Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15 quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, tại dự thảo NHNN dự kiến bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong việc đảm bảo dịch vụ được thông suốt, liên tục.
Cụ thể, tổng thời gian gián đoạn cung ứng toàn bộ dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán trực tuyến không vượt quá 4 giờ/năm, thời gian gián đoạn cung ứng dịch vụ không vượt quá 30 phút/lần trừ trường hợp bất khả kháng hoặc bảo trì, nâng cấp hệ thống đã được thông báo trước ba ngày.
Cùng với đó, các tổ chức này cũng có trách nhiệm báo cáo NHNN trong thời hạn 4 giờ khi phát hiện sự cố gây gián đoạn quá 30 phút hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán (bao gồm trường hợp bất khả kháng hoặc bảo trì, nâng cấp hệ thống đã được thông báo trước ba ngày).
Về thực tiễn phát sinh, NHNN cho biết thời gian qua Vụ Thanh toán nhận được phản ánh của người dân, khách hàng khi ứng dụng một số ngân hàng/tổ chức trung gian thanh toán báo lỗi không thể đăng nhập ứng dụng hay giao dịch.
Đặc biệt trong các dịp cao điểm (lễ, Tết) khiến khách hàng bức xúc, cảm thấy rất bất tiện khi không thể quét mã QR thanh toán hoặc có tình trạng nghẽn mạng, giao dịch bị treo tiền mặt dù tài khoản của khách hàng đã bị trừ tiền nhưng bên nhận tiền chưa nhận được.
Ngoài ra, một số ngân hàng không có thông báo chính thức, hoặc xử lý sự cố chậm hoặc thực hiện bảo trì, nâng cấp hệ thống nhưng không thông báo trước.
Theo nhà điều hành, việc bổ sung quy định thời gian gián đoạn tối đa cho dịch vụ thanh toán/trung gian thanh toán trực tuyến là cần thiết để bảo vệ quyền lợi khách hàng và nâng cao trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ trên cơ sở cân đối giữa yêu cầu kỹ thuật, khả năng thực thi và lợi ích của khách hàng làm cơ sở bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm nghiêm ngặt.
NHNN cho biết hầu hết các nước quy định thời gian gián đoạn tối đa trong khoảng 4 giờ/năm. Một số nước trong khối EU có yêu cầu khắt khe hơn, ví dụ quy định cụ thể thời gian gián đoạn tối đa là 15 phút/lần sự cố, yêu cầu các ngân hàng phải có kế hoạch dự phòng và hệ thống dự phòng để đảm bảo tính liên tục của dịch vụ, các tổ chức phải thực hiện kiểm tra định kỳ và báo cáo về tình trạng hệ thống. Chế tài xử lý vi phạm: Vi phạm thời gian gián đoạn tối đa sẽ bị phạt tiền hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
Một số nước cũng có quy định tương tự như Singapore quy định thời gian gián đoạn tối đa là 4 giờ/năm. Các ngân hàng phải thực hiện kiểm tra định kỳ và báo cáo về tình trạng hệ thống. Các tổ chức phải có kế hoạch dự phòng và hệ thống dự phòng để đảm bảo tính liên tục của dịch vụ. Trung Quốc quy định thời gian gián đoạn tối đa là 4 giờ/năm. Các tổ chức phải thực hiện kiểm tra định kỳ và báo cáo về tình trạng hệ thống.
Điều 19 Thông tư số 15/2024/TT-NHNN quy định trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
1. Thông báo và hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán mà mình cung cấp; trả lời hoặc xử lý kịp thời các thắc mắc, khiếu nại của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán trong phạm vi nghĩa vụ và quyền hạn của mình.
2. Thực hiện giao dịch thanh toán kịp thời, an toàn, chính xác theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán; niêm yết công khai phí dịch vụ thanh toán.
3. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm điều chỉnh kịp thời nhầm lẫn, sai sót của giao dịch thanh toán trong trường hợp thực hiện không đúng yêu cầu theo lệnh thanh toán của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán; có trách nhiệm phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có liên quan để thu hồi số tiền chuyển nhầm, chuyển thừa khi thực hiện các giao dịch thanh toán theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và về đảm bảo an toàn, bảo mật, quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Ban hành các cơ chế quản lý rủi ro: nhận diện các rủi ro, phân nhóm các loại rủi ro xảy ra đối với từng loại hình dịch vụ cung ứng, bảo mật và bảo đảm tính toàn vẹn, chính xác của thông tin dữ liệu liên quan đến các giao dịch, có biện pháp đánh giá, kiểm soát, phòng ngừa rủi ro và tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
5. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thông báo, cảnh báo để khách hàng nhận biết và phòng tránh những rủi ro khi sử dụng dịch vụ thanh toán và tuân thủ đúng nội dung tại văn bản thỏa thuận đã ký kết với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán về nghĩa vụ tự bảo mật thông tin tài khoản, các yếu tố định danh khác và các phương tiện điện tử dùng trong thanh toán, tránh bị lợi dụng, lừa đảo, gian lận.
6. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thực hiện những biện pháp nhận biết khách hàng; kiểm soát, phát hiện, báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch chuyển tiền điện tử, giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật phòng chống, rửa tiền và các quy định pháp luật khác có liên quan.
7. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình theo quy định của pháp luật.
8. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm áp dụng các biện pháp, giải pháp đảm bảo kiểm tra, đối chiếu khớp đúng thông tin xác minh khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
9. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán căn cứ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan để ban hành quy trình nội bộ về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quy trình nội bộ của đơn vị mình.
10. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
Bổ sung Khoản 2a, khoản 2b Điều 19 Thông tư số 15/2024/TT-NHNN:
2a. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán được thông suốt, liên tục.
Tổng thời gian gián đoạn cung ứng toàn bộ dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán trực tuyến không vượt quá 4 giờ/năm, thời gian gián đoạn cung ứng dịch vụ không vượt quá 30 phút/lần trừ trường hợp bất khả kháng hoặc bảo trì, nâng cấp hệ thống đã được thông báo trước ba ngày.
2b. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 4 giờ khi phát hiện sự cố gây gián đoạn quá 30 phút hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán (bao gồm trường hợp bất khả kháng hoặc bảo trì, nâng cấp hệ thống đã được thông báo trước ba ngày) theo Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành khắc phục sự cố, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm gửi báo cáo sự cố đầy đủ các nội dung theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.