Kinh tế Quốc tế 20/12/2024 11:59

[Nhìn lại 2024]: AI mang đến kỳ vọng lớn nhưng cũng lắm âu lo

Trong năm 2024, các công ty công nghệ tiếp tục đặt kỳ vọng lớn vào AI với những khoản đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, giới đầu tư ngày càng lo ngại các khoản chi khổng lồ nhằm phát triển AI sẽ không tạo ra được kết quả tương xứng.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Kỳ vọng lớn lao

2023 được cho là năm của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Sang năm 2024, AI vẫn là một trong những chủ đề nóng sốt nhất của giới doanh nghiệp. Trong những tháng đầu năm, AI là động cơ chủ chốt cho tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.

FactSet cho biết trong quý I, có tới 199 công ty đề cập đến AI - con số cao nhất trong 10 năm qua. Thuật ngữ “AI” được nhắc đến nhiều nhất bởi Nvidia, Meta và Microsoft, mỗi đại gia công nghệ này nhắc đến AI không dưới 50 lần trong buổi họp công bố báo cáo kết quả kinh doanh. Ngoài ra, cả ba công ty đều báo cáo doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu năm, lần lượt đạt 262%, 27% và 17%.

Đà tăng của cổ phiếu công nghệ giúp thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa. Sau khi các công ty công nghệ báo cáo kết quả quý I, chỉ số Nasdaq Composite đã lần đầu tiên trong lịch sử phá mốc 17.000 điểm.

Nvidia là công ty hưởng lợi trực tiếp và chắc chắn nhất từ cơn sốt AI nhờ nhu cầu khổng lồ dành cho các con chip chuyên dụng của họ. Còn những gã khổng lồ như Meta, Microsft và Amazon thì chứng kiến doanh thu mảng điện toán đám mây tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ nhờ các cải tiến do AI đem đến.

Tranh thủ sự nhiệt tình của các cổ đông, các công ty đã nhanh chóng công bố những khoản đầu tư lớn vào AI. Microsoft, Alphabet, Amazon và Meta cam kết chi tổng cộng gần 200 tỷ USD riêng cho năm 2024, chủ yếu cho trung tâm dữ liệu, chip và các thiết bị khác nhằm xây dựng, huấn luyện và triển khai mô hình AI. Số tiền này cao hơn 45% so với năm 2023 và 180% so với năm 2019, theo hãng nghiên cứu Bernstein Research.  

Các “ông hoàng” trong làng công nghệ như tỷ phú Mark Zuckerberg còn thừa nhận rằng có thể phải mất nhiều năm trước khi những khoản đầu tư này tạo ra được lợi nhuận. Tuy nhiên, không ai dám chịu rủi ro bị tụt lại phái sau trong cuộc đua AI.

 

Nỗi sợ bong bóng

Tới tháng 6, vốn hóa của Nvidia lần đầu đạt mốc 3.000 tỷ USD, đem lại cho nhà sản xuất chip này ngôi vị công ty đại chúng giá trị nhất thế giới.

Nhưng khi cơn sốt AI lên tới đỉnh điểm, nỗi sợ cũng bắt đầu dâng cao. Các cảnh báo về nguy cơ bong bóng AI xì hơi ngày càng lớn và tâm lý các nhà đầu tư bị tổn thương. Cá biệt, cuộc bán tháo ngày 24/7 khiến vốn hóa các cổ phiếu trong chỉ số Nasdaq 100 sụt 1.000 tỷ USD. Dẫn đầu đà giảm là các cổ phiếu AI từng được ưa chuộng như Nvidia, Microsoft và Apple.

Nỗi sợ lớn nhất của các nhà đầu tư là giá trị mà AI tạo ra không thể bù đắp cho các khoản chi khổng lồ để phát triển công nghệ này. Ngành công nghệ dự kiến sẽ chi khoảng 1.000 tỷ USD cho AI chỉ trong vài năm tiếp theo.

Ông Jim Covello, trưởng nhóm nghiên cứu cổ phiếu toàn cầu của Goldman Sachs, đặt câu hỏi: “AI sẽ giải quyết được vấn đề 1.000 tỷ USD nào?”

Vị chuyên gia cho biết AI đang chủ yếu được dùng để giúp các tác vụ - như viết code - trở nên hiệu quả hơn, nhưng chi phí tối ưu hóa công nghệ để giải quyết công việc lại đắt gấp 6 lần phương thức hiện hành và vẫn xảy ra lỗi ngay cả trong những nhiệm vụ cơ bản.

Và ông nhấn mạnh cho tới nay, doanh nghiệp vẫn chưa phát triển được ứng dụng AI nào có khả năng thay đổi thế giới, chứ chưa nói về tính hiệu quả về chi phí.

Dẫu vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn không có ý định từ bỏ hay cắt giảm kế hoạch đầu tư cho AI vì nỗi sợ bị tụt hậu trong tương lai. Các công ty công nghệ khẳng định cái họ cần để gặt hái trái ngọt từ AI là thời gian.

