Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 10 năm qua

Lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, do tình trạng kéo dài thời gian thông quan và các lô hàng từ Brazil đến trễ vì thu hoạch chậm cùng những vấn đề về logistics, theo Reuters.

 

 

Tổng khối lượng nhập khẩu trong tháng chỉ đạt 6,08 triệu tấn, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2015, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Việc thông quan bị đình trệ đã gây áp lực lớn lên ngành chế biến hạt có dầu của Trung Quốc từ tháng 4 đến đầu tháng 5, khiến nguồn cung khô đậu tương cho ngành chăn nuôi khổng lồ của nước này bị thu hẹp đáng kể. Nguồn tin của Reuters cho biết thời gian vận chuyển đậu tương từ cảng đến nhà máy ép dầu hiện kéo dài từ 20-25 ngày, so với mức thông thường là 7-10 ngày.

"Hoạt động ép dầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng," một nguồn tin cho biết. Đến đầu tháng 5, nhiều nhà máy ép dầu ở miền Bắc và Đông Bắc Trung Quốc buộc phải giảm sản lượng hoặc ngừng hoạt động do tồn đọng hàng hóa. Một số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã cạn kiệt nguồn cung và phải tìm đến các lô hàng giao ngay với giá cao.

Hiện vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về sự chậm trễ này, xảy ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và nhà cung cấp đậu tương lớn thứ hai của nước này.

Giá hợp đồng tương lai khô đậu tương trên sàn Đại Liên của Trung Quốc đã tăng mạnh vào cuối tháng 4 nhưng sau đó quay đầu giảm do kỳ vọng các lô hàng từ Brazil sắp tới sẽ làm dịu giá. Dù hoạt động ép dầu đang dần phục hồi, các nhà phân tích vẫn lo ngại nguy cơ tắc nghẽn cảng nếu tình trạng chậm trễ kéo dài.

Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 23,2 triệu tấn đậu tương, giảm 14,6% so với 27,15 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, lượng nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6, với một số nhà phân tích và thương nhân Trung Quốc kỳ vọng đạt khoảng 11 triệu tấn mỗi tháng.

Tuy nhiên, Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (Anec) hôm thứ Tư cho biết tổng lượng xuất khẩu đậu tương của nước này trong tháng 5 có thể giảm xuống còn 12,6 triệu tấn, điều này có thể hạn chế nguồn cung cấp cho Trung Quốc.

Dù dữ liệu hôm thứ Sáu không phân biệt rõ nguồn gốc quốc gia nhập khẩu, chuyên gia phân tích Wang Wenshen từ công ty Sublime China Information cho biết, lượng mua đậu tương từ Mỹ tiếp tục giảm. Theo số liệu hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến tuần kết thúc vào ngày 1/5, doanh số bán ròng đậu tương cho Trung Quốc trong niên vụ 2024/25 là con số 0.

Mức thuế trả đũa 125% của Trung Quốc có thể sẽ gần như ngừng hẳn việc nhập khẩu đậu tương Mỹ nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trước khi mùa vụ kinh doanh bắt đầu vào cuối năm nay.

Tất cả sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc gặp sắp tới giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ tại Thụy Sĩ, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng sẽ có tiến triển trong đàm phán thương mại và khả năng giảm thuế 145% mà Mỹ áp đặt với Trung Quốc.

H.Mĩ
CÙNG CHUYÊN MỤC
Xuất khẩu hồ tiêu tăng 58% về giá trị

Xuất khẩu hồ tiêu những tháng đầu năm 2025 giảm về lượng nhưng tăng mạnh về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng.

Dự báo giá heo hơi ngày 10/5: Thị trường diễn biến khó lường

Với diễn biến của giá heo hơi những ngày vừa qua, các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ có nhiều biến động khó lường.

Điện khí LNG được mua bao tiêu 65% sản lượng trong 10 năm

Dự án điện khí LNG nhập khẩu được bao tiêu ít nhất 65% sản lượng hàng năm, tối đa 10 năm, theo Nghị định của Chính phủ.

Giá điện tăng 4,8% lên hơn 2.200 đồng một kWh từ ngày mai

Từ ngày 10/5, mỗi kWh điện có giá hơn 2.204,7 đồng áp dụng, theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).