫn dắt Bộ Tư pháp trong chính quyền mới dù ông Gaetz chưa từng có kinh nghiệm làm công tố viên.
S&P 500 và Dow Jones chốt phiên gần như đi ngang còn Nasdaq Composite quay đầu giảm trong phiên 13/11 khi động lực tăng giá từ chiến thắng của ông Trump dần tan biến.