Jet Li, nhà đồng sáng lập công ty chuyển phát nhanh J&T Express có trụ sở tại Indonesia, mới đây đã gia nhập hàng ngũ tỷ phú. Điều này diễn ra trong bối cảnh công ty đang chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong, theo Forbes.
Trong tháng 6, doanh nghiệp của vị tỷ phú 48 tuổi này đã nộp đơn xin IPO tại Hong Kong, đồng thời tiết lộ rằng ông sở hữu 11,5% cổ phần công ty. Dựa trên tỷ lệ sở hữu và một số thông tin được công bố trong quá khứ, Forbes ước tính tài sản ròng của ông Jet Li rơi vào khoảng 1,3 tỷ USD.
Người phát ngôn của J&T từ chối bình luận về vấn đề này, đồng thời cho biết chưa ấn định số tiền mà doanh nghiệp muốn huy động thông qua đợt IPO. Một báo cáo của Bloomberg News trước đó cho biết công ty lên kế hoạch thu về 1 tỷ USD thông qua đợt IPO, và việc niêm yết có thể diễn ra ngay trong năm nay.
Được thành lập vào năm 2015, J&T Express đã trải qua gần 10 vòng gọi vốn. Một số nhà đầu tư nổi tiếng của J&T Expess có thể kể tới như Boyu Capital, Hillhouse Capital, Temasek và cả ông lớn công nghệ Trung Quốc Tencent.
Jet Li đã nghĩ ra một số mô hình kinh doanh sau hơn 15 năm làm việc cho nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc OPPO. Vị doanh nhân này có bằng cử nhân marketing của Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, từng chịu trách nhiệm về việc mở rộng toàn cầu của OPPO tại các thị trường bao gồm Indonesia, Malaysia, Nhật Bản và Singapore, theo bản cáo bạch của J&T.
Trong những năm đó, ông Li đã nhận thấy cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực logistics, vì ông không hài lòng với tốc độ giao hàng chậm chạp của các công ty ở Indonesia, theo báo cáo từ truyền thông Trung Quốc.
Thời gian sau, Jet Li tách ra thành lập công ty riêng với sự trợ giúp từ CEO của OPPO Tony Chen. Vợ của Tony Chen, Liang Xiaojing là cổ đông trực tiếp trong J&T Express với số cổ phần trị giá 500 triệu USD. Cả hai vợ chồng Tony Chen hiện không còn nằm trong ban lãnh đạo J&T Express.
J&T Express giao một phần công việc cho hơn 100 giám đốc khu vực, yêu cầu thực hiện danh sách dài các nhiệm vụ gồm vận chuyển, triển khai dịch vụ khách sạn, tiếp nhận đơn hàng cũng như làm việc với những đơn vị chuyển phát nhanh nội địa.
Công ty cho phép các giám đốc khu vực xây dựng chiến lược mở rộng tại địa phương và thường đưa ra những lợi ích về vốn chủ sở hữu để tạo động lực. Mô hình này cho phép J&T giảm thiểu chi phí vốn và chiếm thị phần nhanh chóng, theo bản cáo bạch của J&T Express.
Giờ đây, J&T là nhà điều hành chuyển phát nhanh lớn nhất ở Đông Nam Á, chiếm 22,5% thị phần về khối lượng bưu kiện, theo dữ liệu của Frost & Sullivan. Khách hàng chính của J&T trong khu vực gồm Lazada, Tokopedia và Shopee.
Tuy nhiên, Đông Nam Á không phải là nguồn doanh thu lớn nhất của J&T. Khu vực này chỉ chiếm 32,8% trong tổng doanh thu 7,3 tỷ USD của công ty vào năm ngoái.
Thị trường đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu J&T trong năm ngoái là Trung Quốc với 4,1 tỷ USD, chiếm 56,4%. Các thị trường mới hơn như Mỹ Latinh và Trung Đông chiếm 10,8% còn lại.
Kenny Ng, chuyên gia tài chính tại Everbright Securities International, cho biết các nhà đầu tư có thể sẽ theo dõi sát sao quá trình phát triển của công ty ở quê nhà, vì tăng trưởng trong tương lai của J&T ở Đông Nam Á có thể bị hạn chế.
Công ty đã mua Best Express China với giá 1,1 tỷ USD vào năm 2021 và Fengwang Information từ công ty chuyển phát khổng lồ S. F. Holding của tỷ phú Wang Wei với giá khoảng 170 triệu USD vào tháng 5.
Các thương vụ mua lại trên, cộng với chiến lược khuyến mãi bao gồm giảm phí vận chuyển, giúp J&T Express có 10,9% thị phần tại Trung Quốc tính theo số lượng bưu kiện, theo dữ liệu của Frost & Sullivan. Khách hàng của J&T tại Trung Quốc bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và Pinduoduo.
Dù vậy, trái ngược với Đông Nam Á, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc chưa mang lại lợi nhuận và vẫn báo lỗ. Tuy nhiên, nhờ những thay đổi về giá trị hợp lý của các tài sản tài chính, công ty đã báo lãi 1,6 tỷ USD vào năm ngoái. Nếu không tính đến những thay đổi này, công ty sẽ lỗ 1,4 tỷ USD.
“J&T Express vẫn đang phát triển nhanh so với các công ty giao hàng khác, và đó là lợi thế của doanh nghiệp. Nhưng ở Trung Quốc, họ đang hy sinh lợi nhuận để đổi lấy việc mở rộng thị phần. Trong tương lai, điều quan trọng là liệu công ty có thể tăng giá và quản lý hoạt động hiệu quả hơn để có lãi hay không”, chuyên gia Kenny Ng cho biết.
Hai quyết định quy định thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất vừa được UBND TP Hà Nội bãi bỏ.
Bao bì kiện hàng trong thương mại điện tử gồm bìa carton, mút xốp, xốp nilon chống sốc... lên tới hơn 300.000 tấn trong năm qua, theo chuyên gia WWF.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đang xây dựng hai phương án thực hiện điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất. Một là theo nguyên tắc thị trường, hai là theo mức giá đất hiện hành tính theo hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các lãnh đạo doanh nghiệp dễ mắc bẫy của các cuộc tấn công mạng, lừa đảo là họ quá tự tin vào kiến thức của mình, cho rằng bản thân không dễ bị lừa.