Nhiều tổ chức đồng loạt hạ dự báo giá dầu

Trong bối cảnh GDP Mỹ sụt giảm và chính sách thuế gây áp lực lên tăng trưởng, Barclay và StanChart đã cắt giảm mạnh dự báo giá dầu, đánh dấu bước ngoặt trong triển vọng thị trường năng lượng.

Theo trang Oilprice,  ngân hàng Standard Chartered (StanChart), tổ chức thường có quan điểm lạc quan về giá dầu, đã bất ngờ hạ dự báo giá dầu Brent năm 2025 xuống còn 61 USD/thùng, và năm 2026 xuống 78 USD/thùng, tương ứng giảm 16 USD và 7 USD/thùng so với trước đó.

StanChart cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ khó thuyết phục thị trường tin rằng chính sách dựa vào thuế quan của Mỹ không dẫn tới suy thoái, nhất là sau khi Washington công bố báo cáo kinh tế đáng lo ngại vào hôm 30/4. Theo đó, GDP quý I của Mỹ giảm 0,3%, ghi nhận lần sụt giảm đầu tiên trong 3 năm qua khi doanh nghiệp Mỹ ồ ạt nhập khẩu hàng hóa nước ngoài trước khi thời hạn hoãn thuế quan 90 ngày của Tổng thống Trump kết thúc.

Bên cạnh đó, StanChart tỏ ra hoài nghi về khả năng một số quốc gia thành viên OPEC+ tuần thủ cam kết về sản lượng. Các nhà phân tích hàng hóa nhận thấy, đến nay Kazakhstan vẫn chưa có động thái cắt giảm sản lượng để bù đắp mức vượt hạn ngạch cho phép.

Sản lượng dầu thô của Kazakhstan trong tháng 2 đạt mức kỷ lục 2,12 triệu thùng/ngày, tăng 13% so với tháng đầu năm và vượt mức 1,468 triệu thùng hạn ngạch OPEC+ cấp

Theo Reuters, ngân hàng Barclay cũng hạ dự báo giá dầu Brent xuống 66 USD/thùng trong năm nay và 60 USD/thùng trong năm tới, lần lượt giảm 4 USD và 2 USD/thùng so với dự báo trước đó, chủ yếu do OPEC+ quyết định đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng.

Trong báo cáo công bố hôm 4/5, Barclays nhận định, những diễn biến liên quan đến thuế suất chắc chắc ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu, nhưng những quyết sách mới đây của OPEC+ cũng là nguyên nhân chính khiến giá dầu đi xuống.

OPEC+ đã nhất trí nâng sản lượng tháng thứ 2 liên tiếp, với mức tăng 411.000 thùng/ngày trong tháng 6.

Barclays cho rằng, OPEC+ sẽ đẩy nhanh tốc độ dỡ bỏ điều chỉnh cắt giảm tự nguyện với tiến trình rút ngắn xuống còn 6 tháng thay vì 18 tháng như kế hoạch ban đầu. Khối này sẽ kết thúc mọi điều chỉnh sản lượng tự nguyện vào tháng 10 tới đây.

Theo đó, Barclays dự báo sản lượng dầu thô của OPEC sẽ tăng thêm 390.000 thùng/ngày trong năm 2025 và 230.000 thùng/ngày trong năm 2026.

Barclays cũng nhận định, sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng chậm lại. Sản lượng dầu thô của Mỹ từ quý 4/2024 đến quý 4/2025 giảm 100.000 thùng/ngày và giảm thêm 150.000 thùng/ngày trong năm 2026.

Hồi đầu tháng 4, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thô cũng như giá dầu trong năm nay và năm tới, chủ yếu do thị trường năng lượng bất ổn khi  nguồn cung tăng và kinh tế toàn cầu có nguy cơ tăng trưởng chậm lại.

Theo đó, Bloomberg dẫn báo cáo “Viễn cảnh Năng lượng trong ngắn hạn” của EIA công bố hôm 10/4 cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu năm nay được dự đoán tăng thêm khoảng 900.000 thùng/ngày lên 103,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn 400.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng trước.

EIA cũng dự báo nhu cầu dầu năm 2026 tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với 1,2 triệu thùng/ngày trong báo cáo trước đó.

EIA dự đoán giá dầu Brent trong năm nay bình quân đạt 67,87 USD/thùng và năm 2026 đạt 61,48 USD/thùng, tương ứng thấp hơn đáng kể so với 74,22 USD/thùng và 68,47 USD/thùng đưa ra trong dự báo trước đó.

Giá dầu thô của Mỹ dự báo bình quân đạt 63,88 USD/thùng trong năm nay và 57,48 USD/thùng năm 2026, tương ứng giảm so với 70,68 USD/thùng và 64,97 USD/thùng trong dự báo trước đó.

Thậm chí, giá dầu còn được dự báo giảm xuống mức 40 USD/thùng. Bloomberg dẫn báo cáo “Giá dầu có thể xuống thấp đến mức nào?” của Goldman Sachs cho biết ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent có thể xuống dưới 40 USD/thùng vào cuối năm 2026 trong điều kiện “đặc biệt”, kể cả GDP  toàn cầu tăng trưởng chậm lại cùng với việc OPEC+ tăng sản lượng.

Phiên giao dịch ngày 5/5, giá dầu Brent giảm 3,36% xuống 59,23 USD/thùng và giá dầu WTI giảm 3,64% xuống 56,17 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent giảm 1,35% còn 61,29 USD/thùng và giá dầu thô WTI giảm 1,6% xuống 58,29 USD/thùng.

Cả hai loại dầu đều chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 trong phiên mở cửa sáng nay, sau khi OPEC+ đồng ý tăng sản lượng dầu lần thứ hai liên tiếp, nâng sản lượng tháng 6 thêm 411.000 thùng/ngày.

"Quyết định ngày 3/5 của OPEC+ về việc nâng hạn ngạch sản xuất thêm 411.000 thùng/ngày cho tháng 6 càng làm gia tăng dự báo của thị trường rằng cán cân cung – cầu toàn cầu đang chuyển sang trạng thái dư cung," ông Tim Evans, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Evans on Energy, cho biết

HT
CÙNG CHUYÊN MỤC
Giá sầu riêng hôm nay 5/5: Chịu áp lực khi xuất khẩu gặp khó

Giá sầu riêng tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ liên tục ghi nhận giảm sâu vì xuất khẩu gặp khó, với nhiều nơi báo giá sầu RI6 còn 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Giá xăng tiếp tục giảm trong chiều ngày ngày 5/5

Giá xăng dầu các loại đồng loạt giảm trong kỳ điều hành chiều ngày 5/5 do ảnh hưởng bởi đà đi xuống của giá thế giới.

Bảng giá vàng ngày 5/5: Vàng SJC lùi về 120 triệu, nhẫn trơn và nữ trang 24K ‘bốc hơi’ 2 triệu sau kỳ nghỉ lễ

Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường vàng trong nước chứng kiến đợt giảm giá mạnh ngay trong phiên giao dịch trưa ngày 5/5. Đặc biệt, giá vàng SJC đã hạ tới 1,5 triệu đồng/lượng, rơi xuống dưới mốc 121 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn và nữ trang 24K đồng loạt mất tới 2 triệu đồng/lượng.

Xuất khẩu thủy sản tăng tốc vì xáo trộn thuế quan

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm 2025, nhưng chính sách thuế quan của Mỹ và sự cạnh tranh từ Trung Quốc đang tạo ra nhiều thách thức lớn, theo nhận định của VASEP.