Trong năm 2024, ngành ngân hàng chứng kiến những biến động mạnh mẽ trong cơ cấu nhân sự, khi một số ngân hàng đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân sự mới, trong khi các ngân hàng khác lại thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của 27 ngân hàng, có 6 ngân hàng cắt giảm nhân sự trong năm 2024, tổng số lượng cắt giảm là 2.418 người.
Đáng chú ý, 'ông lớn' BIDV cắt giảm gần 1.000 nhân sự từ 29.997 người về 28.998 người chỉ trong một năm, tuy nhiên vẫn dẫn đầu toàn ngành về số lượng nhân sự.
Mặc dù thu hẹp quy mô, tuy nhiên BIDV lại là á quân về độ chịu chi cho nhân viên khi chi phí bình quân nhân viên BIDV tăng hơn 8% trong năm, đạt 44,7 triệu đồng/người/tháng.
Không riêng BIDV, Sacombank cắt giảm 426 người so với thời điểm cuối năm 2023 và ở mức 18.088 nhân viên. So với quy mô lớn nhất vào năm 2019, Sacombank đã cắt giảm gần 1.150 nhân sự. Tương tư BIDV, chi phí dành cho nhân viên của ngân hàng liên tiếp tăng qua các năm trong giai đoạn 2015 - 2024, từ 2.858 tỷ tại năm 2015 lên 7.419 tỷ đồng trong năm 2024.
Do đó, thu nhập bình quân nhân viên Sacombank tăng liên tục qua các năm. Tại năm 2016, thu nhập bình quân nhân viên Sacombank chỉ với 14,83 triệu đồng/tháng/người thì đến năm 2024 đã đạt 33,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài BIDV và Sacombank, hàng loạt ngân hàng khác như VIB, ACB, ABBank và Nam A Bank đều là những cái tên "cắt giảm" nhân sự trong năm vừa qua, giảm lần lượt 517 người, 365 người, 71 người và 40 người.
Nếu tính chung 27 ngân hàng khảo sát, tổng số nhân sự tại thời điểm 31/12/2024 đạt 279.267 người, tăng 7.613 người so với đầu năm, tương ứng tỷ lệ tăng 2,8%.
Phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận số lượng nhân sự tăng so với đầu năm, 21/27 ngân hàng có số lượng nhân viên tăng, trong đó BVBank, VietBank và MB là ba nhà băng có tốc độ tăng trưởng nhân sự hai chữ số.
VPBank là một trong những ngân hàng nổi bật trong việc tăng cường tuyển dụng nhân sự trong năm 2024 khi ngân hàng đã tuyển thêm 2.455 nhân sự, dẫn đầu về tuyển dụng, nâng số lượng nhân viên từ 24.973 người lên 27.428 người (tăng 9,8%).
Nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ, tổng số nhân viên đã tăng từ 13.599 người (cuối 2023) lên 15.003 người vào cuối năm 2024, tức tăng hơn 1.400 người.
Theo sau đó là ngân hàng MB khi tuyển dụng thêm 2.315 nhân viên, nâng số lượng nhân sự lên 18.639 người, tăng tương ứng 14,2%, ghi nhận là nhân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất bảng xếp hạng trong năm 2024.
Bên cạnh đó, HDBank cũng là một trong những ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về tuyển dụng nhân sự trong năm 2024, tuyển dụng thêm 1.188 nhân sự. Ngoài ra, Vietcombank và LPBank cũng nằm trong nhóm tăng mạnh với lần lượt 813 và 562 nhân sự mới.
Theo thống kê từ 27 ngân hàng, chi phí trung bình cho nhân viên mỗi tháng là 32,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,4% so với năm 2023, gấp hơn 4 lần so với thu nhập bình quân của người lao động tại Việt nam (7,7 triệu đồng/tháng vào quý IV/2024).
Nhìn chung, đa số các ngân hàng đều chịu chi hơn cho nhân viên so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có hai ngân hàng ghi nhận chi phí cho nhân viên giảm, trong đó TPBank là ngân hàng có mức giảm mạnh nhất.
Techcombank tiếp tục dẫn đầu về độ chịu chi cho nhân viên bình quân mức chi cho mỗi nhân viên ngân hàng này là 49 triệu đồng/tháng, tăng 3,3 triệu đồng hay 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm nay, MB và BIDV có cùng với mức chi phí bình quân 44,7 triệu đồng mỗi tháng, tăng lần lượt 8,8% và 8,2% so với năm trước. Trong khi đó, VietinBank vươn lên dẫn trước Vietcombank, với chi phí bình quân 43,9 triệu đồng/tháng, tăng 12,6%, đứng thứ hai trong nhóm Big 4 (không tính Agribank), trong khi Vietcombank có mức chi phí 42,8 triệu đồng/tháng.
SHB và ACB có mức chi phí bình quân lần lượt 41,1 triệu đồng và 40 triệu đồng/tháng, tăng lần lượt 31,8% và 3,1%.
NCB có mức tăng chi phí cho nhân viên cao nhất trong Top 10, với mức tăng 47,9%, từ 26,5 triệu đồng lên 39,2 triệu đồng/tháng. MSB và TPBank là hai ngân hàng duy nhất giảm chi phí, với mức giảm lần lượt 0,8% và 2,8%.
Theo thống kê, có 9/27 ngân hàng có mức chi phí bình quân cho nhân viên tăng hai chữ số, cao nhất là NCB (tăng 47,9%), kế đến là SHB (tăng 31,8%) và 16 nhà băng ghi nhận tăng trưởng một chữ số ở khoản mục này trong năm 2024.
Các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, điều này đòi hỏi nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên. Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng là một xu hướng tất yếu và chiến lược ưu tiên hàng đầu. Để tăng tốc quá trình này, việc nâng cao năng lực số cho nhân lực trở thành yêu cầu quan trọng.
Hiện nay đã có hơn 95% các ngân hàng đã có chiến lược chuyển đổi số, với một số ngân hàng có tới 90% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Tuy nhiên, thực trạng nhân lực có năng lực số trong ngành này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề này. Đơn cử như ban hành khung năng lực, khung chương trình cho các lĩnh vực chuyên môn chính,...Thống đốc NHNN ký Quyết định ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong báo cáo xu hướng kinh doanh quý IV/2024, các tổ chức tín dụng cho biết tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý IV/2023 khả quan hơn so với quý trước. Tuy nhiên, chưa đạt được như kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Dự kiến trong quý I/2025 cũng như cả năm 2025, tình hình lao động việc làm được kỳ vọng tiếp tục khả quan.