Quyết tâm của các lãnh đạo công ty công nghệ được phản ánh rõ trong báo cáo tài chính quý III của Nvidia. Báo cáo cho thấy doanh thu lẫn lợi nhuận của công ty đều cao hơn dự đoán, đồng thời Nvidia còn đưa ra dự báo tốt hơn mong đợi cho quý hiện tại. Những con số đó cho thấy nhu cầu dành cho chip AI vẫn rất cao, tạo ra động lực cho cổ phiếu Nvidia.

 

Dẫu vậy, các nhà đầu tư đã trở nên khắt khe hơn với các công ty AI chứ không còn lạc quan mù quáng như trước. Tính tới ngày 25/11, giá cổ phiếu Microsoft chỉ cao hơn 11,4% so với đầu năm, kém xa đà tăng 25,5% của chỉ số S&P 500.

Các nhà phân tích của Bank of America dự kiến nhà đầu tư sẽ ngày càng chú trọng tới năng lực tạo doanh thu thực tế từ AI hơn là những lời hứa hẹn của doanh nghiệp. Những công ty cho thấy sự khác biệt lớn giữa tiềm năng tạo doanh thu và đầu tư thực tế sẽ bị đánh giá khắt khe.

Lợi - hại của AI

Nhìn lại, 2024 vẫn là năm mà các tranh cãi về AI diễn ra không ngớt. Các công ty công nghệ khổng lồ hứa hẹn AI sẽ cách mạng hóa mọi ngành công nghiệp và nền kinh tế thế giới, thúc đẩy năng suất lao động và tăng trưởng GDP.

Dù những dự đoán này đều tuyệt vời với doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng người lao động có thể nghĩ khác. Trước mắt, để tận dụng tính “hiệu quả” mà AI đem lại hoặc để dồn lực đầu tư cho công nghệ này, nhiều công ty đã cắt giảm hàng chục nghìn việc làm, tiêu biểu như Dell và Intel.

Nỗi lo mất việc vào tay công nghệ và máy móc lại khuếch đại nỗi sợ AI sẽ thống trị con người. Điều đó dẫn đến việc người tiêu dùng có khuynh hướng tránh các sản phẩm gắn mác AI, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Hospitality Market and Management.

Có lẽ không công ty nào minh họa tốt hơn về các rủi ro của AI bằng OpenAI, công ty đã châm ngòi cho cơn sốt bằng sự ra mắt của ChatGPT. Hồi tháng 9, nguồn tin của Reuters tiết lộ rằng OpenAI có kế hoạch chuyển đổi thành công ty “vì lợi nhuận”.

Thông tin này thổi bùng nỗi sợ OpenAI - và các công ty công nghệ nói chung - có thể sẽ nỗ lực tập trung phát triển các ứng dụng AI thông minh nhất mà bỏ qua những lo ngại về tính an toàn.

Giáo sư John Hopfield, chủ nhân giải Nobel Vật lý năm 2024, từng chia sẻ với báo giới rằng việc AI vượt qua trí tuệ của con người và giành quyền kiểm soát là điều có thể xảy ra “khi AI thông minh hơn chúng ta".

Bà Ellen Moons - Chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý - nhấn mạnh các công cụ dựa trên AI đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người, từ nhận diện khuôn mặt đến dịch thuật ngôn ngữ. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo công nghệ này có thể gây ra rủi ro đối với tương lai nhân loại nếu bị sử dụng sai cách.

Giang
CÙNG CHUYÊN MỤC
Kinh tế Quốc tế 20/12/2024 16:17
Sau khi làm rung chuyển thị trường, dự báo lãi suất của Fed sẽ tác động ra sao đến các NHTW toàn cầu?

Động thái mới đây của Fed khiến các nhà đầu tư phải vội vã đánh giá xem chính sách tiền tệ của Mỹ có thể ảnh hưởng như thế nào đến lãi suất toàn cầu trong tương lai.

Kinh tế Quốc tế 20/12/2024 10:06
Không lâu trước ngày ông Trump nhậm chức, chính phủ Mỹ cần kề nguy cơ đóng cửa

Một dự luật của các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà nhằm cấp ngân sách cho chính phủ trong ba tháng và đình chỉ trần nợ trong hai năm đã bị bác bỏ vào đêm 19/12.

Kinh tế Quốc tế 20/12/2024 07:05
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều, chuyên gia cảnh báo đợt điều chỉnh có thể kéo dài

Chỉ số Dow Jones vừa có phiên phục hồi nhẹ, thoát chuỗi giảm kéo dài 10 phiên. Trong khi đó, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn tiếp tục đi xuống.

Kinh tế Quốc tế 19/12/2024 22:55
Tổng thống Putin khẳng định kinh tế Nga phát triển ổn định và bền vững

Theo Tổng thống Putin, trong hai năm qua kinh tế Nga đã tăng trưởng khoảng 8%, được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới về sức mua tương đương và vượt qua tất cả các nền kinh tế châu Âu.

QUẢNG CÁO
QUẢNG CÁO