Tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại TP Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và đơn vị liên quan về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.
Trong đơn kiến nghị, những doanh nghiệp này cho biết thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, toàn bộ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Từ năm 2017 đến nay, các hộ kinh doanh vẫn tiếp tục hoạt động, được đoàn kiểm tra xuống kiểm tra theo định kỳ và vẫn được kết luận là đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định.
Tuy nhiên, từ ngày 08/10/2022, sau khi lực lượng quản lý về PCCC các quận, huyện tại TP Hà Nội kiểm tra toàn bộ cơ sở kinh doanh karaoke theo chỉ đạo của Bộ Công an, tất cả các cơ sở đều bị tạm dừng hoạt động, tạm đình chỉ do không đảm bảo an toàn về PCCC.
Trao đổi với người viết, anh Nguyễn Đăng Sỹ, đại diện cơ sở Idol Karaoke (đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) cho biết, thời gian qua, nhiều quán không có nguồn thu để trang trải chi phí thuê nhà, khấu hao tài sản, người lao động mất việc làm. Có cơ sở vì không gánh nổi chi phí đã phá sản, trả mặt bằng, ví dụ như tại địa chỉ 16 Nguyễn Khang.
Theo anh, năm 2016, sau vụ cháy quán karaoke ở địa chỉ 16 Trần Thái Tông khiến 13 người thiệt mạng, cơ quan chức năng tiến hành rà soát, yêu cầu các quán sửa chữa, nâng cấp hệ thống PCCC&CHCC theo quy định thời điểm đó. Các quán sau khi đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng đủ điều kiện được phép hoạt động.
"Tuy nhiên, mở cửa chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 xuất hiện. Đến khi UBND thành phố cho phép mở cửa sau dịch, chúng tôi chỉ hoạt động được hơn một tháng lại phải đóng cửa tiếp, tính đến nay đã 5 tháng trôi qua. Việc đối mặt với chi phí thuê mặt bằng, chi trả cho nhân viên… trong khi không có nguồn thu khiến các hộ kinh doanh gặp nhiều áp lực”, anh Nguyễn Đăng Sỹ chia sẻ.
Trong khi đó, bà Thuỷ, cổ đông cơ sở Karaoke Melody Trung Hoà (quận Cầu Giấy) nhận định, số tiền đầu tư vào loại hình kinh doanh này là rất lớn. Trường hợp xảy ra sự cố, chủ cơ sở không chỉ bị thiệt hại về tài sản mà có thể phải chịu thêm trách nhiệm hình sự.
Đây là lý do nhiều chủ quán sẵn sàng chấp hành thông tư, nghị định mới do cơ quan chức năng ban hành. Dù vậy, việc đóng cửa quá lâu sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm kiệt quệ những nhà đầu tư vốn đã thua lỗ vài năm nay.
“Bên cạnh nhiều cơ sở đóng cửa theo chỉ thị, một số quán lại cố ‘mở chui’. Điều này không chỉ thiếu an toàn, còn tạo sự thiếu bình đẳng với những nơi nghiêm túc chấp hành. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn chi tiết hơn của lực lượng chức năng về việc đảm bảo quy định an toàn PCCC, với mong muốn sớm được hoạt động trở lại”, bà Thuỷ cho biết thêm.
Cũng theo đơn kiến nghị của các doanh nghiệp này, mỗi phòng hát tại Hà Nội được đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh khoảng 300-500 triệu đồng. Với hàng nghìn phòng hát trên địa bàn, tổng chi phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể tiền thuê mặt bằng, tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng thuê ban đầu... Nếu phải đóng cửa lâu sẽ gây lãng phí lớn.
Về vấn đề này, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) trả lời VTC News cho hay đơn vị đã phân công công an 30 quận, huyện, thị xã giải thích cho các hộ kinh doanh trên địa bàn, không để người dân bức xúc.
“Các doanh nghiệp kinh doanh karaoke sẽ được cấp phép mới trong thời gian tới, những địa điểm mới mở nếu đảm bảo cũng sẽ được cấp phép”, Đại tá Phạm Trung Hiếu thông tin.
Trong quá trình kiểm tra, rà soát lại, những cơ sở không có khả năng khắc phục sẽ phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc chuyển đến địa điểm khác.
Hiện, TP Hà Nội có 1.548 cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ. Trong đó, hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không đăng ký kinh doanh… sẽ phải tự giải thể. Trong hơn 1.000 cơ sở còn lại, có 600 địa điểm chưa được cấp đầy đủ các giấy tờ về PCCC, an ninh trật tự và văn hoá…cũng phải củng cố, hoàn thiện.
Sau vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở tỉnh Bình Dương vào ngày 06/09/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…).
Đồng thời, phải chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn. Ngoài ra, cần tăng cường việc tuyên truyền, giám sát để hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trở thành hoạt động giải trí lành mạnh; có chế tài xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện, hoạt động không phép.
ByteDance đã liên hệ với các nhà đầu tư trong vài tuần qua và đề nghị mức giá 180,7 USD/cổ phiếu cho chương trình mua lại, tăng 12,9% so với mức giá 160 USD/cổ phiếu trước đó.
Phiên chợ đất tại Thanh Oai mới đây không còn cảnh người người chen chúc như 3 tháng trước, lượng hồ sơ đấu giá giảm nhiều. Với vị trí gần khu đô thị Thanh Hà, giá trúng các thửa đất chủ yếu dao động 60 - 70 triệu/m2 được đánh giá là hợp lý, dễ thanh khoản.
Khu đất rộng 8 ha để làm dự án nhà ở thương mại tại phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa sắp đấu giá, khởi điểm từ hơn 920 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân, giá nhà ở xã hội rẻ hay mắc là so với nhà ở thương mại ở cùng vị trí, cùng tầng cao, cùng chất lượng… Lãi suất hiện tại cao hơn so với 10 năm trước nhưng nếu so với lạm phát, giá nhà ở thương mại thì chưa bao giờ giá nhà ở xã hội trên thực tế rẻ như thế này.