Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 01 của Chính phủ về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện chiều ngày 7/1, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết cơ quan này vừa hoàn tất việc rà soát tình hình triển khai các dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch Điện VIII.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện tiến độ một số dự án lớn đang bị chậm trễ, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, thay đổi quy định pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ tại địa phương. Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện pháp lý và hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch.
Theo đó, hai dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đang được triển khai với tiến độ dự kiến vận hành vào năm 2025. Trong khi đó, dự án Hiệp Phước theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành trong năm 2025 nhưng hiện chưa đạt yêu cầu.
Một số dự án như Hải Lăng 1 đã hoàn tất công tác thẩm định và đang chờ phê duyệt đầu tư, còn dự án LNG Thái Bình đang được khẩn trương lập hồ sơ khả thi với mục tiêu hoàn thành trong quý II/2025…
Các dự án BOT lớn như Sơn Mỹ 1 và 2 các chủ đầu tư đã trình phương án trình nghiên cứu tiền khả thi, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn về cơ chế cần giải quyết.
Đối với các dự án khí điện sử dụng khí trong nước, với chuỗi lô B cơ bản bám sát tiến độ, dự kiến dòng khí đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2026-2027, nhưng một số dự án như Nghi Sơn, Cà Ná và Quỳnh Lộc đang chậm tiến độ do vướng mắc về quy định pháp luật trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
Về lưới điện, dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong năm 2026.
Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu vận hành 6.000 MW trong giai đoạn 2026-2030, và Bộ Công Thương hiện đang xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị khảo sát, cũng như xác định danh mục dự án trình Thủ tướng phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đạt mức cao, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, năm nay, GDP tăng trưởng 7,09%, nhưng để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản lượng điện cần tăng từ 11-12%, có tháng cao điểm lên đến 13-15%. Một số địa phương công nghiệp trọng điểm còn tăng trưởng 17-18%.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, hướng tới mức hai con số. Để đạt được điều này, hạ tầng năng lượng cần được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo nguồn cung cấp điện tăng từ 10.000-12.000 MW mỗi năm.
Ông cũng khẳng định, nhiệm vụ quan trọng là đầu tư truyền tải, đặc biệt là giải tỏa công suất tại các trung tâm năng lượng nhất là các vùng có phụ tải thấp nhưng tiềm năng lại lớn, điển hình ở Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Ông nói thêm trong Luật Điện lực và dự thảo nghị định thể hiện rất rõ nếu chủ đầu tư nào không thực hiện theo tiến độ cam kết thì Chính phủ kiên quyết thu hồi. Khi đã thu hồi như vậy thì nhà đầu tư phải chịu.
Ngoài ra, Luật Điện lực đã chính thức cho phép Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho điện khí. Các kiến nghị của các chủ đầu tư từ lâu đã “trở thành hiện thực”, như vậy Bộ trưởng khẳng định không còn lý do để trì hoãn, nếu trì hoãn thì buộc Chính phủ phải thu hồi.
Mô hình Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng RON 95-III có thể tăng 346 đồng (1,7%) lên mức 21.086 đồng/lít, giá dầu diesel có thể tăng mạnh 2,7% lên mức 19.263 đồng/lít.
Sau khi đà tăng trở lại vào sáng nay, các chuyên gia dự báo giá heo hơi ngày mai có thể tiếp tục đi lên tại một số địa phương.
Giá sầu riêng hôm nay tiếp tục duy trì ổn định, dao động trong quặng rộng nhưng vẫn ở mức cao đối với sầu Thái và RI6 loại đẹp.
Trên thị trường quốc tế, giá thép Trung Quốc tiếp đà giảm trong phiên giao dịch chiều nay, mất hơn 2%, trong khi giá quặng sắt duy trì xu hướng giảm do áp lực từ việc dự trữ nguyên liệu sản xuất thép cao hơn.