Kinh tế Quốc tế 09/05/2024 10:15

Nguy cơ đồng yen giảm mạnh, châm ngòi cho chiến tranh tiền tệ mới tại châu Á

Đồng yen giảm giá mạnh làm xói mòn sức cạnh tranh của những nền kinh tế xuất khẩu trong khu vực như Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc phá giá nhân dân tệ nhằm kích thích xuất khẩu và nền kinh tế, châu Á sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

(Ảnh minh họa: Reuters). 

Viễn cảnh cuộc chiến tiền tệ mới

Trong bối cảnh đồng yen rớt xuống đáy, một số nhà đầu tư đang đánh giá viễn cảnh các nền kinh tế châu Á đồng loạt phá giá tiền tệ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ mới.

Thị trường đồn đoán rằng tuần trước chính phủ Nhật Bản đã can thiệp để kéo đồng yen ra khỏi đáy sâu 34 năm so với USD, nhưng chuyên gia cũng cảnh báo là động thái của Tokyo sẽ không tạo ra được tác động lâu dài. Điều này có nghĩa là rất có thể yen sẽ tiếp tục suy yếu.

Đồng yen giảm giá sẽ tăng cường áp lực cạnh tranh lên những nền kinh tế thiên về xuất khẩu tại châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.

Giả thuyết một số nhà đầu tư đưa ra là đà giảm mang tính bất ổn của đồng yen có thể buộc các hàng xóm của Nhật Bản có hành động quyết liệt, dù cho đến hiện tại những nền kinh tế này vẫn đang nỗ lực củng cố đồng nội tệ.

Giả thuyết trên mới chỉ được một số ít nhà đầu tư ủng hộ, nhưng nó vẫn thu hút sự chú ý bởi viễn cảnh USD tăng cao trong thời gian dài.

Ông Henry Quek, trưởng bộ phận thị trường toàn cầu tại State Street, bình luận: “Với tình huống hiện nay, có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một chuỗi phá giá cạnh tranh nếu đồng yen tiếp tục giảm sâu”.

 

Các ngân hàng trung ương châu Á đều đang tích cực hỗ trợ đồng nội tệ, nhưng yen là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong khu vực, làm xói mòn sức cạnh tranh của những nền kinh tế gần với Nhật Bản. Điều đó có thể sẽ gây ra sự bất bình, Bloomberg dự đoán.

Vào cuối tháng 4, đồng nội tệ của Nhật Bản đã giảm xuống mức sâu nhất so với nhân dân tệ kể từ năm 1992. Yen đang ở gần mức thấp nhất so với won kể từ năm 2008 và đang ở đáy sâu nhất trong 31 năm khi so với đô la Đài Loan.

Ông Kisoo Park, nhà quản lý danh mục cấp cao tại Manulife Investment Management, nhận xét: “Sự phá giá cạnh tranh đang diễn ra. Dù việc phá giá đồng tiền là có chủ đích hay không thì nó cũng đang diễn ra và gây ra tác động lên phần còn lại của khu vực”.

Kéo nhau đi xuống?

Các nhà quan sát thị trường cho biết đà giảm nặng nề của đồng yen có thể đẩy những đồng tiền khác tại châu Á đi xuống.

Ông Arjun Vij, nhà quản lý danh mục tại JPMorgan Asset Management, cho biết: “Đồng yen suy yếu đáng kể sẽ đẩy những đồng tiền châu Á khác như won của Hàn Quốc và đô la Đài Loan cùng đi xuống”.

Theo ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ Group, đồng won và đô la Đài Loan sẽ khó có thể nhận thấy lợi ích từ cơn sốt đầu tư trí tuệ nhân tạo vào hai nền kinh tế này cho đến khi giá yen đảo chiều.

 

Một điểm tích cực là các nhà chức trách Nhật Bản đã ra tín hiệu họ có thể sẽ không cho phép đồng yen giảm sâu hơn nữa. Tuần trước, chính phủ Nhật Bản có vẻ đã hai lần can thiệp vào thị trường để kéo yen từ 160 JPY đổi 1 USD lên 155 JPY đổi 1 USD. Hôm 8/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng ẩn ý về khả năng tăng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ.  

Ngoài ra, đa số các nhà đầu tư cũng không lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính trong châu Á do hầu hết các nền kinh tế đã được trang bị tốt hơn để tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn vào cuối những năm 1990.

Cụ thể khi so với quá khứ, các quốc gia châu Á hiện có lượng dự trữ ngoại hối lớn hơn, giám sát khu vực tài chính chặt chẽ hơn và thị trường vốn địa phương sâu hơn.

Ẩn số

Một ẩn số lớn là Trung Quốc sẽ làm gì với nhân dân tệ. Giá nhân dân tệ đang có nguy cơ bị đồng yen đẩy xuống, gây bất ổn trong khu vực. Đồng nội tệ của Trung Quốc được coi là mỏ neo cho những đồng tiền khác trong khu vực. Biến động nhỏ của nhân dân tệ cũng có khả năng gây ra tác động lớn lên châu Á.

Theo tờ Bloomberg, thị trường cho rằng Bắc Kinh cần phải thực hiện biện pháp quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế đang sa sút. Phá giá nhân dân tệ sẽ là một động thái bùng nổ.

Ông John Woods, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Lombard Odier Hong Kong, cho biết: “Khi nhìn vào châu Á và quan sát sự yếu kém đặc biệt của đồng yen, chúng tôi bắt đầu lo ngại về mức độ cạnh tranh tương đối, đặc biệt là với Trung Quốc. Do đó, tôi đặc biệt lưu ý về rủi ro phá giá tiền tệ tại châu Á". 

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 20/05/2024 10:17
Các chuyên gia nêu lý do 42 tỷ vốn vay của Trung Quốc khó vực dậy thị trường bất động sản

PBoC sẽ cấp vốn cho 21 ngân hàng với mức lãi suất 1,75%. Các khoản vay, có thời hạn một năm, sẽ được phép gia hạn 4 lần.

Kinh tế Quốc tế 20/05/2024 07:55
Nợ công và thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng quá nhanh, Chủ tịch Fed cũng phải e ngại

Chính phủ Mỹ đang nợ 34.500 tỷ USD, cao hơn khoảng 11.000 tỷ USD so với thời điểm tháng 3/2020. So với GDP, khối nợ hiện tương đương khoảng 120%.

Kinh tế Quốc tế 20/05/2024 06:37
Hà cớ gì Warren Buffett bán ròng cổ phiếu trong 6 quý liên tiếp?

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã bán ròng cổ phiếu trong 6 quý liên tiếp, bất chấp tiết lộ gần đây về cổ phiếu bí mật mà ông mua từ nửa cuối năm 2023.

Kinh tế Quốc tế 19/05/2024 22:26
Trực thăng chở Tổng thống Iran hạ cánh khẩn cấp

Sự việc xảy ra gần thành phố Jolfa giáp giới với Azerbaijan và cách thủ đô Tehran khoảng 600km về phía Tây Bắc. Khi đó, chiếc trực thăng đang đưa Tổng thống Raisi di chuyển ở tỉnh Đông Azerbaijan.